Từ vụ cho con đi chữa bệnh tự kỷ, nhận về hũ tro cốt:

Không được tùy tiện giao con cho người khác

HỒNG NHUNG (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Vụ việc ông bố ở Huế tin tưởng gửi con cho một “cơ sở chữa bệnh” ở Lâm Đồng, sau 25 ngày nhận về hũ tro cốt gây xôn xao dư luận không phải là chuyện hi hữu. Bởi trước đó, cũng đã ghi nhận trường hợp trẻ được bố mẹ gửi người khác chăm nuôi, chữa bệnh bị tử vong. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh khi giao con cho người lạ hay một cơ sở chăm nuôi tự phát hiện nay.

Không được tùy tiện giao con cho người khác - ảnh 1
Tiến sỹ Tâm lý học Mã Ngọc Thể, Trung tâm Tư vấn tâm lý và giáo dục phát triển cộng đồng Khai Tâm (đứng) Ảnh: H.N

Tiến sỹ Tâm lý học Mã Ngọc Thể, Trung tâm Tư vấn tâm lý và giáo dục phát triển cộng đồng Khai Tâm đã có buổi chia sẻ với báo Phụ nữ Thủ đô về vấn đề này.

Tiến sĩ đánh giá như thế nào về vụ việc người bố ở Huế tin tưởng giao con cho một cơ sở chữa bệnh để chữa chứng tự kỷ của con thời gian qua?

 “Có bệnh thì vái tứ phương” là tâm lý chung của bệnh nhân và người thân khi bế tắc không tìm thấy một phương pháp chữa bệnh nào thực sự có hiệu quả. Chắc hẳn khi được mách bảo, người bố đã tin rằng, con mình gặp được thầy thuốc tốt, tin vào quảng bá về phương pháp chữa bệnh mới nên mất đi phản xạ kiểm chứng hoặc tê liệt ý thức, chủ động giao số tiền lớn và con trai cho “thầy thuốc” mà không hề biết hằng ngày con được chăm sóc, chữa bệnh như thế nào, dẫn đến tiền mất, tật mang. 

Thực tế, phụ huynh nói riêng và người dân hiểu về chứng bệnh tự kỷ hiện nay như thế nào, thưa ông?

Trước tiên, chúng ta phải hiểu vấn đề tự kỷ ở trẻ em không hoàn toàn là bệnh mà là một hội chứng rối loạn lan tỏa ở trẻ em. Nó là sự hỗn hợp giữa bệnh lý y học và các rối loạn, tổn thương chức năng thần kinh, tâm lý, ngôn ngữ và giao tiếp xã hội ở trẻ nhỏ. Hiện nay, các thông tin, kiến thức về Hội chứng tự kỷ ở trẻ em có rất nhiều trên internet, mạng xã hội, sách, báo, tạp chí và các diễn đàn online, offline. Đây là cơ hội cho phụ huynh tìm hiểu về hội chứng này. Có thể nói, phần lớn các phụ huynh có con là trẻ bị rối loạn phát triển đều có hiểu biết nhất định về trẻ tự kỷ, nhưng do tâm lý lo lắng, nhiều người đã tìm mọi cách để “chữa bệnh” cho con và có những quyết định sai lầm khi lựa chọn các cơ sở can thiệp tự phát.   
Cho đến nay, chưa có phương pháp nào có thể “chữa” được các rối loạn tự kỷ ở trẻ em. Mặc dù có nhiều trường phái, quan điểm, công nghệ áp dụng vào “chữa” chứng tự kỷ nhưng đều không giải quyết được tận gốc. Bởi vì các rối loạn không tập trung vào một điểm cụ thể mà lan tỏa, chồng lấn đối với nhiều chức năng sống trong cơ thể con người. Vì vậy, nếu ai đó kết luận là chữa khỏi hoàn toàn là không đúng, không có căn cứ khoa học!

Tuy nhiên, nếu trẻ được trị liệu tâm lý, can thiệp giáo dục, phối hợp chữa trị thực thể về mặt y học sớm, kịp thời thì sẽ hạn chế được mức độ rối loạn lan tỏa, đồng thời có thể tìm ra những điểm mạnh giúp trẻ phát triển năng lực và xu hướng phù hợp với tâm sinh lý ở từng độ tuổi. Trẻ vẫn có thể sống khỏe, học tập và lao động ở mức độ giản đơn nhất, thậm chí, có trẻ còn phát huy được tài năng của mình. 

Hiện nay, nước ta đã có nhiều cơ sở can thiệp, giáo dục đặc biệt dành cho trẻ rối loạn phát triển, trẻ tự kỷ có uy tín. Những chuyên gia uy tín tại các cơ sở tập hợp thành mạng lưới cơ sở can thiệp trẻ rối loạn phát triển tại Việt Nam (VDDN) nhằm tạo ra diễn đàn cho các nhà chuyên môn, chuyên viên, giáo viên và phụ huynh trao đổi thông tin, kiến thức, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ can thiệp trẻ rối loạn phát triển. Song, cũng có tổ chức, cá nhân không có trình độ chuyên môn, không được đào tạo bài bản, còn chắp vá kiến thức và hiện tượng “tự xưng danh chuyên gia” sau khi học các khóa ngắn hạn về đánh giá, can thiệp và giáo dục trẻ tự kỷ. 

Pháp luật Việt Nam không cấm việc đăng ký kinh doanh hay hoạt động can thiệp, giáo dục và chữa bệnh nhưng lại không có điều khoản nào quy định cụ thể về cấp phép hành nghề cho cá nhân, tập thể tham gia vào tổ chức, kinh doanh, cung cấp dịch vụ can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển, trẻ tự kỷ. Do đó các cơ sở có uy tín hay không có uy tín đều hoạt động trên cơ sở là đơn vị được thành lập bởi các tổ chức xã hội, hiệp hội và Luật Doanh nghiệp. Đây cũng là một lỗ hổng trong việc quản lý các cơ sở chữa bệnh tự phát hiện nay.

Là chuyên gia có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực trị liệu tâm lý, hỗ trợ can thiệp điều trị rối loạn tự kỷ, ông có lời khuyên gì cho cha mẹ khi đưa con vào các cơ sở can thiệp điều trị rối loạn tự kỷ, chậm phát triển cho con?
Khi gửi con vào bất cứ cơ sở can thiệp hay chữa bệnh về trẻ tự kỷ nào, các phụ huynh cần tìm hiểu hoặc yêu cầu cơ sở đó cung cấp thông tin về tư cách pháp nhân của tổ chức, người đứng đầu tổ chức hoặc người phụ trách chuyên môn có được đào tạo bài bản về lĩnh vực trị liệu phục hồi chức năng, can thiệp tâm lý, giáo dục đặc biệt; tìm hiểu người đánh giá trẻ, chương trình can thiệp, trình độ và chuyên ngành của giáo viên, chuyên viên; cơ sở vật chất có tốt, chất lượng dịch vụ có tương ứng với giá dịch vụ hay không? Sự tiến bộ của con cái phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ khi lựa chọn các cơ sở đánh giá, can thiệp giáo dục ở từng địa phương. 

Bên cạnh đó, cha mẹ cần quan tâm sát sao, dành nhiều thời gian để làm bạn với con, dạy con học trong mọi tình huống, hoàn cảnh…, giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương. Cha mẹ có thể đưa con đến những không gian mới để kích thích sự quan sát, hòa mình vào không khí thiên nhiên, tạo cơ hội tương tác với nhiều bạn đồng trang lứa… Đặc biệt, cha mẹ hãy chấp nhận hạn chế của con để vui vẻ, nỗ lực khắc phục khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để con học tập và tin tưởng vào sự thay đổi, phát triển của con trong tương lai…

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.