Mẹ chồng cổ tích

Chia sẻ

PNTĐ-Gần mười năm làm dâu, tôi chưa một lần phải suy nghĩ hay lo lắng về mối quan hệ với mẹ chồng. Có được cuộc sống hạnh phúc đó, tôi thầm cảm ơn mẹ đẻ và mẹ chồng...

 
Mẹ chồng cổ tích - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Mẹ tôi kết hôn với bố khi ông bà nội tôi đều không còn nên chưa có cơ hội làm dâu. Nhưng mẹ luôn dạy tôi “Không mẹ chồng nào nỡ đối xử tệ bạc với con dâu luôn yêu thương và chân thành với mình”. Nhưng tôi lại nghe nhiều người bảo mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu tốt đẹp từ đầu đến cuối là chuyện “cổ tích” ở trong những bộ phim. Không ít người chị, người bạn của tôi luôn than phiền rằng, họ không thể sống chung với gia đình vì bị mẹ chồng khó tính, săm soi; rằng mặc dù họ đã cố gắng quan tâm, thương yêu bà nhưng vì “khác máu tanh lòng” nên không thể nào hòa hợp được, có chăng cũng chỉ là gượng ép.
 
Chồng sắp cưới của tôi là một chàng trai Hà Nội hào hoa. Anh vào TP Hồ Chí Minh công tác 5 năm theo sự luân chuyển cán bộ của trường đại học. Gia đình anh là người Bắc, bố anh là biên tập viên một tờ báo có tiếng ở Hà Nội, mẹ là giảng viên đại học. Anh là con trai cả, dưới anh có một em trai đang học đại học Y. Gia đình anh cơ bản nề nếp, gia giáo. Khi chính thức nhận lời yêu, tôi đã được anh giới thiệu với cả gia đình-qua điện thoại. Mặc dù có chút hồi hộp, lo lắng nhưng vốn tính dễ hòa đồng, tôi nhanh chóng làm quen, hỏi thăm và nói chuyện tự nhiên với mọi người trong gia đình anh. Lúc ấy, tôi thấy có thiện cảm với cả gia đình anh và cũng hy vọng cả nhà thích mình.
 
Khi thời hạn công tác của anh sắp hết, chúng tôi quyết định kết hôn tại TP Hồ Chí Minh rồi mới chuyển ra Hà Nội. Hai ngày trước lễ cưới, chúng tôi ra sân bay đón bố mẹ anh. Đứng trong sảnh sân bay, tôi hồi hộp, lo lắng. Anh động viên: “Em đừng lo, bố mẹ coi em như người trong nhà rồi”. Tôi nắm chặt tay anh, hít thở thật sâu, cố gắng lấy lại bình tĩnh. Bây giờ tôi mới rõ cảm giác căng thẳng, áp lực khi ra mắt nhà chồng. Máy bay hạ cánh không lâu, bố mẹ anh xuất hiện. Tim tôi muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi hai bác tiến lại gần. Sự nhí nhảnh, nhanh mồm nhanh miệng của tôi bỗng dưng biến mất, thay vào đó là sự nhút nhát, sợ sệt. Tôi chẳng biết nói gì ngoài: “Con chào hai bác ạ”.
 
May thay, đáp lại lời chào và cử chỉ vụng về của tôi là hai nụ cười ấm áp, thân thiện, trìu mến vô cùng.
 
- Cảm ơn hai con đã ra tận đây đón bố mẹ.
 
 “Mẹ chồng tương lai gần” của tôi lên tiếng, vẫn với nụ cười hiền hậu.- “Mẹ rất vui được gặp con. Ôi, thế là từ nay tôi có thêm một cô con gái rồi, ba bố con nhà này sẽ không thể bắt nạt được tôi nữa”.
 
Mẹ anh cười nói, hân hoan trên đường về khách sạn khiến tôi thấy yên tâm hơn. Đám cưới qua đi, đã đến lúc tôi về nhà chồng ở ngoài Bắc. Tiễn tôi và gia đình thông gia ở sân bay, mẹ tôi không cầm được mắt. Mẹ vẫn cố nhắc lại lời dặn hàng ngày “Không mẹ chồng nào nỡ đối xử tệ bạc với con dâu luôn yêu thương và chân thành với mình”. Mắt tôi rưng rưng, mẹ chồng tiến lại, một tay bà nắm lấy tay, tay kia nắm lấy tay con dâu: “Chị thông gia, em biết xa con, chị như đứt từng khúc ruột. Nhưng chị yên tâm, em sẽ coi cháu như con gái mình. Em cũng đã từng làm dâu xa xứ, em hiểu cảm giác đó lắm. Con cũng yên tâm nhé. Chúng ta là một gia đình, mẹ mong con cũng xem nhà mình ở ngoài kia như nhà của con ở trong này...”.
 
 Ngay lúc ấy, tôi biết rằng mẹ mình đã yên tâm, bản thân tôi vô cùng cảm kích trước sự quan tâm, ân cần của mẹ chồng. Sau một năm, tôi sinh con đầu lòng, mẹ chồng tôi xin nghỉ hưu sớm về phụ trông cháu cho các con. Rồi cháu thứ ra đời cũng một tay bà nội đỡ đần. Con gái Nam làm dâu đất Bắc có muôn vàn sự khác biệt trong nếp sống nhưng mẹ chồng luôn là người hướng dẫn cho tôi rất tận tình. Những điều tôi thiếu sót, mẹ không bao giờ trách mắng mà rộng lòng bỏ qua, kiên trì chỉ dẫn lại. Thậm chí, người thân, hàng xóm không ít lần “điều ra tiếng vào” về tôi, nhưng mẹ đều lên tiếng bênh vực. Đổi lại, tôi cũng luôn tâm niệm lời mẹ đẻ dặn là luôn sống chân thành, yêu thương mẹ chồng thật lòng, không bao giờ có suy nghĩ “mẹ chồng con dâu khác máu tanh lòng”.
 
Gần mười năm làm dâu, tôi chưa một lần phải suy nghĩ hay lo lắng về mối quan hệ với mẹ chồng. Có được cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay, tôi thầm cảm ơn mẹ đẻ và mẹ chồng của mình. Nếu như mẹ đẻ là người chỉ cho tôi điểm xuất phát thì mẹ chồng là người cầm ngọn hải đăng để hướng dẫn tôi đi đúng đường.
 
Tống Thị Xuyên
(Đống Đa, HN)

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.