Làm dâu, làm rể tuổi xế chiều

Chia sẻ

PNTĐ-Chuyện tái hôn ở tuổi xế chiều không còn hiếm. Thế nhưng các bậc bố mẹ già nên có sự cất nhắc kỹ, lựa chọn người phù hợp với điều kiện sống của mình và con cháu.

 
Làm dâu, làm rể tuổi xế chiều  - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
1 Một cô con gái đến tìm Thu Vân tâm sự về chuyện làm rể của người cha tuổi xế chiều đang khiến con cái khốn khổ theo. Mẹ cô mất gần 5 năm nay, năm ngoái, cha cô họp gia đình bảo muốn đi bước nữa. Rồi, ông đưa một người phụ nữ trạc tuổi con gái đầu về giới thiệu là “bạn đời”.
 
Ông giải thích lý do muốn cưới vợ trẻ khỏe vì nhu cầu sinh lý của ông vẫn còn nhiều. Chị em cô ủng hộ bố tái hôn vì nghĩ “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Họ mong muốn ông tìm một người phụ nữ phù hợp, sống an nhàn tuổi già. Cô đã nhờ người mai mối một vài người có tuổi, điều kiện sống phù hợp để cha lựa chọn. Nhưng, cha cô kiên quyết đến với người phụ nữ trẻ kia để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, bất chấp hoàn cảnh sống của cô không phù hợp với ông. 
 
“Mẹ kế” của cô vốn là một phụ nữ quá lứa lỡ thì sống với bố mẹ già thường xuyên đau ốm. Sau khi lấy cha cô, bà buộc chồng về sống cùng mình ở nhà ngoại để chăm sóc bố mẹ già. Bố mẹ vợ đau yếu thường xuyên, thời gian sống trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà, cha cô theo đó cũng tất tả ngược xuôi. Xét về tuổi tác, cha cô cũng xấp xỉ tuổi bố mẹ vợ, vậy nên sau những lần chăm sóc họ, ông lại đổ bệnh theo khiến con cháu khốn khổ.
 
Ngoài việc bỏ công, cha cô còn phải bỏ của để lo cho gia đình vợ. Bởi điều kiện kinh tế của họ chẳng khá giả gì. Mới cưới vợ hơn một năm mà số tiền tích lũy tuổi già của ông chẳng còn bao nhiêu. Trước đây ông sống khỏe với khoản lương hưu hàng tháng nhưng bây giờ phải tằn tiện lắm với đủ chi dùng, thỉnh thoảng ốm đau còn phải nhờ con cháu hỗ trợ thêm. 
 
- Phận con cái chăm sóc phụng dưỡng cho bố lúc về già là điều đương nhiên. Nhưng điều chúng tôi bức xúc là ngoài việc phải lo cho cha mình, các con còn phải liên đới giải quyết các vấn đề của gia đình “mẹ kế”. Cứ mỗi lần nhà vợ có việc, con rể như ông không thể đứng ngoài cuộc. Việc nào trong khả năng, ông tự giải quyết, vượt ngoài tầm tay là ông lại gọi con cháu hỗ trợ.
 
Ông luôn miệng bảo “mẹ kế” là người một nhà, nếu muốn bố hạnh phúc thì chúng tôi phải giúp đỡ bà. Hễ các con phản đối là ông giận dỗi, dằn vặt con cháu khiến chẳng ai sống yên ổn. Mới đây, nhà vợ cần tiền để sửa lại nhà, muốn con rể hỗ trợ thêm. Bấy giờ, cha tôi rút số tiền tiết kiệm còn lại nhưng mẹ kế bảo vẫn không đủ. Ông về họp gia đình bảo mượn các con thêm một khoản để cho nhà vợ vay. Ông gần như khoán cho mỗi đứa phải có nghĩa vụ đóng góp hỗ trợ cha một số tiền nhất định, bất chấp con cái có đồng ý hay không. Từ ngày cha tôi làm rể tuổi xế chiều, cuộc sống con cháu cứ thế khốn khổ theo - cô con gái buồn bã nói.
 
2 Anh con trai ấy hẹn gặp Thu Vân nhờ tư vấn làm thế nào cho mẹ anh từ bỏ cuộc sống làm dâu tuổi xế chiều để được hưởng nhàn như trước đây. Bà làm mẹ đơn thân, hi sinh cả tuổi thanh xuân cho đứa con trai duy nhất là anh. Cách đây hai năm, mẹ anh bỗng nhiên muốn “lấy chồng”.
 
Ban đầu anh phản đối nhưng nghe vợ phân tích nên để mẹ hưởng niềm hạnh phúc đôi lứa sau những hi sinh cho con cháu, thì anh chấp nhận. Vợ chồng anh cũng mong bà kết đôi với người đàn ông có điều kiện sức khỏe, kinh tế để cuộc sống đỡ vất vả. Nhưng, bà lại một mực đến với một người vừa nặng gánh gia đình, vừa lắm bệnh tuổi già chỉ vì ông ấy là người trong mộng một thời của bà. 
 
Từ ngày mẹ anh làm dâu tuổi xế chiều, cuộc sống của vợ chồng anh cũng bị đảo lộn theo. Dù đã có tuổi nhưng mẹ anh vẫn phải còng lưng với bổn phận làm dâu. Bà về nhà chồng hôm trước thì hôm sau mẹ chồng bị tai biến bị liệt nửa người, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào con cháu. Mẹ anh vừa phải chăm sóc cho mẹ chồng nằm một chỗ, vừa phải lo cho chồng và bố chồng. Một mình bà quay cuồng với mấy con người già yếu, đau ốm như một người giúp việc.
 
Thêm vào đó, các con ông thỉnh thoảng lại mang cháu về gửi khiến mẹ anh lại thêm gánh nặng chăm cháu. Mỗi lần sang thăm mẹ, vợ chồng anh xót xa nhưng chẳng biết làm thế nào. Thỉnh thoảng, bà đổ bệnh vì cuộc sống làm dâu quá vất vả. Vợ chồng anh xót mẹ lại tìm cách đón bà về bên nhà chăm sóc một thời gian. Vợ anh bàn thuê giúp việc sang bên đó đỡ đần bà nhưng gia đình bố dượng anh không đồng ý. Nhìn mẹ cuối đời đi mới đi tìm hạnh phúc nhưng cuộc sống không một chút an nhàn, anh thấy xót xa, chỉ ước mẹ sớm từ bỏ để quay về sống thảnh thơi bên con cháu như trước đây. Mẹ anh cũng buồn nhưng... sự đã rồi.
 
Cuộc sống hiện đại, con cái đã cởi mở nhiều trong vấn đề chuyện tình cảm tuổi xế chiều của bố mẹ. Bản thân những bậc cha mẹ già cũng có quyền tự do tìm kiếm hạnh phúc riêng. Chuyện tái hôn ở tuổi xế chiều không còn hiếm. Thế nhưng, trong vấn đề này, Thu Vân nghĩ các bậc bố mẹ già nên có sự cất nhắc kỹ, lựa chọn người phù hợp với điều kiện sống của mình và con cháu.
 
Không nên chạy theo mong muốn cá nhân, bất chấp hoàn cảnh sống không phù hợp, nặng gánh làm rể, làm dâu khi sức khỏe, kinh tế không có. Để rồi, họ vừa làm khổ bản thân, vừa gây lụy thêm cho con cháu. 
 
 
Thu Vân

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.