Hạnh phúc của các nàng dâu “con mọn“
(PNTĐ) - Lấy chồng không chỉ được chồng mà còn được cả nhà chồng yêu mến. Khi ở cữ, được cả nhà chồng cùng chăm sóc, “cơm bưng nước rót” tận giường. Đó là hạnh phúc của các nàng dâu “con mọn” khi nhắc tới gia đình chồng.

Được nhà chồng yêu nên cũng yêu cả nhà chồng
Nguyễn Thị Hà My, sinh năm 1995, quê ở Bắc Ninh đã có một câu chuyện tình yêu có hậu như cổ tích với ông xã, quê Yên Bái. Chẳng là năm 2021, My và chồng vô tình “đụng” nhau qua việc cùng bình luận dạo trên facebook của một người bạn chung. Họ giữ liên lạc rồi yêu nhau... qua mạng sau 3 tháng. Đó cũng là năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vì tính chất công việc, ông xã tương lai của My không được phép rời khỏi địa phương. Thế là, mẹ chồng tương lai đã thay mặt con trai, xuống Bắc Ninh đón con dâu tương lai lên chơi nhà.
“Ngày đó, chúng mình nói dối hai bên gia đình là đã tìm hiểu nhau được 3 năm thay vì 3 tháng. Được mẹ anh xuống đón, mình xin phép gia đình lên chơi nhà người yêu 3 ngày mà chẳng hề sợ bị bắt cóc hay lừa đảo gì cả”.
Thời gian yêu ngắn, tìm hiểu qua mạng, cưới nhau cũng nhanh, nhưng cuối cùng, My đã có cuộc hôn nhân hạnh phúc. My chia sẻ, hạnh phúc nhất là được cả gia đình chồng yêu thương. Chồng My là con cả, dưới anh còn có một em trai đang học cấp 3. Hồi My sinh con trai đầu lòng cách đây hơn 1 năm rưỡi, cứ tối đến, My được mẹ chồng và đặc biệt là em trai chồng hỏi xem thích ăn món gì để chuẩn bị. Vì mẹ chồng bị tiền đình không thức đêm được nên em trai chồng nhận trông cháu để chị dâu được ngủ. Sáng ra, em chồng lại dậy sớm mua đồ ăn cho chị dâu. Trưa lại vào bếp nấu cơm cữ đúng món chị thích và còn bày biện rất đẹp mắt để chị ăn ngon miệng. Hôm nào em trai chồng đi vắng, mẹ chồng vào bếp chăm con dâu. Bà còn đôn đáo hỏi thăm mọi người về những món ăn ngon, lợi sữa dành cho sản phụ vì bà sinh con đã lâu, nhiều kiến thức quên mất rồi. Biết My thích ăn mít ngày nào mẹ chồng cũng chuẩn bị món mít mật cho My. Bố chồng My rất hiền và tâm lý, chẳng bao giờ bắt con dâu phải thế này, thế kia. Hồi My mới sinh, ông bà con nhắc con dâu phải nghỉ ngơi, đừng có ngồi nhiều kẻo sau này lại bị đau lưng.
My tâm sự, thời gian ở cữ của cô với nhà chồng ngắn thôi nhưng đã giúp cho cô cảm nhận được hơn bao giờ hết tình yêu của cả gia đình dành cho mình. Từng bữa cơm cữ đều được My chụp lại để trân trọng lưu giữ. Chính vì được bố mẹ và em chồng đối đãi rất tốt mà tình cảm của My dành cho nhà chồng cũng đến rất tự nhiên. “Có người bảo mình con dâu khó yêu nhà chồng vì dù sao cũng khác máu tanh lòng. Nhưng mình thấy, tình cảm cần xuất phát từ hai phía. Khi bạn được nhà chồng yêu thương thì cũng sẽ yêu thương gia đình chồng như yêu gia đình của mình”- My nói.
Chị Đào Lan Hương, ở Tôn Thất Tùng, Hà Nội cũng không thể quên được những bữa cơm do bố mẹ chồng nấu cho trong thời gian ở cữ. Quê ở Bình Dương, một mình ra Hà Nội lập nghiệp rồi lấy chồng ở Thủ đô, Hương từng nghe bạn “dọa” về cảnh lấy chồng xa, một mình làm dâu nhà chồng sẽ cô đơn lắm. Nhưng, cuối cùng, hóa ra Hương thấy mình được chăm sóc hơn cả khi còn ở nhà bố mẹ đẻ. Bố mẹ chồng Hương đều giỏi khoản bếp núc. Khi cô sinh con, bố mẹ chồng thay nhau phục vụ cơm cữ, rồi còn bê lên tận phòng. Mẹ chồng ngồi bên cạnh vừa giúp bế cháu, vừa “ngắm” con dâu ăn hết suất mới vui vẻ bê mâm bát đi rửa.
Hương tâm sự, chồng cô làm xây dựng nên thường phải đi theo các công trình. Thời gian Hương sinh con, anh cũng chỉ ở nhà với vợ được 1 tuần. Vì thế, việc chăm sóc Hương đều do bố mẹ chồng làm. “Mẹ chồng mình chẳng nề hà gì, còn giúp mình gội đầu, lau người, trông cháu cho mình ngủ. Bố chồng lắp lò sưởi, che lại cái cửa sổ bị hở để tránh con dâu và cháu bị gió lùa, trải thảm sàn để con dâu đi đỡ lạnh chân. Cả bố mẹ chồng đều không cho mình làm việc gì nặng trong suốt 3 tháng. Mình chỉ có mỗi nhiệm vụ ăn, ngủ, nghỉ, giữ cho tinh thần thật thoải mái để mẹ khỏe, con khỏe thôi”- Hương cho biết.
Mong được báo đáp bố mẹ chồng
Lê Thị Hà Phương, sinh năm 1994, công tác tại sân bay Cát Bi hiện cũng đang sống cùng gia đình chồng. Phương tâm sự, phụ nữ lấy chồng xa, được gia đình chồng thương yêu là phúc phần của cô. Tuy nhiên, theo Phương, phúc là “vốn” còn được nhà chồng yêu thương hay không phần nào đó còn phụ thuộc vào chính nàng dâu nữa.

Mẹ chồng Phương kinh doanh nhỏ nên thường đi làm từ sáng tới tối mới về. Vợ chồng Phương và em gái chồng cũng đều đi làm nên bố chồng Phương là người nấu cơm cho cả nhà. Bố chồng còn bảo Phương, con chỉ cần cho cháu ăn, ngủ còn lại để bố lo. Tin nhắn của 2 bố con lúc nào cũng là “Bố nấu xong rồi con xuống dọn cơm ăn nhé”.
Nhớ hồi Phương ở cữ, bố chồng cũng luôn nấu cơm cho con bằng tất cả tình yêu thương. So với nhiều bữa cơm cữ khác, bữa cơm cữ của bố chồng Phương có thể còn đơn sơ, giản dị nhưng luôn khiến Phương rưng rưng. “Mỗi bữa cơm cữ bố nấu, mình luôn đón nhận bằng tất cả sự biết ơn. Mình luôn cố gắng ăn hết phần cơm bố chuẩn bị và luôn khen bố nấu cơm ngon nữa”.
Phương kể, cô luôn cố gắng thể hiện tình cảm cho bố mẹ chồng thấy rằng mình thương bố mẹ nhường nào. Đó không phải tình cảm của một người con dâu mà là một người con gái thứ 2 của bố mẹ. Phương cũng luôn nhìn nhận việc sống chung với bố mẹ chồng bằng việc tự hỏi, nếu mình là bố mẹ thì em sẽ thế nào. Và chính nhờ sự hậu thuẫn từ gia đình chồng, và sự chỉn chu trong nuôi dạy con nên con trai Phương hiện tại phát triển rất tốt. Mới 17 tháng, con đã nói những câu dài, 20 tháng đã nói được nhiều từ vựng tiếng Anh và còn thuộc rất nhiều truyện, có thể đọc vanh vách bài thơ 300 chữ… Bố mẹ chồng thường rất tự hào nên suốt ngày khoe con, khoe cháu. “Không cần đợi tới sau này, mà ngay từ bây giờ mình sẽ luôn báo đáp công ơn của bố mẹ dành cho vợ chồng mình. Mình mong bố mẹ luôn khoẻ mạnh và vui vẻ bên con cháu”.
Với Đào Lan Hương, cách đây 1 năm, khi con đã cứng cáp, vợ chồng Hương đưa con về quê ngoại lập nghiệp. Vừa về nhà được ít hôm thì nhận tin mẹ chồng Hương bị đột quỵ. Hai vợ chồng lại ra Hà Nội để chăm sóc mẹ chồng. Sau gần 3 tháng điều trị tích cực, tình hình bà đã ổn định nhưng sức khỏe không còn tốt như xưa.
Không muốn làm phiền tới các con, bố chồng Hương giục hai con về lại Bình Dương vì “ở nhà đã có bố lo cho mẹ”. Nhưng, cuối cùng, chính Hương lại là người đề nghị chồng sẽ ở lại Hà Nội. Bây giờ, Hương trở thành người chăm sóc mẹ chồng. Sáng nào trước khi đi làm, cô cũng dậy sớm đi chợ, rồi chuẩn bị sẵn đồ ăn cho bố mẹ chồng. Đến lượt cô lại tìm tòi các món ăn bổ dưỡng khác nhau để mẹ chồng bồi bổ.
Hương kể, cả năm rồi cô bỏ hết các cuộc tiệc tùng, chơi bời vì lo cho gia đình. Cứ nghĩ ngày trước, bố mẹ chồng tuổi U80 vẫn cần mẫn chăm chút cho con dâu từng bữa cơm cữ, cô rất cảm động nên thấy mình cần có trách nhiệm báo đáp ông bà.