Kiệt sức vì vai trò “Bếp trưởng”
Em đang ở trong tình trạng kiệt sức vì làm "bếp trưởng" của cả nhà trong mùa dịch, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội. Ngày nào, em cũng bị stress khi vào bếp nấu ăn cho cả nhà. Từ ngày giãn cách xã hội, vợ chồng em đón bố mẹ chồng về sống cùng để tiện chăm sóc. Do đó, hàng ngày em phải vào bếp nấu nướng cho hai người già, hai đứa trẻ và hai vợ chồng. Nếu như mọi người cùng một thực đơn thì mọi chuyện dễ dàng hơn. Thế nhưng 6 con người là 6 thực đơn khác nhau, người không ăn được cá, người dị ứng thịt bò, người chỉ thích ăn trứng… Ngày ba bữa, em quay cuồng với vai trò "bếp trưởng" của mình.
Giãn cách, chồng em làm việc online tại nhà nhưng không giúp gì được cho vợ. Anh ấy vẫn quen nếp sống và nếp nghĩ lâu nay. Đó là hàng ngày đi làm kiếm tiền, còn em ở nhà nội trợ, lo cơm nước cho mọi người. Trước đây, chồng đi làm, con đi học, bố mẹ chồng sống riêng, mọi việc đơn giản hơn. Em không phải nấu ăn phục vụ bố mẹ chồng hàng ngày, cơm nước cho chồng con chủ yếu chỉ bữa tối. Bây giờ, ngày nào cũng ba bữa đều đặn với thực đơn thay đổi liên tục. Em thấy rất mệt mỏi, có lúc cảm tưởng kiệt sức vì công việc này. Thế mà chồng em vẫn không thấu hiểu, cứ cằn nhằn rằng mỗi việc nấu ăn mà em cũng than vãn, làm không xong. Vợ chồng cứ thế căng thẳng thường xuyên. Làm thế nào để em thoát khỏi tình cảnh này.
Nguyenngocnga80@gmail.com
Nhiều đàn ông đảm nhiệm việc đi làm kiếm tiền đều nghĩ thiên chức nội trợ là của phụ nữ và dễ dàng hơn rất nhiều so với việc làm kinh tế. Vì thế, họ không đồng cảm và chia sẻ với vợ trong gánh nặng việc nhà, vô tình đẩy vợ mình vào sự quá tải. Trong hoàn cảnh đó, người vợ buộc phải có những cách xử lý thông minh, vừa giảm tải cho bản thân, vừa hoàn thành được công việc.
Trong trường hợp của bạn, nếu không biết cách sắp xếp lại thì tình trạng sẽ còn tồi tệ hơn. Điều đầu tiên, bạn cần giải phóng suy nghĩ việc nhà là của riêng phụ nữ cho bản thân lẫn mọi người trong gia đình. Hãy nói ra đề nghị được chia sẻ với mọi người khi mình bị quá tải. Thời gian giãn cách xã hội, các thành viên đều ở nhà bên nhau, bạn hãy khéo léo phân việc nhà để mọi người cùng hỗ trợ mình. Ví dụ, với các con, bạn có thể dạy cho trẻ tập làm việc nhà bằng cách phụ mẹ các việc lặt vặt như nhặt rau, đổ rác, cho quần áo bẩn vào sọt để phân loại khi giặt... Với chồng, khéo léo “nhờ” anh ấy giúp mình mỗi khi vào bếp. Cách này vừa giúp bạn bớt việc, lại vừa rèn cho con ý thức giữ gìn nhà cửa ngăn nắp, giúp đỡ mẹ việc nhà, và khiến chồng hiểu công việc của vợ hơn.
Trong vai trò bếp trưởng, bạn hãy tìm cách giảm tải bằng cách đưa ra những thực đơn phù hợp với cả nhà. Mỗi bữa một thực đơn nhưng ai cũng có thể ăn được thay vì làm 5-6 thực đơn. Ví dụ, nấu một nồi cháo để cả nhà cùng ăn bữa sáng thay vì ông bà ăn cháo, con ăn bánh mỳ, chồng ăn phở…Tương tự, bữa trưa, bữa tối, bạn hãy lựa chọn một món chủ đề rồi thay đổi cách chế biến một chút để hợp hơn với cả nhà, hơn là cố sức làm nhiều món trên mâm cơm. Ngày nghỉ, chồng không làm việc online thì đề nghị cả nhà cùng bắt tay vào làm món cải thiện bữa cơm gia đình, vừa vui lại tăng sự kết nối.
Bạn hãy nhớ, đôi khi sự mặc định và ôm việc của chính phụ nữ sẽ khiến họ quá tải, và tạo sự ỷ lại cho các thành viên trong gia đình, khiến cho cuộc sống hôn nhân trở nên căng thẳng.
Tâm Giao