Mẹ chồng cổ tích

Chia sẻ

PNTĐ-Gần mười năm làm dâu, tôi chưa một lần phải suy nghĩ hay lo lắng về mối quan hệ với mẹ chồng. Có được cuộc sống hạnh phúc đó, tôi thầm cảm ơn mẹ đẻ và mẹ chồng...

 
Mẹ chồng cổ tích - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Mẹ tôi kết hôn với bố khi ông bà nội tôi đều không còn nên chưa có cơ hội làm dâu. Nhưng mẹ luôn dạy tôi “Không mẹ chồng nào nỡ đối xử tệ bạc với con dâu luôn yêu thương và chân thành với mình”. Nhưng tôi lại nghe nhiều người bảo mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu tốt đẹp từ đầu đến cuối là chuyện “cổ tích” ở trong những bộ phim. Không ít người chị, người bạn của tôi luôn than phiền rằng, họ không thể sống chung với gia đình vì bị mẹ chồng khó tính, săm soi; rằng mặc dù họ đã cố gắng quan tâm, thương yêu bà nhưng vì “khác máu tanh lòng” nên không thể nào hòa hợp được, có chăng cũng chỉ là gượng ép.
 
Chồng sắp cưới của tôi là một chàng trai Hà Nội hào hoa. Anh vào TP Hồ Chí Minh công tác 5 năm theo sự luân chuyển cán bộ của trường đại học. Gia đình anh là người Bắc, bố anh là biên tập viên một tờ báo có tiếng ở Hà Nội, mẹ là giảng viên đại học. Anh là con trai cả, dưới anh có một em trai đang học đại học Y. Gia đình anh cơ bản nề nếp, gia giáo. Khi chính thức nhận lời yêu, tôi đã được anh giới thiệu với cả gia đình-qua điện thoại. Mặc dù có chút hồi hộp, lo lắng nhưng vốn tính dễ hòa đồng, tôi nhanh chóng làm quen, hỏi thăm và nói chuyện tự nhiên với mọi người trong gia đình anh. Lúc ấy, tôi thấy có thiện cảm với cả gia đình anh và cũng hy vọng cả nhà thích mình.
 
Khi thời hạn công tác của anh sắp hết, chúng tôi quyết định kết hôn tại TP Hồ Chí Minh rồi mới chuyển ra Hà Nội. Hai ngày trước lễ cưới, chúng tôi ra sân bay đón bố mẹ anh. Đứng trong sảnh sân bay, tôi hồi hộp, lo lắng. Anh động viên: “Em đừng lo, bố mẹ coi em như người trong nhà rồi”. Tôi nắm chặt tay anh, hít thở thật sâu, cố gắng lấy lại bình tĩnh. Bây giờ tôi mới rõ cảm giác căng thẳng, áp lực khi ra mắt nhà chồng. Máy bay hạ cánh không lâu, bố mẹ anh xuất hiện. Tim tôi muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi hai bác tiến lại gần. Sự nhí nhảnh, nhanh mồm nhanh miệng của tôi bỗng dưng biến mất, thay vào đó là sự nhút nhát, sợ sệt. Tôi chẳng biết nói gì ngoài: “Con chào hai bác ạ”.
 
May thay, đáp lại lời chào và cử chỉ vụng về của tôi là hai nụ cười ấm áp, thân thiện, trìu mến vô cùng.
 
- Cảm ơn hai con đã ra tận đây đón bố mẹ.
 
 “Mẹ chồng tương lai gần” của tôi lên tiếng, vẫn với nụ cười hiền hậu.- “Mẹ rất vui được gặp con. Ôi, thế là từ nay tôi có thêm một cô con gái rồi, ba bố con nhà này sẽ không thể bắt nạt được tôi nữa”.
 
Mẹ anh cười nói, hân hoan trên đường về khách sạn khiến tôi thấy yên tâm hơn. Đám cưới qua đi, đã đến lúc tôi về nhà chồng ở ngoài Bắc. Tiễn tôi và gia đình thông gia ở sân bay, mẹ tôi không cầm được mắt. Mẹ vẫn cố nhắc lại lời dặn hàng ngày “Không mẹ chồng nào nỡ đối xử tệ bạc với con dâu luôn yêu thương và chân thành với mình”. Mắt tôi rưng rưng, mẹ chồng tiến lại, một tay bà nắm lấy tay, tay kia nắm lấy tay con dâu: “Chị thông gia, em biết xa con, chị như đứt từng khúc ruột. Nhưng chị yên tâm, em sẽ coi cháu như con gái mình. Em cũng đã từng làm dâu xa xứ, em hiểu cảm giác đó lắm. Con cũng yên tâm nhé. Chúng ta là một gia đình, mẹ mong con cũng xem nhà mình ở ngoài kia như nhà của con ở trong này...”.
 
 Ngay lúc ấy, tôi biết rằng mẹ mình đã yên tâm, bản thân tôi vô cùng cảm kích trước sự quan tâm, ân cần của mẹ chồng. Sau một năm, tôi sinh con đầu lòng, mẹ chồng tôi xin nghỉ hưu sớm về phụ trông cháu cho các con. Rồi cháu thứ ra đời cũng một tay bà nội đỡ đần. Con gái Nam làm dâu đất Bắc có muôn vàn sự khác biệt trong nếp sống nhưng mẹ chồng luôn là người hướng dẫn cho tôi rất tận tình. Những điều tôi thiếu sót, mẹ không bao giờ trách mắng mà rộng lòng bỏ qua, kiên trì chỉ dẫn lại. Thậm chí, người thân, hàng xóm không ít lần “điều ra tiếng vào” về tôi, nhưng mẹ đều lên tiếng bênh vực. Đổi lại, tôi cũng luôn tâm niệm lời mẹ đẻ dặn là luôn sống chân thành, yêu thương mẹ chồng thật lòng, không bao giờ có suy nghĩ “mẹ chồng con dâu khác máu tanh lòng”.
 
Gần mười năm làm dâu, tôi chưa một lần phải suy nghĩ hay lo lắng về mối quan hệ với mẹ chồng. Có được cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay, tôi thầm cảm ơn mẹ đẻ và mẹ chồng của mình. Nếu như mẹ đẻ là người chỉ cho tôi điểm xuất phát thì mẹ chồng là người cầm ngọn hải đăng để hướng dẫn tôi đi đúng đường.
 
Tống Thị Xuyên
(Đống Đa, HN)

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.