Khi hai ta cùng chung nhịp... đọc

Bài và ảnh: Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hơn 15 năm cả yêu và cưới, tình cảm của vợ chồng anh Lê Minh, chị Thanh Hà (cùng sinh năm 1990, giảng viên ngành Tâm lý học, sống tại Hà Nội) được thể hiện bằng những giá sách cao chất ngất trong nhà, cùng cậu con trai thừa hưởng “gen” thích đọc sách của bố mẹ.

Khi hai ta cùng chung nhịp... đọc - ảnh 1
Chị Hà bên giá sách “đồ sộ” của gia đình. Ảnh: NVCC

Hẹn hò ở phố sách, “của hồi môn” cũng là… sách
Anh Minh và chị Hà từng là bạn học cấp 3. Những lần tới nhà nhau chơi, họ nhận ra có điểm chung là sách. Điểm chung đó khiến hai người xích lại gần nhau hơn và dần dần tiến tới tình yêu. Không chỉ cùng mê đọc, cả hai còn cùng thích các đầu sách liên quan phát triển bản thân, sách viết về các danh nhân, văn học kinh điển và sau này là các thể loại sách có liên quan đến lĩnh vực tâm lý học, giáo dục. Ngoài ra, các cuốn sách khoa học thường thức, bách khoa thư và sách hỏi đáp về tự nhiên, văn hoá, lịch sử, xã hội cũng được hai người tìm đọc.

Quãng thời gian yêu nhau, địa điểm hẹn hò chủ yếu của hai người là ở các con phố chuyên bán sách. Đi mua sách cùng nhau là việc rất thường xuyên của đôi trẻ. “Khi thì lên tận Đinh Lễ, dạo qua phố sách 19/12, khi qua đường Láng, Cầu Giấy… Rồi hầu như tất cả sự kiện trao đổi, mua bán sách cũ, mới, các hội sách tổ chức ở Hà Nội, hai vợ chồng mình đều quan tâm”- chị Hà cho hay.

Hai vợ chồng vui vẻ nhớ lại một kỷ niệm, họ cùng nhau đi mua sách rất nhiều nên đã trở thành khách quen của không ít cửa hàng sách. “Nhiều người chủ “nhẵn mặt” chúng tôi, vì lúc nào cũng tới cửa hàng cùng nhau đọc sách, chọn được cuốn sách ưng ý mới ra về. Gọi là hẹn hò mà chẳng nhìn nhau, chỉ ở cạnh nhau rồi ai nấy tìm sách đọc thôi”- anh Minh cười.

Họ tự nhận, có lẽ tình yêu với sách là một tình yêu trong sáng và lớn lao, nên nó đã giúp tình cảm của hai người ngày một bền chặt. “7 năm yêu nhau, đọc sách cùng nhau,  viết nhật ký cùng nhau và cho nhau mượn sách, cũng như chia sẻ những điều đọc được từ sách là động lực để cả hai quyết định trở thành bạn đời của nhau”- chị Hà nói. 

Thậm chí, sách cũng là tài sản nhiều nhất, lớn nhất mà chị Hà mang sang nhà anh Minh khi thành vợ chồng. “Giống như cô ấy mang của hồi môn vậy. Số sách ấy được gửi sang nhà tôi nhân dịp nhà cô ấy đang sửa. Rồi cũng chẳng cần mang về nữa, vì thành người một nhà rồi còn đâu”- anh Minh kể. 

Sau mười mấy năm dành tình yêu cho sách, đến nay, cặp vợ chồng sở hữu gia tài sách khá đồ sộ, khoảng trên dưới 3.000 cuốn. Những chiếc kệ lớn nhỏ ở nhà chất đầy sách các thể loại, từ sách chuyên môn của hai người như tâm lý học, giáo dục, khoa học xã hội đến văn học kinh điển, sách phát triển bản thân, sách truyện thiếu nhi, bách khoa thư...
Truyền tình yêu lớn cho con trai nhỏ
Vợ chồng anh Minh, chị Hà hiện có một bé trai tên Minh Hưng đang học lớp 2. Cháu cũng thích đọc sách, có lẽ do được tiếp xúc với sách từ bé và luôn được bố mẹ khuyến khích đọc.

Khi hai ta cùng chung nhịp... đọc - ảnh 2
Giá sách “đồ sộ” của gia đình chị Hà. Ảnh: NVCC

 “Chúng tôi không ép cháu phải đọc sách mà để cháu tự tìm đến sách, khám phá một cách thoải mái. Có khi, điều đọng lại ở một cuốn sách đối với cháu không hẳn là nội dung tác giả muốn truyền tải, mà là một hình ảnh đẹp, một chi tiết nhỏ, nhưng được cháu kể lại một cách hào hứng. Với chúng tôi đó cũng là niềm vui vì con lại biết thêm được một điều hay và vui vẻ, có hứng thú với sách”- chị Hà chia sẻ.

Cậu con trai cũng trở thành bạn đồng hành cùng bố mẹ, cả nhà trở thành “team” yêu sách. Việc cho con tiếp xúc với sách từ sớm, theo chị Hà sẽ giúp con tăng cường khả năng thể hiện cảm xúc, phong phú vốn từ và giữ tính cách vui vẻ, thoải mái, ít cáu giận, bực bội. “Bạn ấy rất thích được cùng bố mẹ tới hiệu sách mua sách mới. Song song với đó, chúng tôi cũng đọc sách nói, sách điện tử để cập nhật và tiện lợi hơn khi cần thiết”- anh chị nói.

Dù vậy, sách giấy - mùi thơm của giấy và những điều chỉ những trang sách giấy mới mang lại được vẫn là hương vị chủ đạo trong cuộc sống gia đình êm đềm của họ. “Với thời đại 4.0 như ngày nay, sách giấy dường như đã lạc hậu. Nhưng với mình được cầm trên tay cuốn sách giấy, chọn cho mình 1 góc chill để nhâm nhi tách cà phê và đọc 1 cuốn sách vẫn rất tuyệt!”- chị Hà chia sẻ về giây phút thư giãn của hai vợ chồng.

Tình yêu của gia đình chị, cứ thế khởi nguồn từ sách, được nuôi dưỡng bởi sách và cũng phát triển cùng những trang sách. Chị Hà tâm sự: Ngoài tình yêu sách ra, bí quyết để giữ tổ ấm hạnh phúc của anh chị chính là vợ chồng luôn tôn trọng, cùng tạo cho nhau cơ hội để phát triển sự nghiệp và trong vất vả, khó khăn thì cùng gánh vác, sẻ chia.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

(PNTĐ) - Như một phép màu, sau 57 năm thất lạc, ông Chu Nghiêm (sinh năm 1941, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) và con gái là chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1967, trú tại xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã tìm được nhau nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Công an phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.