Lối về

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày trước, chính Thơm là người bóng gió giục anh trai ly hôn. Cô còn nói cứng để mẹ không được mủi lòng, phòng khi chị dâu xin bà tha thứ. Nhưng bây giờ, Thơm lại chủ động nói chị dâu mau về đi, gia đình này vẫn là của chị.

Chị dâu Thơm vốn là người phụ nữ cũng có học thức, dung mạo không tới nỗi nào. Vậy mà gần 40 vẫn chưa có ai. Anh trai Thơm là quản đốc, cũng đã ở tuổi “ẩm ương” mà chưa lập gia đình. Cả nhà sốt ruột, cứ giục anh trai Thơm tạm dừng mọi mối quan tâm để tập trung lo hạnh phúc. Thơm biết, anh mình là người tốt, chỉ là tính tình cục mịch, ít nói, không ga lăng nên phụ nữ không ưa.

Rồi một ngày, qua bạn bè giới thiệu, anh trai dẫn chị về, xin phép ra mắt gia đình. Mẹ Thơm mừng lắm, qua nói chuyện lại thấy chị cũng thuộc diện biết điều, tử tế, lễ phép nên càng ưng ý hơn. Rồi sau vài lần, khi mẹ ướm lời, chị gật đầu đồng ý lấy anh, thế là xong. Một đám cưới diễn ra với sự chúc phúc của cả hai bên gia đình.

3 năm sau, vợ chồng anh chị đã có 2 con, đủ nếp, tẻ. Hàng ngày, anh đi làm quản đốc ở công ty, chị ở nhà bán tạp hóa ngoài chợ. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi cho đến ngày anh trai Thơm được điều động lên tổng công ty, ở cách nhà gần 60km. Cũng có nghĩa, anh phải thoát ly gia đình, một tháng chỉ được về thăm nhà mươi ngày. Song, bù lại, thu nhập của anh được cải thiện. Chị dâu không còn phải quá bận tâm đến việc mưu sinh.

Mẹ và Thơm mừng cho vợ chồng anh chị. Thơm có lúc còn nghĩ thầm, chị dâu mình thật là có phúc, trâu chậm mà uống nước trong. Cùng là phận đàn bà, mà chị thì có anh trai Thơm để dựa vào. Hai đứa cháu Thơm được học hành tới nơi tới chốn đều thông minh, sáng láng. Còn Thơm, tới giờ vẫn đầu tắt mặt tối vì lo cơm áo gạo tiền. Đồng lương của chồng Thơm có hạn, nên nào đã đỡ đần được gì vợ con.

Lối về - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thơm không thể ngờ có ngày, chị dâu lại ngoại tình. Tệ hơn, việc làm sai trái đó không phải qua những lời bóng gió, đồn thổi mà lại do Thơm phát hiện ra. Trong lần đi ngang trên phố, Thơm thấy có ai giống bóng chị dâu, dù người đó đã cố tình nai nịt, che chắn kỹ càng... đang ngồi sau xe máy một người đàn ông lạ. Thơm đi theo, phát hiện họ vào quán cafe, nhìn kiểu họ chuyện tình tứ, môi kề môi, Thơm biết là giữa họ có... vấn đề.

Thơm chợt nhớ tới lời mẹ thi thoảng kể, chị Thơm dạo này hay nghỉ bán hàng rồi đi đâu đó. Bà hỏi thì chị chỉ nói là đi tìm mối hàng trên phố. Rồi hình như chị ăn mặc diện hơn, quan tâm tới vẻ bề ngoài hơn. Bà lại càng thương chị ở tuổi mặn mà mà cứ phải vò võ một mình, vợ chồng mỗi người mỗi chốn.

Bữa đó, khi bị Thơm phát giác, chị dâu sợ quá, òa khóc ngay tại quán. Thế rồi không cần Thơm tra hỏi, chị thừa nhận là có chót có quan hệ thân mật với một người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Giữa họ ngày trước từng có tình cảm sâu đậm, sau rồi thất lạc nhau. Tình cờ gặp lại, lửa gần rơm mà bén.

- Em à, chị đã sai rồi. Trong lúc anh đi làm xa nhà chị lại như vậy. Cũng may nhờ có em nên chị đã tỉnh ngộ. Chị hứa sẽ  không tiếp tục sa đà vào mối quan hệ này nữa - chị dâu Thơm sụt sùi.

- Không, ở nhà tôi không có chỗ cho sự thiếu chung thủy. Anh tôi vất vả vì vợ con, sống cảnh xa vợ mà còn không lăng nhăng. Còn chị thì...

Thơm đùng đùng bỏ dở câu chuyện. Về tới nhà ngoại, vừa thấy mẹ đang lúi húi nấu cơm, Thơm giận quá, vội nói lớn giọng:

- Từ nay mẹ đừng làm việc nhà nữa. Mẹ gọi con dâu của mẹ về mà làm. Loại nhàn cư vi bất thiện, thế thì sao chả sinh hư.

Vào nhà nằm cho hạ họa, Thơm ấm ức thay cho anh trai. Thơm liền nhắn tin cho anh, bóng gió nói rằng anh đừng đi làm xa, về nhà mà giữ gia đình. Anh trai lúc đó chỉ nhắn lại một câu chỏng lỏn: “Bận”.

Sau lần đó, chị dâu tìm cách trách mặt Thơm, thấy cô thì chỉ lầm lũi cúi đầu. Thơm vẫn không thể nguôi giận. Lúc mẹ không để ý, cô liền nói nhỏ với chị dâu: “Chị dọn đi chỗ khác ngay, đừng để tôi phải kể hết với mẹ và anh trai tôi, xem họ có lót lá đuổi chị đi không. Đàn bà lợi dụng chồng đi vắng để ngoại tình, thật mất nết. Tuy nhiên, chị đi thì để lại hai cháu cho nhà tôi nuôi, chị không có tư cách...”.

Chị dâu im lặng, kiểu như không nghe thấy gì. Nhưng tối đó, mẹ gọi điện hốt hoảng kể, chị dâu Thơm đã bỏ đi, để lại lá thư, đại loại nói là mình có lỗi và xin được ly hôn. Mẹ lo lắng, không biết chuyện gì đã xảy ra. Anh trai Thơm cũng đang trên đường về nhà gấp. Nghe xong, Thơm liền nói với mẹ: “Thì phải có lửa mới có khói, chị cũng thế nào đó mới ra đi. Thôi mẹ đừng tiếc và cũng đừng mủi lòng làm gì...”.

Lối về - ảnh 2
Ảnh minh họa

Anh trai Thơm, lúc đầu cũng lo lắng, nhưng rồi sau đó thế nào mà Thơm thấy anh không nhắc gì tới vợ. Thơm lại bảo anh: “Vợ chồng sống với nhau là cái duyên, chị đã thích đi thì anh kệ, cần thì ly hôn đi anh”. Anh trai giận dữ, quát: “Đi ra, mệt”.

Những ngày sau đó, Thơm bắt đầu chứng kiến sự thay đổi lớn của gia đình. Anh trai Thơm cứ đi suốt, nhưng, mỗi lần về nhà thì cáu bẳn, mắng con, hậm hực cả với mẹ và em gái. Vẫn là cái tính tình ấy, dù có hiểu anh nhưng Thơm vẫn thấy rất khó chịu, mệt mỏi.

Tiện lúc hai cháu ra ngoài sân chơi, Thơm liền hỏi: Bố các con lúc nào cũng ứng xử vậy à, hay là chỉ dạo gần đây thôi.

Đứa lớn nhìn ngang, ngó dọc rồi chia sẻ với Thơm: Bình thường bố con cũng đã ít nói rồi mà giờ còn hay nổi nóng hơn nhiều. Ngày trước, khi mẹ còn ở nhà, mỗi lần về nhà, thì bố cứ lọ mọ thứ nọ, thứ kia ra sửa chữa, lau chùi, nhưng mà chỉ thế thôi. Chả mấy khi bố cười với mẹ. Nhưng mẹ cháu bảo, đấy là cách bố quan tâm tới gia đình rồi, bố yêu mọi người ngầm.

Thơm nghẹn lòng, khi nghe cháu kể vậy. Bất giác, cô nhìn sang đứa út, mái tóc dài buộc xộc xệch, quần áo thì cọc cạch, quần nọ, áo kia. Mẹ cô mới hôm qua còn kể: “Khổ, giờ việc nhà việc cửa dồn hết lên mẹ. Anh con thì đi suốt, mẹ chăm hai cháu mà chỉ được phần nào. Chúng nó thi thoảng lại thốt ra nhớ mẹ, mong mẹ về, mà chẳng hiểu vợ chồng nó làm sao”...

Thơm nghe tiếng mẹ thở dài, một lần nữa lòng lại chùng xuống. Ngày trước, khi phát hiện chị dâu say nắng, cô cứ nghĩ là mình đang làm đúng khi yêu cầu chị dời đi. Nhưng, cuối cùng, anh trai cô và các cháu cũng chẳng bình yên hơn. Anh thì cô đơn, các cháu cũng ngơ ngác...

Thơm nhớ lại lời chị dâu xin cô tha thứ và hứa sẽ toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Rồi cô cũng nghĩ lại cách ứng xử của anh trai mình, người gì mà cứ khô như ngói, lại còn cục cằn, với người thân mà chả bao giờ nói được một lời mềm mại. Thơm tự nhủ, có thể sống với anh mình lâu như vậy, cho tới khi gặp lại “người cũ”, được anh ta dịu dàng thăm hỏi mà chị bị siêu lòng... Suy cho cùng, chị dâu Thơm cũng chịu nhiều nỗi khổ.

Tối muộn, Thơm liền lấy máy điện thoại ra nhắn cho chị dâu. “Chị thu xếp về nhà đi. Em nghĩ là muộn mà vẫn chưa muộn đâu. Em mong sau này, anh chị và các cháu vẫn là một gia đình. Thôi thì chuyện cũ gác lại. Em cũng chưa nói thẳng mọi chuyện ra với mẹ và anh. Vì vậy, chị về thì tìm cách giải thích cho hợp lý nhé”

Tin gửi đi, Thơm thấy chị dâu đọc mà không nhắn tin lại gì. Có lẽ, chị vẫn còn ngại ngần, chưa dám bước tiếp. Thơm lại nhắn tiếp: “Gia đình này vẫn là của chị. Về đi chị nhé”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.