Học phí cho sự trưởng thành

Thái Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Thôi thì trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Mình mà căng lên là hỏng, có khi còn đẩy con tới chỗ mắc sai lầm lớn hơn”.

Đó là suy nghĩ của chị khi đột nhiên nghe con gái thú nhận trót vay tiền bên ngoài. Tệ hại hơn, con còn dám bỏ học suốt mấy tháng qua trong khi ngày nào cũng dắt xe ra ngoài đường. Nó khiến chị lầm tưởng là con vẫn đang đi học. Chị không thể tưởng tượng đứa con gái mà chị vẫn tin tưởng lại có thể mắc lỗi như vậy.

Chị phải cố gắng nuốt giận vào trong và nhắc mình bình tĩnh trở lại. Chị hỏi con ngọn nguồn sự việc, rằng vì sao con lại vay tiền trong khi chị đâu để con thiếu thốn. Chị cho con tiền đóng học phí, tiền tiêu vặt hàng tháng, cơm ăn ba bữa mẹ nuôi. Con gái chị vừa khóc, vừa nói trót hùn vốn với bạn để kinh doanh mỹ phẩm online. Sợ chị không đồng ý, con âm thầm vay tiền rồi nghĩ tiền kiếm được sẽ đủ để trả nợ dần. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên việc kinh doanh thất bại. Từ khoản vay 50 triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con, con bắt đầu thiếu nợ. Cho tới khi không còn cách nào khác, nó mới vội vã cầu cứu chị.

Học phí cho sự trưởng thành - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chị rất hiểu tính cách của con mình. Từ nhỏ, con đã muốn chứng tỏ mình là người giỏi giang. Sau khi vào đại học, con cho rằng mình đã lớn nên có thể tự khởi nghiệp mà không cần tìm kiếm lời khuyên từ mẹ. Tuy nhiên, thế giới trong mắt của một cô con gái mới 20 tuổi không phải lúc nào cũng đẹp đẽ, trời yên biển lặng như thế giới thật.

- Mẹ cho con tiền trả nợ người ta, sau đó, con sẽ đi làm kiếm tiền để trả nợ mẹ. Con bây giờ đã sẵn sàng đi làm kiếm tiền. Con không muốn học đại học nữa-con gái chị quả quyết nói.

- Vậy con tính sẽ làm gì để trả nợ cho mẹ? chị hỏi

- Con đi phục vụ ở quán cafe. Con đã được mấy quán cafe nhận con rồi. Họ bảo con nhanh nhẹn, đủ điều kiện để trúng tuyển.

Chị rất hiểu việc đi làm kiếm tiền thời buổi này không dễ dàng, nhưng chắc chắn, nếu ngăn cản con sẽ không nghe lời của chị. Chị cũng có thể giúp con thoát ra ngay khỏi các rắc rối nhưng nếu làm vậy, con sẽ không thấm thía sai lầm mà mình đã mắc phải. Vì vậy, chị chọn cách đồng ý với giải pháp của con. Tuy nhiên, chị đưa ra điều kiện, tạm thời, thay vì bỏ học, con sẽ viết đơn xin bảo lưu 1 năm ở trường đại học để đi làm kiếm tiền trả nợ. Sau đó, con sẽ tiếp tục cân nhắc về việc có đi học nữa hay không.

Thỏa thuận được hai mẹ con thống nhất. Chị chấp nhận bỏ ra khoản tiền lớn để con giải quyết món nợ. Còn con chị bắt đầu đi làm ở quán cafe với mức thù lao 15.000 đồng/giờ. Mỗi ngày con chị kiếm được 150.000 đồng cho 10 tiếng phục vụ ở quán. Một hai ngày đầu tiên trôi qua trót lọt, con rất phấn khởi vì đã có thể tự làm ra tiền. Nhưng rồi sau 1 tháng, con bắt đầu đuối sức dần. Trở về nhà sau giờ làm, con đổ vật ra giường rồi ngủ một mạch tới sáng, nhiều hôm bỏ cả ăn cơm tối. Chị thương và xót con song vẫn tỏ ra bình thản. Chị tin, con đang bắt đầu nhận được những bài học quý.

Quả nhiên, trong ngày cuối tuần được nghỉ làm ấy, con bỗng thủ thỉ với chị:

- Giờ con mới thấy việc được mẹ nuôi đi học thật là sung sướng mà con lại không biết tận hưởng. Con cứ tưởng học vất vả nhưng làm việc như thế này còn vất hơn nhiều. Con bị mệt mẹ ạ.

- Con chẳng còn lựa chọn nào khác vì khoản nợ với mẹ vẫn còn. Con đã sai thì phải chấp nhận sửa sai thôi, chị trả lời con.

Sau 6 tháng làm việc cật lực, con chị mới gom góp được một phần tiền để trả nợ cho chị. Tuy nhiên, con đã tự đề nghị chị sau khi trả nợ xong, chị cho con nghỉ làm để đi học trở lại.

- Con sẽ học đại học và học thật giỏi để sau này có cơ hội kiếm được việc làm với mức lương được nhận tốt hơn công việc hiện tại, con gái chị chia sẻ.

Chị nghe con nói vậy, rất vui vì con đã tự biết giác ngộ. Lúc này, chị mới đưa lại cho con toàn bộ số tiền mà con làm được để trả nợ chị và nói:

- Mẹ đã trả nợ xong cho con. Mẹ thấy, con làm việc như vậy suốt mấy tháng qua cũng là đủ rồi. Số tiền con đưa, mẹ cho lại cho con và đồng ý cho con nghỉ làm. Trước mắt còn mấy tháng nữa mới vào năm học mới, con nên tranh thủ thời gian này đăng ký học thêm ngoại ngữ hay các kỹ năng nào mà con thấy cần. Con vẫn có thể tiếp tục đi làm để trải nghiệm nếu con sắp xếp được và không bị quá sức. Điều mẹ muốn nói là từ nay con hãy suy nghĩ kỹ trước khi làm một điều gì đó vì không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội để sửa sai.

Con gái chị khe khẽ gật đầu. Một khoản tiền lớn mất đi, nhưng chị không thấy tiếc vì đó là học phí cho sự trưởng thành của con.

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.