Ly hôn văn minh

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân - Trường Đại học Sư phạm TP HCM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Các giai đoạn trước, trong và sau khi ly hôn ở hầu hết cặp vợ chồng đều tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương, mất mát về tinh thần, thể chất, ảnh hưởng kéo dài đến cuộc sống không chỉ của chính họ mà còn của những đứa trẻ vô tội là con cái họ.

Ly hôn văn minh - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ly hôn văn minh giảm thiểu tác động đến con 
Thông thường, người lớn có khả năng chịu đựng áp lực, tổn thương tốt hơn con trẻ, dễ dàng tìm kiếm các giải pháp trong việc giải tỏa tâm lý. Ngược lại, vì “ăn chưa no, lo chưa tới”, kỹ năng xã hội, giải quyết vấn đề, bày tỏ ý kiến, nhận thức về cuộc sống còn ít ỏi nên trẻ nhỏ khá nhạy cảm, dễ tổn thương. 

Nhiều quan điểm cho rằng, trẻ em trong các gia đình ly hôn có thể được chia làm 2 nhóm:

Nhóm thứ nhất, gồm những đứa trẻ chịu ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý trước cuộc ly hôn của cha mẹ. Nguyên do đến từ việc, cha mẹ thiếu quan tâm, giúp đỡ, chăm sóc đầy đủ. Hậu quả là trẻ ít thành công trong cuộc sống, một số rơi vào các tệ nạn xã hội, phạm pháp...

Nhóm thứ hai, gồm những trẻ hầu như ít hoặc không ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý. Vì trẻ đã hiểu biết, được chuẩn bị tâm lý hoặc do tính cách cá nhân tích cực, trong số đó, có trẻ được nâng đỡ tinh thần tốt từ cả cha, mẹ, người thân hoặc từ người nuôi dưỡng, nhà chuyên môn hoặc một đối tượng nào đó. Chúng vẫn đảm bảo được nhịp sống, học hành và thành đạt trong cuộc sống.

Trên thực tế, nếu cuộc ly hôn diễn ra nhẹ nhàng, văn minh, các tác động lên tâm lý con trẻ sẽ được giảm thiểu, chính cha, mẹ trẻ cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn, có thể cảm nhận mối quan hệ dù có “chia” nhưng không “xa”. Mọi thành viên vẫn đảm bảo được sự lành mạnh khi nghĩ về nhau, nhận lại được cảm giác gia đình dẫu cơ cấu không toàn vẹn.

Cần nhấn mạnh lại rằng, ly hôn là điều không mong muốn. Nếu người trong cuộc cần nhìn nhận trực diện vào vấn đề “không thể cứu vãn” để chuẩn bị tâm lý, lộ trình ly hôn sao cho ít để lại tổn thất nhất cho tất cả các thành viên, ly hôn văn minh.

Nhận thức rõ về mối quan hệ
Khi vợ hoặc chồng, hoặc cả hai nhận thức rõ ràng về việc đã không còn có thể sống chung, không cùng hướng nhìn, đích đến, khó có thể san sẻ với từng ấy chuyện không vừa vặn, từng ấy lần nỗ lực hàn gắn thì việc đi đến quyết định buông tay sẽ ít hối tiếc hơn, dễ dàng đón nhận hơn. Mối quan hệ này đã từng có những kỷ niệm đẹp, đôi bên từng có những cố gắng nhất định vì mình, vì nhau và cả vì con cái (nếu có). Việc lưu giữ những điều tốt đẹp, cố gắng bình thường hóa cảm xúc và tạm ngưng chú tâm vào những thiếu thốn, đổ vỡ... dù biết nó là nguyên nhân, vẫn tồn tại sẽ giúp cải thiện tâm trạng, không chì chiết nhau bởi những lời đã hứa, không kể lể những chuyện đã làm, tập trung vào việc giải quyết vấn đề êm đẹp, ổn thỏa... để dẫu có buông tay, cũng là cái buông tay phù hợp với tính chất của mối quan hệ.

Kế hoạch và cam kết ly hôn
Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nghe tới kế hoạch ly hôn nhưng thực chất, nếu chúng ta có thể đi theo lộ trình, không trật đường ray thì việc kiểm soát cảm xúc, quản lý các rủi ro sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. 

Lên danh sách những việc cần làm, mốc thời gian hoàn thành, ai hoàn thành hoặc đối tượng hướng tới là ai sẽ giúp người trong cuộc hình dung rõ ràng hơn các bước cần thực hiện. Chẳng hạn, thời gian vợ chồng đồng thuận sẽ ở bên nhau là 1 tháng, 5 tháng, 1 năm cho đến khi con học xong mẫu giáo hay bản thân “đã chấp nhận được sự thật”, khi nào báo tin cho cha mẹ đôi bên, có cần thiết thông báo với hội bạn thân, hội đồng nghiệp hay không? Liệu trước những tổn thương con cái có thể gặp và gỡ rối từng phần. Cam kết trước, trong và sau ly hôn, đôi bên sẽ làm gì, chịu trách nhiệm gì: Trước khi ly hôn, ai chăm con học, ai tắm cho con, ai dắt con đi chơi... Sau khi ly hôn, chồng đưa con đi học buổi sáng, vợ đón về, con ở với vợ, cuối tuần chồng chở đi chơi, mỗi tháng. Mỗi cuối 2 tháng con thay phiên được ba mẹ chở về thăm nội ngoại, nếu con xảy ra vấn đề, cả hai cùng chịu trách nhiệm... 

Ly hôn và vẫn giữ cam kết
Khi kế hoạch ly hôn đã đến thời gian hạn định, với tư duy, suy nghĩ và trách nhiệm của một người trưởng thành, đã từng yêu, từng sống chung hoặc có với nhau một, hai mặt con, vợ chồng nên ngồi lại... bàn thảo thật kỹ lưỡng ai có quyền lợi gì, nghĩa vụ ra sao, phân chia tài sản như thế nào và viết thành văn bản/thỏa thuận để chốt trước khi đệ đơn ra chính quyền hoặc tòa án. Giảm thiểu mọi tranh chấp, cãi vã trước khi kí vào đơn ly hôn. 

Đặc biệt, luôn quan tâm đến cảm xúc của con cái, không bất đồng trước mặt con, càng không tỏ ra vì con mà phải đấu tranh, giành giật quyền nuôi hoặc mang con ra làm lá chắn, làm bia đỡ cho những bất đồng, tranh chấp. Việc thực hiện ly hôn “nhanh, gọn” không tranh đấu hay xúc phạm, tấn công nhau... chắc chắn sẽ khiến con lớn lên cảm thấy dẫu là chia tay, nhưng ba mẹ đã rất văn minh, đã đặt quyền lợi của nhau, của con lên trên hết bằng tất cả sự tôn trọng chứ không phải với tâm lý trả thù, đạp đổ.

Cần xác định rất rõ, ly hôn phần chính yếu là “chuyện hai người” không nhất định phải chia rẽ con cái, tấn công gia đình đối phương, nói xấu đối phương và dạy con rằng “người còn lại” là xấu xí, là không thể sống chung... 

Các cam kết từ khi lập kế hoạch ly hôn vẫn nên được duy trì hoặc lập một cam kết mới cho con, chí ít là tới khi đứa trẻ đủ tuổi trưởng thành. Cam kết thể hiện trách nhiệm đến cùng và trọn vẹn của cha, mẹ hoặc của những người từng yêu, từng sống đời vợ chồng. Thậm chí, cam kết có thể tính đến chuyện, nếu có ai trong số hai người “đi bước nữa” thì cần hành xử thế nào với nhau, với con, “mẹ kế hay cha kế” vẫn là bạn, là người có thể quan tâm con chung, chứ không phải là thù.
Ly hôn văn minh sẽ giảm thiểu tác động đến tâm lý tiêu cực cho những người trong cuộc, đồng thời tranh thủ được sự chấp nhận, tôn trọng đối với quyết định rất khó khăn này của các cặp vợ chồng và sau cùng, vẫn giữ được hình ảnh đẹp, chỉ khác là mỗi người đang bước đi trên một hành trình mới, có thể nhiều hy vọng và hứa hẹn theo một cách nào đó.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.