Kỳ 1: Yêu qua mạng, nữ sinh bỗng nhiên… “mất tích”
Cha mẹ cuống cuồng trình báo cơ quan điều tra sự mất tích bí ẩn của con gái, trong khi sự thật các thiếu nữ mới lớn đang đi theo tiếng gọi của tình yêu qua mạng ảo…
“Soái ca” trên mạng, “sói già” ngoài đời
Cách đây không lâu, công an quận Tây Hồ nhận được một lá đơn trình báo từ gia đình cháu P, 15 tuổi về việc 3 ngày liền, cháu P không về nhà. Cả nhà đã đi tìm kiếm khắp nơi nhưng đều biệt vô âm tín, điện thoại của P cũng không liên lạc được. Kiểm tra máy tính và vật dụng cá nhân của con, bố mẹ P hết sức hoang mang khi thấy có một đoạn trò chuyện của con gái với một thanh niên có nickname “Sích Công Tử”. Lo sợ con gái bị kẻ xấu lừa đảo, bắt cóc để bán sang nước ngoài, họ đã nhờ công an can thiệp để “cứu” con.
![]() |
Ảnh minh họa |
Thế nhưng, kết quả điều tra của công an quận lại cho thấy, P không hề bị mất tích do bắt cóc như bố mẹ nghĩ mà cô bé tự nguyện đi theo “tiếng gọi tình yêu” từ chàng “soái ca” trên mạng ảo. Trong chuyến đi “dạt nhà”, P đã nhiều lần quan hệ tình dục với “người yêu”.
Thì ra, công việc bận rộn và cuộc sống khó khăn khiến cha mẹ P không có nhiều thời gian để quan tâm đến con gái đang đến tuổi dậy thì. Mới 15 tuổi, nhưng P phổng phao, xinh đẹp hơn các bạn cùng trang lứa. Hàng ngày, sau giờ học ở trường, P lên mạng chơi game, vào phòng chát để làm quen với nhiều thanh niên. Trước khi đi chơi và quan hệ tình dục với bạn trai có nickname “Sích Công Tử”, P đã từng là “người yêu” và quan hệ tình dục với ba thanh niên khác cũng quen qua internet. Thậm chí, P không biết mình có thai 9 tuần tuổi và tác giả bào thai đó là ai trong 4 thanh niên trên?!
Trẻ bị xâm hại vì cha mẹ “bỏ quên”
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc hiếp dâm, xâm hại tình dục qua mạng xã hội. Chỉ cần gõ “xâm hại tình dục trẻ em qua mạng”, chỉ trong 0,39s đã có hơn 9.000 đơn vị tìm kiếm. Trên một chương trình tư vấn trực tuyến của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số (CCIHP), nhiều trường hợp bạn gái đang đi học đã gọi điện xin tư vấn về việc các em làm quen với bạn trai qua mạng, sau đó người này hẹn gặp các em ở ngoài. Nhiều em phải đi đến các tỉnh khác hoặc có thể đi vài ngày để gặp bạn chát. Song, tâm lý các em thường chỉ lo ngại về việc bị “người yêu” đánh giá “dễ dãi” chứ không nghĩ đến việc an toàn cho chính mình trong mối quan hệ này.
Theo Đại tá Trần Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), tội phạm xâm hại tình dục trẻ em qua mạng đang có chiều hướng phức tạp với nhiều hành vi và thủ đoạn mới. Chúng thường thành lập, tham gia các diễn đàn chia sẻ phim ảnh đồi trụy qua mạng, làm quen với các thiếu nữ rồi tổ chức các buổi offline, gặp thành viên tại nhà riêng, quán game, bể bơi… để có cơ hội xâm hại các em. Đặc điểm chung của các đối tượng này là rất am hiểu về công nghệ thông tin, nắm bắt đặc điểm tâm lý của trẻ em là tò mò, chưa nhận thức đầy đủ về giới tính và các vấn đề xã hội nên dễ bị lợi dụng.
Trung tá Nguyễn Đức Châu, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự, Công an quận Tây Hồ cho rằng, đối với các em gái bị dụ dỗ yêu đương qua mạng, đa số là các em lớn lên trong những gia đình khiếm khuyết như bố mẹ bỏ nhau, ly thân, thường xuyên có bạo lực. Một bộ phận khác có cha mẹ bận rộn, không dành thời gian quan tâm đến con hoặc thiếu kỹ năng quản lý con sử dụng internet nên khi tiếp cận với thế giới ảo, các em dễ bị sa đà vào những mối quan hệ “không có tem bảo hành”, dẫn đến bị lừa tình và xâm hại. “Mạng xã hội như một cái chợ, hàng tốt có xấu có, nhận thức của các em non nớt, luôn thích cái mới lạ háo dẫn, do đó, cha mẹ cần hướng dẫn kỹ năng sử dụng internet một cách lành mạnh. Cha mẹ có thể kiểm soát con dùng internet bằng cách gia hạn thời gian sử dụng điện thoại, mạng internet và mặc định các trang web mà con truy cập...” – Trung tá Châu nói.
Kỳ 2: Cạm bẫy web sex tấn công trẻ em trai
H. Nhung