Không thể sống hòa nhập với gia đình chồng

Chia sẻ

PNTĐ-Em không biết phải làm thế nào để hòa nhập và sống thoải mái với nhà chồng. Nếu cứ tiếp tục sống thế này, em thấy hôn nhân thật bất hạnh...

 
Em kết hôn được gần một năm nhưng vẫn không thể nào hòa nhập được cuộc sống trong gia đình chồng. Nếu như nhà em chỉ có 2 thế hệ chung sống thì nhà chồng em lại có tới 4-5 thế hệ sống chung trong một nhà. Do đó, nếp sinh hoạt hàng ngày không có sự riêng tư mà cứ lẫn lộn, hỗn hợp khiến em luôn cảm thấy căng thẳng, khó chịu. Em muốn ra ngoài sống riêng nhưng chồng em không chịu. Vì chuyện đó mà hạnh phúc của vợ chồng em không được như mong muốn. Cả tuần em đi làm, ngày nghỉ là về luôn nhà ngoại để giảm stress. Em không biết phải làm thế nào để hòa nhập và sống thoải mái với nhà chồng. Nếu cứ tiếp tục sống thế này, em thấy hôn nhân thật bất hạnh.
 
 Nguyễn Thị Hoài An
(Gia Lâm, Hà Nội)

“Nhập gia tùy tục” là câu ngạn ngữ mà bất cứ cô gái nào bước chân đi làm dâu đều phải biết và lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống sau khi kết hôn của mình. Câu này hàm ý chỉ dạy, khi đến nhà ai thì cần thuận theo những quy tắc ứng xử, tục lệ của nhà ấy. Nếu như ta không hiểu và không điều chỉnh bản thân để thích ứng với môi trường mới thì không chỉ khiến cuộc sống của mình khó khăn, mà còn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
 
Hoàn cảnh sống của bạn trước và sau khi kết hôn hoàn toàn khác nhau. Từ bé đến lớn, bạn sống trong gia đình chỉ có 2 thế hệ nên mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều. Do vậy, khi bước vào một gia đình có đông thế hệ sinh sống trong cùng một nhà, bạn cảm thấy “sốc” bởi nếp sống phức tạp là đương nhiên. Trong hoàn cảnh này, bạn không thể sống một mình một kiểu hoặc bắt mọi người phải theo cách sống của mình. Bạn phải học cách thích nghi với môi trường mới để hòa nhập với gia đình chồng. Để có được sự hòa nhập ấy, bạn phải thay đổi một số thói quen và quan niệm sống từ trước đến nay. Ví dụ, trước đây sống ở nhà bố mẹ đẻ, bạn quen với bữa cơm gia đình đơn giản, ăn theo sở thích của mình, nhưng nay bữa cơm ở gia đình chồng được chuẩn bị cầu kỳ, ăn theo nhu cầu của số đông. Và thay vì cảm thấy khó chịu, bạn hãy vui vẻ cùng mọi người nấu nướng, coi đó là dịp được học thêm cách nấu nhiều món ăn ngon, tích lũy thêm kinh nghiệm bếp núc cho mình; cũng như cảm nhận không khí ấm cúng, đoàn kết trong bữa cơm.
 
Có cô dâu trẻ kể với tôi rằng, cô ghét ăn cơm nát đến nỗi thà nhịn đói chứ nhất định không ăn nó. Vậy mà sau khi kết hôn sống chung với bố mẹ chồng già yếu không thể ăn được cơm khô thì cô lại “nghiện” ăn cơm nát. Thời gian đầu, cô cũng thấy rất khó khăn khi phải ăn thứ cơm nhão ấy. Có những hôm cô gần như không nuốt nổi nhưng vì không khí bữa ăn chung của gia đình, cô đành phải đổi thói quen. Mỗi hôm cố gắng một chút, cuối cùng cô cũng cảm nhận được vị ngon của món cơm nát, thói quen ăn cơm khô của cô theo đó “biến mất” từ lúc nào không hay.
Nói như thế để bạn hiểu rằng, không có thói quen nào là không thay đổi được chỉ là chúng ta có muốn và quyết tâm thay đổi nó hay không. Gia đình chồng bạn thích sống quây quần bên nhau, nên mới duy trì nếp sinh hoạt chung.
 
Mọi người đều thấy hạnh phúc với điều đó nên ai cũng vì lợi ích chung mà bỏ qua lợi ích cá nhân. Chỉ cần bạn luôn nhìn mọi việc theo chiều hướng tích cực thì sẽ không cảm thấy căng thẳng, khó chịu. Bạn cần hiểu sự xuất hiện của bạn cũng đã làm đảo lộn phần nào cuộc sống trong gia đình chồng, họ cũng sẽ cảm thấy căng thẳng, khó chịu khi có "người lạ" làm thay đổi nếp sinh hoạt thường ngày của mình. Nhưng họ vẫn cố gắng thích nghi với sự xuất hiện của bạn và sống vui vẻ. Vậy tại sao, bạn lại không thể cố gắng hòa nhập với mọi người?
 
Bạn không thể “chạy trốn” bằng cách về nhà ngoại vào ngày nghỉ mãi được. Bởi nếu tình trạng đó kéo dài, gia đình chồng sẽ có cái nhìn không tốt về bạn, cho rằng con dâu sống không gần gũi tình cảm với mọi người. Tình cảm yêu thương của gia đình chồng dành cho con dâu không tự nhiên mà có, nó chỉ nảy sinh trong sự cố gắng gắn kết trong quá trình chung sống.
 
Thu Vân

Tin cùng chuyên mục

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - “Bà dạy con cái kiểu gì vậy. Con cái nhà người ta thì mong cho bố mẹ sống đầu bạc răng long với nhau, còn con của bà thì lại suốt ngày xúi bẩy bố mẹ ly hôn. Nhà này vô phúc quá rồi…”.
Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

(PNTĐ) - Trẻ em cần được sinh ra và nuôi lớn trong môi trường yêu thương, lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, một số cha mẹ lại có cách hiểu sai trong quá trình nuôi dạy con dẫn tới trẻ bị tổn thương. Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu, giáo viên dạy Kỹ năng sống tại Trung tâm Kỹ năng KTC với các cha mẹ về phương pháp nuôi dạy con tích cực.
Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.