Làm cha mẹ thông thái:

La mắng có làm con trưởng thành?

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cho rằng phải mắng thì con mới nên người, mới có động lực phấn đấu, nhiều bậc cha mẹ rất hạn chế khen ngợi, nói lời yêu thương, tình cảm với các con. Liệu cách suy nghĩ này có đúng?

La mắng có làm con trưởng thành?  - ảnh 1
La mắng, bạo lực bằng lời nói chưa bao giờ được khuyến khích trong cách dạy con hiện nay, bởi nó gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng Ảnh minh họa: INT

Hàng xóm đã quá quen với việc gần như ngày nào chị Hương Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng mắng con rất lâu. Đơn cử như ngay hôm khai giảng năm học mới, thay vì phải dậy sớm, tác phong nhanh nhẹn như đã hứa với bố mẹ tối hôm trước thì Khang, con trai chị Giang lại dậy muộn, nằm ườn mãi trên giường và ăn sáng cũng rất chậm. Chị Giang bực lắm liền mắng con xa xả. Tiếng chị vang đến khắp mấy nhà xung quanh đều nghe thấy. Từ chuyện con lề mề, chị theo đà mắng tiếp đến chuyện con không chịu nghe lời, không biết yêu thương bố mẹ. Chị liên tục lên giọng: “Mười năm nay con làm khổ bố mẹ”, “Mẹ đâu có muốn mắng nhưng không mắng thì con không thể biết mình sai”, hay “Đầu óc con là thể loại gì mà nói mãi không tiếp thu”. Rồi, chị còn than thở nếu cứ thế này thì tương lai con chị chẳng làm được trò trống gì. Đến khi đã sắp muộn giờ khai giảng, chị Giang mới chịu dừng lời. 

 Trên chuyến máy bay hôm ấy, chị Nguyễn Minh Trang (quận Bắc Từ Liêm) thấy một cô bé cỡ 5-6 tuổi lỡ đánh đổ nước lọc ra người của một hành khách ngồi cạnh… Bác hành khách bị đổ nước vào người rất lịch sự, nhẹ nhàng cho qua sau khi cô bé nói lời xin lỗi. Nhưng mẹ bé lại liên tục mắng con suốt 15 phút sau đó, chị còn dùng những tính từ tiêu cực, chỉ trích từ chuyện con vụng về, tới học kém, ham chơi… 

Chị Minh Trang cho biết, hồi bé, những lúc bị bố mẹ liên tục mắng và chỉ trích vì bị điểm kém, vì trót làm sai, làm hỏng điều gì đó… “Lúc đó, mình chỉ thấy xấu hổ và ghét bỏ bản thân mình thì nhiều, thấy mình thật kém cỏi, xấu xí, vô dụng… Sau này đi học nước ngoài, trong số rất nhiều thứ thiếu, mình thấy rõ ràng là mình kém tự tin hẳn so với các bạn trong lớp. Mình mang theo tâm lý sợ nêu ý kiến, sợ sai, sợ bị chỉ trích, sợ bị đánh giá... suốt những năm đi học”. Vì vậy, chị nghĩ, cô bé bị mẹ mắng vì làm đổ nước trên máy bay chắc cũng có cảm giác ấy. “Mình thấy bạn ấy ngồi co ro, mặt cúi gằm. Nếu là mình, mình sẽ xấu hổ với mọi người xung quanh lắm”. 

Chị Nguyễn Thị Lan Phương (quận Ba Đình) thì chia sẻ: “Ngày nhỏ mình cũng bị như vậy, tới giờ vẫn còn nhớ như in những lời mắng đó. Và những năm tháng sau này cho tới giờ mình vẫn còn tự ti, sợ hãi. Vì vậy, sau này khi làm mẹ, mỗi lần tức giận, mình cố gắng kiềm chế vì sợ lỡ buột miệng nói ra điều gì đó làm con tổn thương. Mình cũng hay khen ngợi, động viên con để giúp con tự tin hơn vào bản thân”...

Theo TS Nguyễn Thị Thu, tác giả - dịch giả nhiều đầu sách về dạy con và cũng là một người mẹ, chị thấy có một kiểu cha mẹ rất khắt khe và tiêu cực trong lời nói… Trong đó, có nguyên nhân do cha mẹ cho rằng, phải khắt khe, mắng thì con mới thành người, mới có động lực phấn đấu. Nếu cha mẹ khen ngợi, nói lời hay ý đẹp sẽ khiến các con “ảo tưởng”, trở nên mềm yếu, dễ hư. Thế nhưng, thực tế, việc la mắng con cái thường xuyên không mang lại hiệu quả như cha mẹ nghĩ, trái lại nó gây ra những hệ lụy tiêu cực. Lâu dần, trẻ có thể không dám lên tiếng trước cha mẹ, không dám bày tỏ những suy nghĩ, nhu cầu của mình. Các con có thể ngày càng thiếu tự tin, ngại bày tỏ, ngại phản bác và âm thầm chịu đựng những bất bình.

“Làm cha mẹ thật sự rất khó, bởi riêng việc khen chê thế nào cho đúng, đủ, phù hợp… cũng đều cần phải học. Tôi chỉ mong tất cả những người làm cha mẹ đều được học cách yêu bản thân mình và biết cách thể hiện tình yêu, nói lời yêu thương với con”- chị Thu cho biết.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

(PNTĐ) - Ly hôn là giải pháp cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không còn tiếng nói chung. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ, khi mới chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ nhặt, thay vì tìm cách hàn gắn  hạnh phúc, ngồi lại với nhau để tìm giải pháp thì lại vội vã chọn ly hôn...