“Mẹ dại... con mang”

Thu Giang
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tháng trước, bà vừa làm thủ tục sang tên căn nhà cho con gái thì tháng sau nó thông báo bán nhà để lấy tiền trả nợ. Đồng thời, con gái bà cũng bảo với ông đã xác định lấy bà thì rước vợ về bên nhà ông ở, nó không đồng ý để ông “ở rể” bên nhà bà như bấy lâu nay.

1.

Cả tuần nay, bà giận con gái sống không biết điều, mẹ vừa sang tên tài sản cho là đẩy mẹ đi luôn. Ông cũng tức giận không kém, bảo bà nghe lời con gái dụ dỗ ngon ngọt mà đồng ý cho con tài sản quá sớm, để rồi cảnh già lâm vào thế “không nhà cửa”. Bữa đó, Huyền về bên nhà mẹ nói chuyện dứt khoát với ông bà về việc cô vừa tìm được khách mua nhà. Họ đã đồng ý tháng sau sẽ chồng tiền đủ để chuyển về đây ở. Vì thế, một là ông đưa bà về bên nhà ông để ở, hai là ai về nhà nấy. Nghĩa là bà sẽ về sống với vợ chồng Huyền, còn ông về sống cùng vợ chồng con trai ông như trước đây. 4 năm nay, ông “ở rể” bên nhà bà như thế cũng đủ rồi.

Bà tất nhiên không chịu việc ai về nhà nấy, vì khó khăn lắm ông bà mới kết được mối duyên này sau bao nhiêu năm sống cảnh góa chồng, góa vợ. Chồng bà mất năm con gái lên 9 tuổi. Bà ở vậy nuôi con khôn lớn, dựng gả chồng xong xuôi rồi mới nghĩ đến chuyện tìm bạn tri kỷ sống già. Huyền ủng hộ chuyện mẹ đi bước nữa, vì biết bao nhiêu năm nay mẹ đã hy sinh cho mình. Tuy nhiên, cô cũng muốn mẹ tìm được một người đàn ông không nặng gánh con cái, cháu chắt, tự chủ kinh tế để mẹ về “làm dâu” không phải lo toan nhiều. Sau bao nhiêu mai mối, tìm hiểu các kiểu, ông trở thành “ứng cử viên sáng giá nhất”.

Ông góa vợ 6 năm nay, vẫn còn khỏe mạnh, là cán bộ về hưu với mức lương khá. Ông bà đến với nhau trong sự chúc phúc của con cháu hai bên. Sau khi xem xét mọi yếu tố, bà để ông về “ở rể” bên nhà mình. Bấy giờ, Huyền nghĩ điều đó cũng thuận lợi cho mẹ cô, bởi nếu ông “ở rể” thì bà không phải sống chung với con riêng của ông, tránh sự va chạm hàng ngày. Phần nữa, từ ngày Huyền đi lấy chồng, bà sống một mình, nay có ông về thì vui cửa vui nhà. Nghĩ thế, nên chuyện ông chuyển về bên nhà bà sống là hợp lý, hợp cả tình.

“Mẹ dại... con mang” - ảnh 1
Ảnh minh họa

2.

Ông về sống với bà tháng trước thì tháng sau, vợ chồng con trai của ông tìm đến khóc lóc với bố và “mẹ kế”, bảo vợ chồng làm ăn vỡ nợ, hiện vay ngân hàng lãi phải trả nhiều quá trong khi thu nhập hàng tháng chỉ để đủ trang trải cuộc sống hàng ngày ở mức tối thiểu. Nếu không có tiền trả lãi đúng hạn, căn nhà sẽ có nguy cơ bị ngân hàng xiết nợ. Cách giải quyết của vợ chồng con trai ông đưa ra là “mượn tạm” lương của ông để trả lãi ngân hàng hàng tháng. Con cái khó khăn, lẽ nào cha mẹ đứng ngoài cuộc thấy chết mà không cứu. Vậy nên, sau hôm đó, ông thống nhất với bà đưa lương của mình cho con trai “mượn”. Tuy nhiên, thời gian “mượn” bao lâu thì thì họ không nói cụ thể.

Từ khi cho con trai “mượn” lương, ông sống dựa vào lương hưu ít ỏi của bà. Thoạt đầu, bà nghĩ hai ông bà ăn uống chẳng là bao nên không tốn kém, xoay xở trong số tiền lương của bà chắc sẽ đủ. Thế nhưng, cuộc sống già đâu chỉ chi tiêu quanh ba bữa ăn hàng ngày, mà còn cần chi tiêu vào sức khỏe nữa. Ông có bệnh mạn tính, tháng nào cũng phải đi khám định kỳ, tính cả tiền thuốc lẫn tiền khám, trừ bảo hiểm đi rồi mà vẫn mất gần 3 triệu đồng. Chưa tính các khoản phát sinh hiếu, hỉ hàng tháng. Vì thế tháng nào bà cũng lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Cực chẳng đã, bà rút khoản tiền tiết kiệm dưỡng già tích cóp bao lâu nay ra để chi tiêu thêm. Khoản tiền đó là số tiền mà Huyền lén giấu chồng thỉnh thoảng mang sang biếu mẹ để bồi bổ sức khỏe. Trước đây, bà chẳng dùng đến, tiền con gái cho cứ cất đi, dành dụm phòng khi đau ốm. Ai ngờ, từ khi đi bước nữa, bà lại phải dùng khoản tiền đó để… nuôi chồng.

Chuyện nuôi chồng đã khiến tuổi già của bà nặng thêm một khoản. Vậy nhưng, ông chẳng để ý đến chuyện đó, mặc nhiên xem đó là nghĩa vụ của bà khi làm vợ của ông. Tuy nhiên, điều khiến bà khó xử nhất là thỉnh thoảng con riêng của chồng lại sang hỏi vay mượn “lặt vặt”, lúc thì vay mấy trăm mua sữa cho con, lúc lại “nhờ” bà đong hộ cho mấy chục cân gạo, có khi kéo cả vợ chồng con cái sang ăn uống, ở chơi vài ngày mới về. Những lần như thế, bà đều phải đi chợ nấu nướng, phục vụ con cháu của chồng. Một vài lần còn đỡ, đằng này tình trạng đó ngày một nhiều hơn. Ông vui ra mặt vì thấy con cháu quấn quýt sum vầy bên cạnh, nhưng bà thì ngày càng mệt mỏi. Sức khỏe không có để phục vụ con cháu ông kiểu đó lâu dài, cộng thêm chuyện lo nghĩ về chi tiêu khiến bà có “tâm bệnh” mà chẳng dám nói cho con gái biết.

3.

Chống đỡ mãi rồi cũng hết sức, bà đổ bệnh ốm nằm một chỗ. Lúc này, bà những tưởng ông sẽ chăm sóc lại mình như cách bà đã từng chăm ông. Vậy nhưng, bà vừa ốm buổi sáng thì buổi trưa ông gọi Huyền báo tin mẹ ốm, rồi nhắn cô về nấu cháo cho bà. Ông chỉ làm việc duy nhất là quanh quẩn ở nhà, bà cần gì thì ông lại gọi cho Huyền giải quyết. Mấy ngày đầu, Huyền còn ghé nhà vừa nấu cháo cho mẹ, vừa nấu cơm cho bố dượng ăn. Sau này, cô nhận ra độ ỷ lại của ông nên quyết định nấu cháo sẵn ở nhà rồi mang sang để ông hâm lại cho bà ăn cả ngày. Tối đi làm về, cô ghé sang xem tình hình của mẹ thế nào, giặt giũ, tắm rửa cho bà. Việc ông ăn uống thế nào, cô để mình ông tự lo. Nói là tự lo nhưng ông chỉ việc lấy tiền từ túi mẹ cô ra ngoài ngõ ăn cơm bình dân rồi về, chứ cũng chẳng nấu nướng gì. Huyền nghĩ, mẹ lấy chồng thế này chỉ thêm “nặng nợ”, ốm đau cũng chẳng được nhờ vả gì.

Sau lần mẹ ốm đó, Huyền bắt đầu để ý và tìm hiểu chuyện chi tiêu của bà. Cô biết mẹ có một món tiền tiết kiệm nên vờ hỏi “mượn nóng” để giải quyết công việc cần kíp. Bấy giờ, bà mới nói thật món tiền đó đã được rút ra để lo cho cuộc sống của ông bà đã gần cạn. Bà còn lo lắng không biết hết số tiền đó thì lấy khoản nào bù vào cho chi phí sinh hoạt trong thời gian tới.

“Mẹ dại... con mang” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Một ngày, Huyền tình cờ nghe chuyện con trai ông “khoe” với người anh họ (là đồng nghiệp của Huyền ở cơ quan) rằng từ ngày ông đi lấy vợ mới đã cho họ khoản lương của ông để nuôi cháu đích tôn. Hóa ra, chuyện mà con trai ông “mượn lương” bố để trả lãi ngân hàng là câu chuyện mà bố con ông tạo nên để lừa bà. Họ đã có chủ đích lợi dụng bà khi ông về bên nhà bà “ở rể”. Huyền về kể cho mẹ câu chuyện đó nhưng bà không tin, nghĩ con gái đang ác cảm với ông nên bịa chuyện với mình. Bà vẫn nghĩ ông yêu thương mình thật sự nên chẳng thể làm điều đó. Chuyện ông chẳng phục vụ bà khi đau ốm cũng là bởi vụng về, lâu nay quen nếp được vợ con phục vụ. Nói đâu xa, bố Huyền ngày xưa cũng chả bao giờ vào bếp bao giờ nên dù con gái nói thế nào, bà vẫn bảo vệ ông.

Khuyên mẹ chẳng được, cũng không muốn tuổi già của mẹ vất vả vì gia đình người đàn ông “ăn bám” kia. Huyền nghĩ đến chuyện “dụ dỗ” mẹ sang tên ngôi nhà đang sống cho mình. Bà nghĩ tài sản này trước sau cũng để lại cho con gái nên đã đồng ý làm điều đó. Ai ngờ, sang tên cho nó xong thì nhận được tin nó bán nhà để trở nợ làm ăn, bảo bà “theo chồng” về bên nhà ông sống.

Từ khi nghe tin Huyền bán ngôi nhà ông bà đang ở, ông giận dỗi bà sao để con gái đẩy hai thân già ra đường. Bà bảo con trai lúc khó khăn thì sang bên này nhờ giúp đỡ, ông không bỏ được cho “mượn lương” để giải quyết vấn đề. Bây giờ đến lượt con gái bà, nó khó khăn bà cũng chẳng thể không lo. Rồi, bà thấy con gái nói cũng phải, nay bà lấy chồng, chẳng có nhà thì theo ông về bên đó sống cũng hợp lý.

Ấy vậy mà khi đem chuyện này nói với con trai ông thì chúng dẫy lên như đỉa phải vôi. Chúng bảo, nhà bên này chật, các cháu đã có phòng ở ổn định nay ông bà về thì không còn phòng nữa, hay là ông bà sang bên nhà con gái của bà ở. Đến nước này, Huyền lớn tiếng bảo bố, mẹ của ai thì người đó mang về nuôi. Cô mang mẹ về bên này, còn con trai ông mang bố về phụng dưỡng bởi cô chẳng có nghĩa vụ nuôi ông.

 Cứ ngỡ cuộc tình già của ông bà vì thế mà chia ly, bà cũng nhận ra người đàn ông ấy chẳng ra gì mà từ bỏ. Ai ngờ, bà về sống với vợ chồng Huyền nhưng lòng vẫn canh cánh lo cho ông. Hàng ngày, bà nấu nướng bên nhà con gái rồi lại bỏ cặp lồng mang đồ ăn sang bên đó cho ông. Vì vợ chồng con trai ông đi làm từ sáng đến tối mịt mới về, chuyện cơm nước cho ông chẳng ai lo, lương nó vẫn “mượn” của ông chưa trả.

Chồng Huyền thấy mẹ vợ về sống cùng mình mà vẫn phải nuôi báo cô ông lão ăn bám ấy thì cũng không vừa lòng. Anh bảo, kinh tế chẳng dư để nuôi người ngoài. Mâu thuẫn vợ chồng Huyền cũng nảy sinh từ đó khiến hạnh phúc bất ổn theo. Huyền bảo mẹ cô chẳng nhận ra “cái dại” của mình nên cứ cố chấp “đèo bòng” người đàn ông đào mỏ đó. Người ta nói “con dại cái mang”, còn nhà Huyền thì “mẹ dại... con mang”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.