Hạnh phúc trong ngôi nhà có 5 cô con gái
(PNTĐ) - Trước đây, vì muốn có con trai mà vợ chồng ông Thống cố sinh tới lần thứ 5, rốt cuộc, cả 5 lần đều là con gái. Nhưng bây giờ, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã không còn, thậm chí, ông bà rất vui và tự hào về 5 cô con gái hiếu thảo, trưởng thành của mình.

Chuyện của người bố “đẹp trai nhất nhà”
Ông Trịnh Văn Thống, sinh năm 1959 và vợ là bà Phùng Thị Nguyệt, sinh năm 1963 hiện ở Sơn Tây, Hà Nội. Hai ông bà đều làm nông, cưới nhau năm 1982. Hồi đó, nhà ông Thống ở cách nhà bà Nguyệt một cái đầm, thi thoảng ông lại bơi qua đầm để “tán” bà. Còn bà chẳng có nhiều điều kiện tìm hiểu kỹ về ông mà sau vài lần gặp gỡ là đồng ý cưới.
Năm 1984, bà sinh con gái đầu lòng Trịnh Kim Thư, rồi lần lượt sinh thêm con gái Hồng Trang năm 1986, Ngọc Thảo năm 1988, Lệ Thu năm 1991 và Thu Hoài năm 1999. Chị Kim Thư kể: Hồi đó, khi em út ra đời vẫn là gái, ước mơ có con trai nối dõi của bố chị hoàn toàn bị dập tắt. Bố chị rất buồn vì bị mọi người trêu là “người đàn ông đẹp trai nhất nhà”, khi ăn cỗ thì bị xếp ngồi mâm dưới. Để giải khuây, nhiều lúc bố chị đi uống rượu giải sầu, rồi về nhà càm ràm vợ con. Tuy nhiên, chưa bao giờ bố bạo hành, kỳ thị các con gái.
Vì sinh nhiều con nên gia đình chị Thư có giai đoạn rất khó khăn. Chị mới học tiểu học đã phải theo mẹ ra đồng cấy thuê, làm ruộng, chăn trâu, cuốc đất... Nhưng vất đến mấy chị Thư vẫn quyết không nghỉ học. Tốt nghiệp THPT, chị thoát ly lên Hà Nội học Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ở nhờ nhà cô chú, một buổi đi học, một buổi chị phụ bán quán cơm rửa bát, dọn dẹp... Đến cô em gái thứ 2 của chị vì gia đình khó khăn quá mà nghỉ học sớm đi lấy chồng.
Thương các con, bố mẹ chị quyết định bứt phá, chuyển sang buôn bán thêm. Nhờ đó mà kinh tế gia đình được cải thiện. Cô em gái thứ 4 đã được học qua cao đẳng. Cô em gái út học giỏi nhất, đỗ đầu Đại học Ngoại thương, sau đó giành học bổng và được hỗ trợ thêm của gia đình để sang Anh du học.
Và sự thừa nhận “con nào cũng là con”
Thời gian thấm thoắt trôi, giờ 5 người con gái của ông Thống đều đã trưởng thành, có gia đình riêng. Chị cả Kim Thư hiện đang làm chủ doanh nghiệp chuyên về sản xuất, kinh doanh sản phẩm trà túi lọc xạ đen. Chị cho biết công việc vừa giúp cho chị được sống với đam mê là tôn vinh và khẳng định giá trị của thảo dược Việt, vừa cho chị nguồn tài chính ổn định để lo cho gia đình và báo hiếu bố mẹ. 3 người em gái sau của chị cũng có cơ ngơi riêng, kinh tế vững. Cô em gái út du học từ Anh trở về hiện là giáo viên dạy tiếng Anh với thu nhập khá. Ngoài 5 cô con gái, ông bà Thống còn có thêm những chàng rể hiền lành, tốt bụng, yêu bố mẹ vợ như bố mẹ mình. Vợ chồng cô con gái thứ 4 còn xây nhà ở sát nhà ngoại để có điều kiện năng qua lại, chăm sóc bố mẹ thay các chị gái ở xa.
Chị Thư tâm sự: “Trước đây có quan niệm phải có con trai để lo thờ cúng tổ tiên, báo hiếu bố mẹ. Nhưng ở nhà mình, 5 chị em gái đều có thể làm được mọi việc chu đáo thay con trai trong nhà”. Ngày lễ, Tết, các con đều lần lượt mua quà biếu bố mẹ. Hàng năm, các con tổ chức đưa bố mẹ đi chơi cả trong và ngoài nước để ông bà biết đây, đó. Nhờ vậy mà ông bà Thống gần như đã đi được hết các tỉnh/thành ở trong nước và các nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Malaysia... Tuần nào, cả 5 chị em gái cũng về thăm ông bà, cùng ăn cơm sum họp, các chàng rể thì “hầu” chuyện bố mẹ vợ, rồi cùng hát karaoke... rất vui vẻ. Kỷ niệm 40 năm ngày cưới của bố mẹ, các con cũng xúm vào tổ chức. Mấy năm trước, ông bà Thống chia tài sản thừa kế là đất cho các con. Tuy nhiên, các cô con gái đã quyết định sẽ để phần đất đó sau này xây ngôi nhà chung cho cả đại gia đình về sum họp chứ không bán đi lấy tiền. Cũng chẳng chị em nào vì tranh giành, so đo phần thừa kế mà ganh tị, xung đột, mâu thuẫn với nhau. Gia đình lúc nào cũng yên ấm, các con thì trưởng thành, hiếu thuận, luôn đùm bọc, bảo ban nhau, ông bà Thống không còn gì phải bận tâm. Ông bà có thể an hưởng tuổi già, hàng ngày tham gia các CLB sinh hoạt thơ ca, khiêu vũ... Ông Thống thừa nhận, đúng là con nào cũng là con, miễn là cha mẹ nuôi dạy con có hiếu thì sau này ắt được hưởng hồng phúc.
Chị Thư và các em gái tâm sự: Trước đây, bố chị còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu nên coi trọng việc có con trai; còn mẹ chị thì chọn cách sống an phận để giữ gia đình cho các con. Tuy nhiên, nhìn vào cách sống của bố mẹ, chị em chị đều rút ra những bài học quý cho bản thân. Trước tiên, là việc không trọng con trai hơn con gái. Như em gái chị Thư sinh con gái một bề, em rể chị còn chủ động nói với vợ chỉ dừng lại ở hai con gái để nuôi dạy cho tốt. Chồng chị cũng vậy, hồi mới cưới cũng luôn nói rất thích con gái một bề để vợ không bị áp lực phải sinh con trai.
Chị Thư cũng cho biết, chị có một nguyên tắc rõ ràng với chồng là phải chung thủy và không bao giờ được bạo hành vợ.