Hóa giải "sóng gió" bằng cách nào ?
“Dì ghẻ - con chồng” luôn được xem là một trong những mối quan hệ “sóng gió” trong gia đình từ xưa đến nay. Để hóa giải mối quan hệ này, chuyên gia Trịnh Trung Hòa nói, là rất khó khăn.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến những “sóng gió” khó hòa giải của mối quan hệ này, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng: Do sự nhỏ nhen, ích kỷ của người phụ nữ khi đã đồng ý đến với một người đàn ông khác nhưng không chấp nhận con riêng của người đàn ông đó. “Không những ghét bỏ, không chấp nhận mà “dì ghẻ” còn có tâm lý muốn đày đọa, đánh đập, dày vò đứa con riêng của chồng như một cách trút hận”.
Theo chuyên gia tâm lý này, những người phụ nữ như vậy sẽ luôn muốn giành lấy ưu thế cho những đứa con của mình sau này và “độc chiếm” tình yêu thương của người đàn ông đối với mình. Nếu “dì ghẻ” ích kỷ, hẹp hòi không chấp nhận con riêng của chồng sẽ rất dễ xảy ra bi kịch.
Nhiều năm tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, ông đã chứng kiến rất nhiều trường hợp người phụ nữ đến hỏi ý kiến về việc có nên tiến tới hôn nhân với người đàn ông đã có con riêng không? “Với những trường hợp như vậy, tôi thường hỏi rằng cô cảm thấy đứa con riêng đó như thế nào, có chấp nhận được nó không thì mới nên tính đến việc tiến tới. Nếu họ trả lời là rất băn khoăn, khó chấp nhận thì tôi nói rằng nên suy nghĩ kỹ bởi nếu đến với nhau như vậy sẽ khổ cho cả 3 người là bản thân, người chồng và đứa con riêng đó”, chuyên gia Trịnh Trung Hòa chia sẻ.
Trong thời gian chờ trẻ đón nhận mình, bạn hãy yêu thương trẻ, thể hiện sự quan tâm một cách chân thành, trẻ sẽ cảm nhận được và đón nhận người mẹ kế (Ảnh: minh họa, nguồn INT)
Đặc biệt, để “hóa giải” mối quan hệ giữa “dì ghẻ - con chồng” thì vai trò của người đàn ông là đặc biệt quan trọng. Người đàn ông có con riêng trước khi đến với một người phụ nữ khác phải trải lòng, tâm sự với người phụ nữ về hoàn cảnh của mình. “Người đàn ông phải thẳng thắn bày tỏ quan điểm về việc người phụ nữ có chấp nhận đứa con riêng của mình hay không, vì nếu không chấp nhận được khi lấy về sẽ đày đọa, đánh đập khiến cho tất cả các bên phải đau khổ”, ông nói.
Thực tế, trong xã hội không hề thiếu, thậm chí rất nhiều những người mẹ kế một lòng chăm sóc, yêu thương con chồng dù hoàn cảnh có thế nào đi chăng nữa.
Câu chuyện về “dì ghẻ” Phan Thị Hoa (46 tuổi, ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An) vất vả nuôi lớn 8 người con đau ốm của chồng; hay bà Nguyễn Thị Tứ (thôn 13, xã Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn luôn dành trọn mọi yêu thương, chăm sóc cho các con - những người con riêng của chồng suốt hơn 30 năm qua; hoặc câu chuyện về bà Lê Thị Phương (SN 1955, thôn Giải Uấn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) - một trong những người phụ nữ đã mạnh mẽ vượt qua ranh giới hằn sâu bởi định kiến xã hội về mối quan hệ “dì ghẻ con chồng” để nuôi dạy 2 con chồng khôn lớn; rồi câu chuyện cảm động về bà Nguyễn Thị Thăng ở K7, Thụy Điền, Tân Lập, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, người mẹ nuôi 5 con chồng ăn học, thành đạt. Khi bà Thăng lấy chồng, chồng đã có đến 5 người con riêng với vợ trước.
Được hỏi để có một đại gia đình đầm ấm và hạnh phúc như thế có khó không? Bà trả lời: “Không khó, đơn giản mình hãy luôn làm tròn trách nhiệm của một người mẹ vì mình là mẹ. Tình yêu của một người mẹ sẽ làm được tất cả”. Câu chuyện “bánh đúc có xương” thực sự vẫn luôn tồn tại, sưởi ấm và chữa lành tâm hồn cho những đứa trẻ không may có một gia đình chưa hoàn chỉnh.
ĐỖ ANH