Ly hôn vợ để đòi chia tài sản

Chia sẻ

PNTĐ-20 năm trước, ông bỏ nhà đi theo “bồ”, không liên lạc với gia đình.Ngày ông về, bà tưởng vợ chồng đoàn tụ, nào ngờ,ông nhất quyết đòi ly hôn để chia tài sản khi vợ chồng đã 70 tuổi.

 
Ly hôn vợ để đòi chia tài sản - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Ngồi nghe Tòa tuyên án, bà K.T.A (Ba Vì, Hà Nội) còn chưa hết bàng hoàng vì những gì xảy ra trong suốt mấy năm nay. Bà kể, cuộc đời bà ở bên chồng 15 năm. 25 năm còn lại, bà một mình nuôi các con khôn lớn, phụng dưỡng chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo. Khi chồng về, bà tưởng gia đình được đoàn tụ, nào ngờ...
 
Chồng bà – ông N.H.T, năm nay đã 75 tuổi, còn bà sắp bước sang tuổi 70. Ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, trong khi người ta sum vầy bên con cháu thì ông bà dắt nhau ra tòa để... ly hôn và phân chia tài sản. Tại phiên tòa tranh chấp đất đai và tài sản sau ly hôn mới đây tại TAND TP Hà Nội, ông đứng về một phía, còn bà và ba người con cùng đứng về một phía. Ông kiên quyết đòi Tòa phải chia tài sản công bằng cho ông, còn bà lại mong muốn ông suy nghĩ lại, cho các con được hưởng một phần tài sản vì đã có công cải tạo, canh tác, gìn giữ.
 
Năm 1975, ông bà kết hôn và được bố mẹ ông chia cho một mảnh đất để dựng nhà ở. Ông bà chăm chỉ làm ăn, khai hoang thêm đất đồi để trồng ngô, sắn. Ba người con – một gái, hai trai lần lượt chào đời. Sóng gió bắt đầu nổi lên trong gia đình bà A vào khoảng năm 1988, bà phát hiện ông ngoại tình. Kết quả của mối quan hệ ngoài vợ ngoài chồng ấy là người phụ nữ kia mang bầu, còn ông bị kỷ luật. Để tránh búa rìu dư luận, ông đưa “vợ mới” vào Đắk Lắk sinh sống, không liên lạc với gia đình ở quê. Bà ở nhà vừa canh tác trên mảnh đất cũ, vừa nuôi con ăn học. Khi các con lớn, bà bán một nửa diện tích đất đồi để lấy tiền lo dựng vợ, gả chồng cho các con. Do sức khỏe ngày càng yếu, bà giao cho con gái canh tác và đóng thuế dài hạn trên một thửa đất vườn, còn hai cậu con trai quản lý diện tích đất đồi còn lại. Căn nhà 5 gian cũ cũng được sửa sang lại, là nơi ăn ở của bà và vợ chồng hai người con trai.
 
Năm 2010, ông bỗng trở về nhà, xin được đoàn tụ với gia đình. Một lần nữa, bà mở lòng khoan dung, tha thứ cho những lỗi lầm của ông. Cuộc sống gia đình bà vui vầy trở lại. Bà bàn với chồng về việc hỗ trợ con trai út xây nhà ở riêng, đồng thời cắt đất chia cho các con làm ăn. Thế nhưng, ông không đồng ý. Ông nói lý do về nhà lần này là để ly hôn bà và đòi lại phần tài sản của ông. Đó là diện tích đất ở và đất vườn được bố mẹ ông cho khi cưới và diện tích đất mà ông có công khai hoang hiện đang đứng tên bà. Quá bất ngờ, bà hỏi: “Ông giành đất thì các con ở đâu?” thì ông thẳng thừng đáp: “Các con lớn rồi tự xoay xở lấy”.
 
Rồi ông đơn phương ly hôn bà và đòi tài sản. Tại phiên tòa, ông nói, do vợ chồng không thể chung sống hòa thuận, nên ông mới phải bỏ nhà ra đi tay trắng làm lại từ đầu. Bà lắc đầu: “Ông ấy đi mang theo tất cả những tài sản giá trị nhất trong nhà lúc bấy giờ là chiếc xe máy, máy bơm, tivi... và để lại khoản nợ cho tôi. Tôi một mình nuôi các con, ông ấy không hề thăm hỏi hay chia sẻ gì. Khi các con lập gia đình, có báo tin cho bố, ông ấy cũng không có mặt.
 
Ông ấy làm chồng làm cha mà không có trách nhiệm với vợ con”. Con gái bà A cũng ủng hộ mẹ, trách bố bỏ đi khi chị vừa 13 tuổi nên phải nghỉ học sớm để giúp mẹ nuôi các em. Khi chị lấy chồng, mẹ chị đã cho chị một mảnh đất để chị trồng rau, có đóng thuế đầy đủ và được UBND xác nhận. Các con trai cũng cho rằng, họ tu sửa căn nhà đang ở, canh tác trên đất khai hoang nên cũng có công sức đóng góp. Tuy nhiên, ông T bảo, tất cả công đóng góp ấy đều được quy vào ½ diện tích đất khai hoang mà bà đã bán. Do đó, các con ông cũng không có quyền đòi hỏi gì thêm. Nghe thế, HĐXX hỏi, “Ba người con đều là con chung của ông bà, ông không thể chia mảnh đất ấy cho các con sao?”. Ông dứt khoát: “Không được”.
 
Xét các tài liệu liên quan, Tòa cho rằng, mảnh đất ở và đất vườn là do bố mẹ ông để lại khi ông bà kết hôn. Ông cũng có công khai hoang thêm mảnh đất đồi hiện đang còn. Theo đó, ông được chia một nửa diện tích đất ở và đất vườn và một nửa diện tích đất đồi còn lại. Các con của ông có công chăm sóc, cải tạo mảnh đất, trồng cây và tu sửa nhà ở... nên được hưởng công chăm sóc theo quy định.
 
Thiết nghĩ, pháp luật luôn công bằng, ông T, bà A và các con ông được hưởng quyền lợi xứng đáng, song xét về nghĩa, hành động của ông T lại khiến nhiều người lên án, bởi khi con còn bé, ông ngoại tình, bỏ đi, không chăm sóc, nuôi dưỡng, không làm tròn trách nhiệm người cha, người chồng. Việc ông đòi đất, đòi tài sản đã đẩy vợ con vào chỗ không có nơi ở và khó khăn trong cuộc sống, bởi trước nay, thu nhập của họ chủ yếu trên các mảnh đất đó. Tuy nhiên trong sự việc này bà A cũng có lỗi. Lẽ ra khi chồng vi phạm chế độ 1 vợ 1 chồng, bà A tố cáo hành vi sai trái của ông và cô nhân tình trước pháp luật và làm đơn ly hôn để được phân chia tài sản rõ ràng, đồng thời buộc ông T phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con, thì bà đã không phải vất vả nuôi con một mình và lúc về già lại bị ông "lật kèo" đòi ly hôn, tranh tài sản.

Quỳnh An

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.