Tranh chấp chia tài sản sau ly hôn:

Hết tình, tài sản phải phân minh

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nhiều cặp vợ chồng vì một số lý do mà không thể tiếp tục duy trì hôn nhân. Song, khi tình hết, người chồng/vợ lại tìm cách giữ toàn bộ tài sản, không cho đối phương nhận phần tài sản thuộc về mình, hoặc ngược lại, đòi chia tài sản riêng của đối phương dù biết không thuộc về mình. Cả hai lối ứng xử đó đều khiến quan hệ hậu ly hôn giữa vợ cũ, chồng cũ càng như “bát nước hắt đi”.

Hết tình, tài sản phải phân minh  - ảnh 1
Nhiều người chồng/vợ khi tình tan thì tìm cách chiếm giữ tài sản của đối phương bất chấp trái quy định pháp luật Ảnh minh họa

Quyền lợi tài sản bị xâm phạm sau ly hôn
Tháng 3/2021, chị Lê Thị Ánh H và anh Phạm Văn D cùng trú tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã ly hôn theo Bản án số 10…/2021HNGĐ-ST của TAND thị xã An Nhơn. Theo trình bày của chị H, trước đó, trong thời kì hôn nhân, chị và anh Phạm Văn D có tài sản chung là ngôi nhà hai tầng xây năm 2015 trên thửa đất tại Khu quy hoạch tái định cư dự án mở rộng quốc lộ 1A rộng 100m2. Song, sau khi ly hôn, anh Phạm Văn D vẫn tiếp tục quản lý nhà, đất và còn giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chị đồng ý giao nhà đất cho anh Phạm Văn D sở hữu đổi lại anh D thanh toán cho chị 1/2 giá trị nhà đất. Anh D đã từ chối yêu cầu này của chị và trả lời, anh muốn tặng nhà đất cho hai con chung là Phạm Quốc H, sinh năm 2004 và Phạm Gia H, sinh năm 2005. Tuy nhiên, anh ra điều kiện là hai con không được bán nhà đất và phải để anh cư trú cho đến khi chết. Khi nào thấy thích hợp, anh sẽ làm thủ tục giao nhà cho hai con sau. Chính vì không thống nhất phân chia tài sản nên quan hệ giữa chị và chồng cũ vẫn cứ “nhùng nhằng” và chẳng lấy gì làm tốt đẹp. 

Tương tự như vậy, bà A và ông C trú tại huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên là vợ chồng, chung sống có mâu thuẫn nên đã thuận tình ly hôn từ năm 2019. Về tài sản chung, hai bên thống nhất để ông C sở hữu xe môtô, tiền bán bò 13 triệu đồng; bà A sở hữu bàn gỗ, giường gỗ... Song, rắc rối nảy sinh liên quan đến khối tài sản có giá trị là mảnh đất theo hình thức đấu giá. Theo bà A, mảnh đất này bà được nhận từ năm 2006, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng năm 2007 và không liên quan đến ông C vì ông bà kết hôn năm 2010. Trong quá trình chung sống, bà A, ông C xây dựng 1 nhà cấp 4 trên thửa đất nói trên. Bà A đề nghị chia trả cho ông C một nửa giá trị nhà, còn đất là của riêng bà.

Tuy nhiên, ông C khăng khăng không chịu và khẳng định đã chung sống với bà A từ năm 2004, chỉ là đến năm 2010 ông bà mới làm thủ tục đăng ký kết hôn. Vì vậy, nhà và mảnh đất nói trên là tài sản chung của hai vợ chồng. Ông C yêu cầu phải chia thửa đất làm 2 phần, ông nhận phần đất không có nhà ở phía Bắc, phần có nhà phía Nam giao cho bà A, đồng thời yêu cầu bà A trả lại chênh lệch tài sản. 

Bức xúc vì không được nhận phần tài sản thuộc về mình, cũng như bị đối phương đòi chia tài sản được cho là của riêng mình, chị H và bà A đều đã có đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản sau khi ly hôn với chồng cũ.

Không thể cho mình tự định đoạt tài sản hôn nhân
Tháng 8/2022, tức là 1,5 năm sau khi ly hôn, chị H và chồng cũ lại gặp nhau tại tòa trong vụ án “Chia tài sản sau khi ly hôn” do cả hai không thống nhất được việc chia tài sản chung. Hội đồng xét xử TAND thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định nhận định, theo quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình về định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận của hai người. Nguyên tắc giải quyết chia tài sản chung được quy định tại Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình. Như vậy, việc chị Lê Thị Ánh H không đồng ý giao tài sản cho hai người con theo điều kiện của anh Phạm Văn D (không được bán và anh được quyền quản lý, sử dụng cho đến khi chết mới làm thủ tục cho con) và yêu cầu chia tài sản chung theo đúng quy định của pháp luật là có căn cứ để chấp nhận. Việc anh Phạm Văn D đang ở và làm nghề tại ngôi nhà này, chị Lê Thị Ánh H cũng đồng ý yêu cầu nhận giá trị là phù hợp với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình về việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong kinh doanh và nghề nghiệp có điều kiện để lao động tạo thu nhập. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã quyết định giao ngôi nhà và thửa đất cho anh Phạm Văn D sở hữu, sử dụng. Song, anh Phạm Văn D có trách nhiệm thanh toán 1/2 giá trị tài sản cho chị Lê Thị Ánh H.

Trở lại với trường hợp của bà A và ông C, A dù khai là đã chung sống với bà A từ năm 2004, nhưng tất cả các nhân chứng mà ông C cung cấp, trong đó có cả nguyên trưởng thôn đều cho biết, họ không rõ hai bên thực sự sống cùng nhau từ năm nào, chỉ biết khi xét cấp đất thì chỉ có một mình bà A. Bản thân ông C cũng không cung cấp được chứng cứ nào khác nên không có cơ sở cho rằng bà A, ông C chung sống từ năm 2004 như ông C khẳng định. Do đó, không có cơ sở cho rằng thửa đất nói trên là tài sản chung của bà A, ông C. Vì vậy, bà A được quyền sở hữu riêng tài sản là thửa đất diện tích 176m2. Đòi hỏi được chia tài sản của ông C đã không được chấp nhận.

Qua hai sự việc trên có thể thấy, việc phân chia tài sản sau ly hôn đều được tiến hành dựa trên các quy định của pháp luật. Một bên vợ/chồng không thể tự cho mình quyền được quản lý, định đoạt tài sản chung, cho hoặc cho đối phương được sử dụng tài sản, hoặc tự quyết cho tặng các đối tượng khác mà không có sự đồng thuận của chồng/vợ cũ. Tương tự như vậy, việc xác định tài sản riêng của vợ/chồng hoặc tài sản chung của cả vợ chồng được xác lập trong thời kỳ hôn nhân đều cần dựa theo các chứng cứ pháp lý, không thể chỉ do một bên tự khẳng định mà thành. Khi các bên không thể tự thỏa thuận về việc định đoạt tài sản khi ly hôn thì có quyền đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết xác định tài sản chung, tài sản riêng và phân chia theo quy định pháp luật.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.