Giữ nét đẹp truyền thống trong gia đình đa thế hệ ở Thủ đô

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong xã hội hiện đại, giữa những biến đổi của cuộc sống, nhiều gia đình ở Thủ đô vẫn đang gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống, là nơi nương tựa ấm áp, tin cậy của mỗi thành viên, qua đó, góp phần xây dựng một Thủ đô văn hiến, văn minh, thanh lịch.

Giữ nét đẹp truyền thống trong gia đình đa thế hệ ở Thủ đô - ảnh 1
Đại gia đình hòa thuận của cụ Đỗ Thị Dụ

Nếp sống hòa thuận trong các gia đình “tứ đại đồng đường”
Nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Lê Mạnh Sơn (sinh năm 1951, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) và bà Trần Bích Thủy (sinh năm 1958) luôn được chính quyền địa phương ghi nhận là gia đình văn hóa. Gia đình ông có 4 thế hệ với 8 người cùng chung sống. Vợ chồng ông Sơn đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn tích cực tham gia công tác tại địa phương, đặc biệt quan tâm đến khuyến học, khuyến tài. Hàng năm, ông bà đều tặng học bổng cho các cháu học sinh vượt khó vươn lên trong học tập; tham gia hỗ trợ các quỹ “Nghĩa tình tuổi thơ”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tham gia hoạt động thiện nguyện vùng cao như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu… 

Với quan niệm “mỗi hành động của người lớn trong gia đình là tấm gương để con cháu học tập và noi theo”, ông bà luôn dạy các con, cháu tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người khác lúc khó khăn, hoạn nạn. Hai năm xảy ra dịch Covid-19, các con của ông bà đã vận động, tham gia ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 và các vật tư y tế với số tiền hàng trăm triệu đồng. 

Gia đình ông Lê Văn Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có 4 thế hệ với 14 người cùng sống. Các con trai, con dâu của ông bà đều tốt nghiệp đại học, đóng góp cho xã hội trên nhiều lĩnh vực, các cháu đều chăm ngoan học giỏi, hiếu thảo. Dù có đông thành viên cùng chung sống nhưng gia đình ông luôn hòa thuận, đầm ấm, mỗi người biết vì mọi người, cùng san sẻ trách nhiệm. Nhiều năm liền, đại gia đình ông Nhân đều là gia đình văn hóa tiêu biểu của quận và Thành phố. 

Tại quận Hà Đông, cụ Đỗ Thị Dụ, 80 tuổi cũng rất tự hào về gia đình với 4 thế hệ và 39 thành viên cùng chung sống dưới 1 mái nhà gồm 11 con trai, con gái, con dâu, con rể, 15 cháu trai, cháu gái, cháu dâu, cháu rể và 12 chắt. 4 thế hệ với cách sống, suy nghĩ khác nhau, nhưng các thành viên trong gia đình cụ luôn biết cách ứng xử để giữ hòa khí, yêu thương, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ. Bên cạnh đó các thành viên còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh xa các tệ nạn xã hội. “Tuy đã nghỉ hưu nhưng tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động. Các con tôi ngoài thời gian làm việc ở cơ quan cũng tích cực tham gia các phong trào do địa phương tổ chức” - cụ Dụ nói. Dù tuổi cao, nhưng cụ Dụ là gương sáng để các con cháu học tập, noi theo.

Để nét đẹp truyền thống không bị mai một
Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã, số gia đình có từ 3 thế hệ trở lên chung sống chiếm 29,66%. Các gia đình luôn khuyến khích con cháu phát huy truyền thống hiếu thảo, kính trên nhường dưới; gắn chặt tình đoàn kết trong gia đình, dòng tộc, trong đó có nhiều dòng họ, gia đình nhiều thế hệ đã duy trì những nền nếp trên trong suốt mấy trăm năm. 

“Chúng tôi tuyên truyền về pháp luật, giáo dục về giữ gìn giá trị và nét đẹp của gia đình truyền thống gắn với xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển, phù hợp với giai đoạn hiện nay; nêu gương các gia đình có ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học… để nhân rộng trong cộng đồng dân cư…” - bà Hằng cho biết. 

Theo TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới công tác chăm lo xây dựng gia đình bằng nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thể hiện quan điểm là muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết, từng tế bào gia đình phải phát triển bền vững. Hiện nay, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đang dần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của mỗi người dân. Bộ tiêu chí nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Bên cạnh các tiêu chí “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ” được áp dụng chung cho các thành viên trong gia đình, Bộ tiêu chí còn có các tiêu chí cụ thể trong ứng xử vợ chồng; cha mẹ với con, ông bà với cháu; các anh, chị, em với nhau. 

GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển thì cho rằng, một yếu tố quan trọng giúp phụ nữ gìn giữ giá trị gia đình chính là sự tồn tại của mô hình gia đình truyền thống. Cha ông ta đã truyền dạy về cấu trúc và bản chất của gia đình Việt Nam và mỗi thành viên phải ứng xử theo vị trí của mình: Cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, anh em như thể tay chân, vợ chồng chung thủy, trên kính dưới nhường, xây dựng gia phong, gia giáo theo hệ giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của dân tộc, cộng đồng đoàn kết, hài hòa. 

“Truyền thống của gia đình còn thể hiện trong việc làm gương của cha mẹ, ông bà và các thành viên khác trong gia đình. Cách đối xử, hành vi của cha mẹ, ông bà sẽ là nguyên mẫu cho con cháu. Khi trong gia đình cha mẹ, ông bà tôn trọng nhau, chia sẻ công việc gia đình, cùng nhau bàn bạc và giải quyết các vấn đề… sẽ là tấm gương sáng cho con cháu học tập” - GS.TS Lê Thị Quý cho biết.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.