Giữ gìn và phát huy nét đẹp đạo hiếu trong gia đình hiện đại
Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại
(PNTĐ) - Ở không ít gia đình hiện nay, nhiều người con từ chối, lẩn trốn trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ. Thậm chí, có người vì tranh giành tài sản, sẵn sàng mang cha mẹ của mình làm “công cụ” để lợi dụng. Cuốn theo vòng xoáy tiền bạc, tài sản, họ quên mất rằng, những tranh chấp như thế chỉ làm “nồi da xáo thịt”, thiên hạ chê cười, khiến cha mẹ đau lòng ở tuổi xế chiều…
Nước mắt chảy xuôi…
Luật sư Lê Hồng Hiển, Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự kể, anh từng tiếp một vị khách đặc biệt. Cụ ông đã gần 90 tuổi, đôi mắt ngân ngấn nước kể về câu chuyện đau lòng bắt nguồn từ tờ giấy di chúc mà ông đang làm. Cụ bảo, người con trai duy nhất của cụ, từng là niềm tự hào lớn nhất mà cụ có được khi đi gần hết chặng đường đời: Học rộng, điều hành một công ty có cả trăm nhân viên, nhà cửa đất đai không thiếu. Bi kịch chỉ thực sự bắt đầu khi giữa năm 2020, cụ quyết định viết di chúc với ý định chia ngôi nhà mặt tiền giữa Thủ đô rộng gần 150m2 cho con trai 1 phần, 1 phần cho em gái và cháu, còn 1 phần cụ dự tính làm từ thiện…
Tuy nhiên, dự định của cụ vấp phải sự phản đối kịch liệt của vợ chồng con trai. Theo ý của anh con trai, vì là con trai duy nhất nên tất cả tài sản của bố mẹ phải thuộc về anh ta. Chuyện bố định chia cho người khác là vô lý. Cũng có thể vì lòng tham mà anh con trai không muốn bố chia tài sản, bởi mảnh đất kia tính sơ sơ cũng trị giá vài chục tỷ. Chưa kể, ngoài mảnh đất đắt đỏ ấy, cụ còn 1 ngôi nhà hiện đang ở Hưng Yên và Hà Nam, là đất tổ tiên để lại…
Vì thế, vợ chồng người con trai không từ một thủ đoạn nào để ép bố phải để hết tài sản cho mình, từ việc thuê giang hồ “dằn mặt” bố, xúi con chuốc ông nội uống thuốc ngủ để trộm sổ đỏ, rồi “giam lỏng” mẹ già với mục đích không cho ông bà ký vào di chúc. “Tôi từng này tuổi, không sợ chết, nhưng sợ bị con trai thuê người bắt nhốt, giam lỏng, như cái cách mà nó đang làm với bà nhà tôi vậy”.
Ít ai quên được câu chuyện về tranh chấp tài sản chia quyền thừa kế đất xảy ra tại Yên Mỹ, Hưng Yên vào tháng 10/2022. Theo đó, 3 người con gái của bà V.T.Đ (SN 1961) mang theo can xăng loại 10 lít đến đốt nhà mẹ ruột. Hậu quả khiến cho người mẹ già và hai con gái tử vong, người con gái út bị kết án 22 năm 6 tháng tù về tội Giết người và Hủy hoại tài sản. Hay mới đây nhất, tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, Trần Khánh Hà đã ra tay sát hại bố ruột 71 tuổi và gây trọng thương cho anh trai 46 tuổi, chỉ vì bắt nguồn từ những mâu thuẫn hết sức nhỏ nhặt.
Đó là những vụ án lớn đã xôn xao dư luận, khiến ai cũng phải ngậm ngùi, xót xa. Hàng ngày, trên mạng xã hội, nhiều người cảm thấy sốc khi con cái thoải mái chia sẻ nỗi bất bình với bố mẹ. Nhóm kín mang tên “Hội những người ghét cha mẹ” với gần 7k thành viên, chủ yếu là người trẻ đã liên tục đăng tải những dòng tâm sự than phiền, thậm chí xúc phạm cha mẹ một cách bất cần.
Đạo hiếu có nhiều biến động trước thời đại
Trong gia đình Việt Nam hiện nay, gắn với sự thay đổi của tồn tại xã hội, đạo hiếu ít nhiều đã có sự biến đổi. Nhìn chung, ở nhiều gia đình, ảnh hưởng của giá trị đạo hiếu theo quan niệm của Nho giáo và Phật giáo vẫn rất đậm nét. Đạo hiếu vẫn được giữ gìn và phát huy. Nhiều người rất có hiếu với bố mẹ. Họ quan tâm, chăm sóc, thương yêu, thành kính với cha mẹ; chăm chỉ học hành, vượt qua khó khăn trong cuộc sống, nỗ lực phấn đấu trở thành những người thành đạt để làm vẻ vang cho dòng họ. Họ đau đớn khi cha mẹ lìa đời, thờ cúng cha mẹ theo đúng lễ truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh mặt tích cực đó, hiện tượng vi phạm đạo hiếu đang tồn tại trong không ít gia đình Việt Nam. Nhiều người đề cao tiền bạc, lối sống cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, không có ý thức gìn giữ giá trị đạo hiếu truyền thống của dân tộc. Họ coi thường người già, cho rằng, người già cổ hủ, lạc hậu, chậm tiến; không nghe lời dạy bảo của cha mẹ, tùy tiện sống theo sở thích của mình. Không ít thanh niên, học sinh thiếu niềm tin và nghị lực sống, sa ngã vào các tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội... Đó là một trong những biểu hiện của sự bất hiếu.
Bên cạnh đó, mô hình gia đình tam đại, tứ đại đồng đường dần bị thay thế bằng mô hình gia đình hạt nhân. Ở mô hình này mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái lỏng lẻo hơn. Đặc biệt, công nghệ thông tin phát triển và hỗ trợ của các phương tiện thông tin (như điện thoại, máy tính, internet...), khiến con người có thể giao tiếp với thành viên khác ở các không gian khác nhau; có nhiều thú vui khác nhau. Điều đó đã làm hạn chế tác động qua lại giữa các thành viên trong gia đình; càng làm tăng nguy cơ đẩy người già vào chỗ cô đơn, trống trải.
Không những thế, tình trạng bạo lực người cao tuổi cũng đang diễn ra. Một nghiên cứu khác do Viện Nghiên cứu gia đình và giới tiến hành về người 60 tuổi trở lên thực hiện ở 3 tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên và Quảng Trị cho những kết quả đáng lưu tâm: 3% số người cao tuổi được hỏi nói rằng họ có bị con cái đánh; 8,3% bị dọa nhốt trong nhà và 15% bị con cái bỏ rơi, không chăm sóc. Nhóm người già, ở cả ba nhóm 60-69 tuổi, 70-79 tuổi và 80 tuổi trở lên đều phải gánh chịu các hình thức bạo lực gia đình, do con cháu gây nên ở những mức độ khác nhau. Các đối tượng bị ngược đãi thường là người già ở với con cái có điều kiện kinh tế khó khăn, người già neo đơn ở một mình, người già sống tại các trung tâm bảo trợ.
Thực tế xã hội cho thấy, một bộ phận lớn người già hiện nay không có lương hưu, không chuẩn bị trước tương lai già cho mình về kinh tế, cụ thể là nguồn thu nuôi sống họ hằng tháng, chi phí đảm bảo được chữa trị và chăm sóc đúng mức khi ốm đau, già yếu. Người già rơi dần vào cô thế, tủi buồn khi sống nhờ, sống phiền con cháu. Áp lực kinh tế, sự bận rộn công việc, lắm khi cả lối sống ích kỷ của con cháu đang khiến người già càng lẻ loi, yếu thế hơn trong thế giới của mình. Người già, dù có tiền của hay không, vẫn cần sự chăm sóc, bảo vệ.
Trong bài viết “Những biến đổi của đạo hiếu trong gia đình Việt Nam hiện nay” trên website Viện Hàn lâm khoa học - xã hội Việt Nam, tác giả Phạm Thị Khánh - Học viện Bưu chính Viễn thông đã chỉ ra một số biến đổi. Cụ thể, xét ở góc độ sự biến đổi về phương diện con cháu nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ, theo tác giả Phạm Thị Khánh nếu ngày xưa con cái phải trực tiếp hay tự mình chăm sóc cha mẹ khi đau ốm, già yếu thì ngày nay việc đó đã có sự thay đổi trong nhận thức cũng như trong hành vi ứng xử của con cái đối với cha mẹ.
Nhà nghiên cứu văn hoá Phùng Hoàng Anh phân tích: Ngày nay, điều kiện xã hội cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện chữ hiếu trong các gia đình hiện đại. Hình ảnh những cụ già đã lớn tuổi phải sống cô đơn, có con bên cạnh nhưng không được chăm sóc, phụng dưỡng, hay những người bị con đuổi ra ngoài, phải sống lang bạt, ăn xin, bán vé số mưu sinh… thậm chí, có những cụ già có con cái giàu sang nhưng xem cha mẹ là gánh nặng nên phải vào viện dưỡng lão không còn hiếm. Tệ hơn, con cái đánh đập, chửi bới, chì chiết cha mẹ cũng diễn ra hàng ngày. Những người con này đã vi phạm giá trị đạo đức là điều không cần bàn cãi.
Cũng có những người con vì bận rộn mà quên mất việc hỏi han, quan tâm đến cha mẹ mỗi ngày. Rồi áp lực mưu sinh khiến họ cau có khi cha mẹ già “trái tính, trái nết”. Có những người con vì làm ăn xa không thể túc trực ở bên khi cha mẹ ốm đau, bệnh tật… “Hiếu là giá trị đạo đức cao đẹp, nhân văn được lưu giữ và truyền lại từ hàng ngàn năm nay. Chữ hiếu ngày nay cũng có nội dung như chữ hiếu ngày xưa; đó là tấm lòng tri ân và báo đáp (biết ơn và đền đáp ơn) đối với cha mẹ. Dù điều kiện, hoàn cảnh xã hội khác nhau, hình thức thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ ngày nay cũng có nhiều điểm khác so với ngày xưa, nhưng tựu chung lại là gốc rễ của đạo đức làm người”- nhà nghiên cứu Phùng Hoàng Anh cho biết.
(Còn tiếp)