Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi):
“Luật hóa” trách nhiệm “không im lặng” trước bạo lực
(PNTĐ) -Tại Kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến xem xét, thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), trong phiên thảo luận về dự án Luật này vào chiều 26/10, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề nghị cần bổ sung các hành vi bạo lực gia đình, quy định rõ trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình trong tố giác hành vi bạo lực gia đình…

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 56 điều, ít hơn 6 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Dự thảo Luật đã tiếp cận và hoàn thiện được 4 mục tiêu lớn, trong đó mục tiêu xuyên suốt bao trùm là thể chế hóa các quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Thực tế hóa sâu hơn về quyền con người trong Hiến pháp 2013 đã được quy định, đó là vấn đề bám sát các thông lệ quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để không trái với quá trình hội nhập và khắc phục những bất cập của luật cũ. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện trước khi được Quốc hội thông qua.
Tăng cường trách nhiệm tố giác của nạn nhân và gia đình
Góp ý về Dự thảo Luật, đại biểu Tô Quang Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh KonTum) cho biết, 80% nạn nhân BLGĐ là phụ nữ, 68,4% trẻ từ 1-14 tuổi từng bị BLGĐ, và các đối tượng khác, như người cao tuổi, người khuyết tật... cũng thường là đối tượng của BLGĐ. Theo đại biểu này, việc ngăn chặn, xử lý BLGĐ chỉ hiệu quả khi thông tin phản ánh kịp thời. Tuy nhiên, một thực trạng là 80% nạn nhân bị BLGĐ là phụ nữ và 87,1% trong số đó đã chọn giải pháp im lặng. Vì vậy cần quy định trách nhiệm của nạn nhân bị BLGĐ và thành viên gia đình phải báo tin cho cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có hành vi BLGĐ. Có thể trong thời gian đầu, quy định này sẽ chưa đạt được kết quả mong đợi nhưng đây là cơ sở để dần hình thành ý thức tự giác về một trách nhiệm pháp lý qua đó giúp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi BLGĐ, góp phần loại bỏ tàn dư tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn được coi là gốc rễ của tình trạng BLGĐ.
Cũng liên quan nội dung này, theo đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH Bắc Kạn) tại Điều 34, bảo vệ người tham gia phòng, chống BLGĐ và người báo tin, tố giác vụ việc BLGĐ, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về đền bù thiệt hại cho người tham gia phòng, chống BLGĐ. Vì trong thực tế đã có nhiều trường hợp những người hàng xóm, anh em, bạn bè, người thân trong gia đình khi can ngăn hành vi BLGĐ đã bị thiệt hại về tài sản, bị đe dọa, bị trả thù, thậm chí bị nguy hiểm đến tính mạng. Qua tìm hiểu trên mạng internet, trong 5 năm gần đây có khoảng trên 30 vụ việc đau lòng như vậy.
Kiến nghị không áp dụng hình thức hòa giải với trẻ em
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đề nghị bổ sung tại khoản 1 Điều 17, hòa giải trong phòng ngừa BLGĐ thì nên bổ sung hòa giải trong phòng ngừa BLGĐ không áp dụng trong trường hợp người bị BLGĐ là trẻ em. Lý do, trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị BLGĐ và thực tế đã chứng minh có rất nhiều vụ BLGĐ với trẻ em gây hậu quả rất thương tâm đã xảy ra. Với những đặc điểm thể chất còn non nớt, đặc điểm tâm lý phát triển chưa hoàn thiện thì khi bị bạo lực trẻ em rất hoảng loạn. Tổ chức hòa giải để hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp là biện pháp không thể áp dụng với trẻ em. Các vụ BLGĐ mà nạn nhân là trẻ em đều không có mâu thuẫn, tranh chấp từ phía trẻ em nên không cần thiết áp dụng biện pháp này và trẻ em cũng không thể xem xét, cân nhắc để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp với người gây bạo lực cho mình.
Cũng liên quan đến hoạt động hòa giải, đại biểu Lê Thanh Hoàng (Đoàn ĐBQH Thanh Hoá) đề nghị xem lại nguyên tắc không hòa giải hành vi BLGĐ tại khoản 2 Điều 17, bởi lẽ hành vi BLGĐ là hành vi đã hoặc đang diễn ra, nếu kịp thời ngăn chặn, hòa giải các bên liên quan để chấm dứt ngay hành vi BLGĐ là điều nên làm. Nếu quy định không hòa giải hành vi cũng chưa thực sự rõ tính quy phạm văn bản luật. Bởi lẽ, hành vi theo từ điển của tiếng Việt là toàn bộ những phản ứng, cách cư xử biểu hiện ra bên ngoài của một người trong hoàn cảnh cụ thể. Do đó, không thể có việc hòa giải hành vi mà chúng ta phải hướng đến người có hành vi BLGĐ để có tác động tích cực, phù hợp với họ để họ không thực hiện hành vi BLGĐ.
Đại biểu Lê Thanh Hoàng cho rằng, về nguyên tắc phòng chống BLGĐ, về nguyên tắc lấy người bị bạo lực là trung tâm tại Điều 4. Vì vậy nên cân nhắc chỉnh sửa, bổ sung quy định tại khoản 1 điều này, bởi lẽ tinh thần của luật là lấy nguyên tắc phòng ngừa là chính; phải xác định lấy người có nguy cơ bị BLGĐ và người có xu hướng thực hiện hành vi BLGĐ làm trung tâm. Đây mới là nguyên tắc phòng, chống hành vi BLGĐ, hạn chế đến mức tối đa xảy ra BLGĐ.
Kiến nghị cấp phép cho các địa chỉ tin cậy
Đề cập tới địa chỉ tin cậy trong tham gia phòng, chống BLGĐ, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) bày tỏ tại khoản 2 Điều 36 Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân có nhu cầu tự nguyện là địa chỉ tin cậy, chỉ cần thông báo với UBND xã về việc nhận làm địa chỉ tin cậy, sau đó UBND cấp xã có trách nhiệm lập danh sách và công bố địa chỉ tin cậy trong địa bàn quản lý. Song, theo đại biểu này, quy định như vậy là chưa chặt chẽ vì tổ chức, cá nhân có nhu cầu chỉ cần thông báo thì buộc UBND cấp xã phải công bố và đương nhiên nơi đó trở thành địa chỉ tin cậy, nhận được kinh phí hỗ trợ. Điều này cũng cho thấy, việc thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với địa chỉ tin cậy rất thụ động, không có quyền đánh giá, công nhận địa chỉ tin cậy đó có đủ uy tín, khả năng là địa chỉ tin cậy hay không, nhưng phải thực hiện các trách nhiệm như bảo vệ, hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn, tổ chức tập huấn đối với địa chỉ tin cậy theo khoản 2, khoản 3 Điều 36.
Để có thể lấp lỗ hổng này, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị các địa chỉ tin cậy muốn được đề nghị công nhận và công bố về địa chỉ tin cậy của UBND cấp xã cần có kết quả xác nhận của tổ dân phố nơi đăng ký địa chỉ tin cậy.