Mẹ hãy ly hôn đi
(PNTĐ) - “Bà dạy con cái kiểu gì vậy. Con cái nhà người ta thì mong cho bố mẹ sống đầu bạc răng long với nhau, còn con của bà thì lại suốt ngày xúi bẩy bố mẹ ly hôn. Nhà này vô phúc quá rồi…”.
Ngày nào, bà cũng nghe “điệp khúc” chồng ra rả nói mình không biết dạy đứa con gái “trời đánh” đang sống trên thành phố. Nguyên nhân chỉ vì cứ mỗi lần về nhà là nó lại cãi nhau với bố rồi quay sang thúc giục mẹ “hãy ly hôn”. Mới tuần trước, nó còn gọi điện bảo với bà một cách kiên quyết “mẹ ly hôn nhanh đi rồi con về đón ra đây ở với con, con nuôi mẹ hết tuổi già”. Bà biết tấm lòng của con gái nhưng nếu nghe nó, bà lại sợ đứa con trai “không nhận mình là mẹ nữa”. Nó là bản sao của chồng bà, sống độc đoán, gia trưởng, luôn muốn phụ nữ phải đứng dưới đàn ông.
Sở dĩ con gái bà có hành động đó là có nguyên nhân của nó. Người ngoài không hiểu, nghe chồng bà nói thì tưởng nó là đứa con gái bất hiếu với bố thật. Nhưng nếu thấu hết sự tình những nỗi niềm mà nó và bà phải trải qua thì mới bao năm qua thì mới thông cảm cho nó được.
Sáng nay, ngủ dậy, bà thấy chóng mặt, chẳng thể dậy cắm ấm nước pha trà cho chồng như mọi lần. Ông đi tập thể dục về, rồi đợi mấy ông hàng xóm đến nhà đánh mấy ván cờ. Nhưng về ngồi lâu ở phòng khách rồi mà vẫn chẳng thấy bà mang trà đã pha ra, ông cáu bẳn: “Bà lại lề mề cái gì trong bếp đấy, có ấm nước sôi mà vẫn chưa đun à?”.

Không nghe thấy tiếng vợ trả lời, ông quát to thêm lần nữa rồi hậm hực đi tìm bà. Khi thấy vợ vẫn nằm trên giường, thay vì hỏi han vì cái sự “bất thường” ấy của vợ thì ông lại bực bội thêm: “Bà học đâu cái thói ngủ muộn thế, chồng đi khắp đông khắp tây về rồi mà vẫn chưa chịu dậy?”. “Tôi thấy chóng mặt quá, không dậy nổi, ông chịu khó cắm ấm nước rồi pha trà uống. Tôi nằm lát nữa, nếu đỡ thì tôi dậy đi chợ sau”. Ông chẳng nhìn vợ lấy một cái, hậm hực ra ngoài cắm nước pha trà rồi đổi giọng vui vẻ khi tiếng mấy ông bạn đánh cờ í ới ngoài cửa.
Như thường lệ, ông và mấy người bạn mải mê bên bàn cờ tướng đến tận trưa rồi mới giải tán. Bà nằm sốt ly bì trong nhà, ông cũng chẳng để tâm cho đến khi nhìn đồng hồ đến bữa trưa mà cơm vẫn chưa dọn lên bàn ăn thì ông mới nhớ đến vợ. “Cơm cháo thế nào rồi mà giờ này vẫn chưa có à?”, ông lớn tiếng gọi.
Không thấy vợ trả lời, ông gọi thêm lần nữa rồi mới đứng lên vào phòng tìm bà. Thấy bà vẫn nằm trên giường, ông lớn tiếng: “Bà ốm đau thế nào mà không dậy nổi cơm nước thế, không muốn lo cho chồng, nghe lời đứa con gái thì nói trước để tôi còn tính”. Bà đang sốt, mệt nên chẳng muốn đôi co với ông: “Hôm nay, tôi mệt thật mà. Ông ra đầu ngõ, ăn tạm cơm bình dân, tiện mua về cho tôi bát cháo, tôi ăn còn uống thuốc”.
Ông nghĩ, bà đang “làm trò” với mình nên chẳng thèm nói nữa, ra đầu ngõ ăn cơm bụi, rồi tiếp tục tán gẫu với mấy anh xe ôm đầu ngõ. Bà nằm nhà, chờ ông mang cháo về ăn mà mãi vẫn không thấy, liền gọi cho bà bạn hàng xóm, nhờ mua hộ bát cháo. Bà bạn mua cháo đến, thấy bà sốt quá liền gọi ông về đưa đến bệnh viện khám xem thế nào. Bấy giờ, ông mới tin là bà bị ốm thật. Bác sĩ chẩn đoán bệnh của bà phải nằm viện để theo dõi. Từ trước đến giờ, bà ít khi bệnh đến nỗi phải nằm viện điều trị. Có ốm đau gì thì đến khám rồi lấy thuốc về nhà uống, lần này bà mới phải nằm lại bệnh viện. Bà bạn phần nào hiểu được hoàn cảnh của bạn mình góp ý: “Thôi nhân thể, bà cứ nằm lại đây cho bác sĩ theo dõi. Nếu có bệnh thì chữa, nếu bệnh không nặng thì cứ xin điều trị “an dưỡng” hết thời gian bảo hiểm rồi về. Cứ xem là cơ hội để nghỉ ngơi”.
Bà bạn gọi điện cho con gái bà báo tình hình. Lâu nay, bà được nó bí mật nhờ làm “tay trong” cho nó, thông báo tình hình của mẹ mỗi khi có sự cố gì. Con gái bà nghe vậy liền liên lạc với bác sĩ để nắm tình hình bệnh tật của mẹ. Biết bệnh mẹ không có gì nguy hiểm nhưng do lao lực quá nên bị suy kiệt, cô nhờ bác sĩ cho mẹ mình nằm điều trị “an dưỡng” tầm chục ngày. Tiền điều trị, cô sẽ thanh toán. Tuy nhiên, khi nói với bà và người nhà ngoài đó thì cứ bảo là bệnh nặng cần nằm viện điều trị. Cô muốn nhân thể này, mẹ cô xác định tương lai cuộc sống già của mình luôn.

Quả nhiên, việc bà nằm viện chưa biết ngày nào xuất viện đã khiến ông và vợ chồng con trai bấn loạn. Bởi xưa nay trong nhà, một tay bà quán xuyến, chăm sóc mọi người, từ chồng ốm, con ốm rồi cháu ốm, chứ chưa một ai chăm sóc bà ốm bao giờ. Bây giờ, vắng sự quán xuyến của bà hàng ngày đã là việc lớn rồi, còn phải phân công nhau chăm sóc bà trong bệnh viện. Con dâu bà lấy cớ bận lo hai đứa con nhỏ nên không thể nào chăm sóc mẹ chồng được. Chỉ còn lại ông và con trai, ngày thứ nhất, con trai bảo bố bây giờ về hưu rồi, rảnh rỗi nên vào viện chăm bà. Buổi tối, nó sẽ vào thay cho ông về nhà ngủ.
Tưởng việc đã rõ ràng nhưng cả ông và nó chỉ làm được đến ngày thứ hai thì chẳng ai trụ được nữa. Nó bàn với ông bảo thuê “osin bệnh viện” chăm bà, chứ nó bận công việc ở cơ quan, đêm thức trong viện thì ngày không còn sức để làm việc. Ông cũng bảo đang bị bệnh huyết áp, ngày nào cũng phục vụ vợ thì sức khỏe không đảm bảo, ốm ra đấy không có ai chăm nữa thì khổ hơn. Vậy là ông và vợ chồng con trai nhất trí thuê người chăm sóc bà.
Thời gian nằm viện, bà cứ ngỡ, chồng, con chẳng có công chăm mình được ngày nào thì cũng có tình cảm bù lại. Ai ngờ, tình cảm đó cũng hời hợt hơn cả người dưng là cô giúp việc. Có ngày, ông vào viện để đưa tiền cho cô giúp việc mua cơm, cháo cho bà ăn, có ngày ông lấy cớ mệt ở nhà. Con trai thì khoán trắng cho giúp việc, hai, ba ngày mới đáo qua xem tình hình mẹ thế nào rồi bặt tăm bặt tích. Chỉ có cô con gái là thường xuyên gọi điện ngày mấy lần. Đêm, nó còn thủ thỉ bảo mẹ nhanh khỏe rồi nó về đón bà ra phố ở cùng nó. Trước đây, bà còn chần chừ, nhưng giờ bà đồng ý với nó việc đó.
Bà lấy ông tính đến nay hơn 40 năm, chừng đó năm, bà sống hy sinh hết mình cho người chồng gia trưởng độc đoán, luôn xem mình là nhất trong nhà, còn vợ chỉ có nghĩa vụ phục vụ, không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì. Ông công tác, cuối tháng đưa về một khoản lương cố định, khoán cho bà lo toan tất cả mọi việc trong gia đình, không cần biết thiểu đủ thế nào. Bà một tay chăm sóc con cái, phục vụ chồng, một tay bươn chải buôn bán kiếm thêm thu nhập. Bao năm qua, nhờ sự tảo tần đó của bà mà gia đình mới ấm êm. Nhưng trong mắt chồng bà, sau này là đứa con trai là bản sao của ông từ tính cách đến ngoại hình, thì bà là người phụ nữ “ăn bám chồng”.
Thói gia trưởng, vô tâm của bố và anh trai đã khiến đứa con gái của bà có tâm thế phản kháng từ nhỏ đến lớn. Tốt nghiệp lớp 12 xong, chồng bà không cho nó học đại học mà bắt ở nhà kiếm việc làm rồi lấy chồng, ông chỉ đầu tư cho con trai học cao để sau này còn gánh vác gia đình. Con gái bà không nghe, bèn đi ra phố vừa đi làm vừa kiếm tiền để học lên đại học. Nó năng động nên 4 năm học đại học, bà cho nó đồng nào thì cho còn lại nó tự đi làm trang trải thêm.
Ra trường, nó có công việc ổn định, bấy giờ, nó toàn về nhà khuyên mẹ “ly hôn bố” rồi ra sống với nó. Nó bảo không muốn mẹ sống khổ cả đời với người chồng vô tâm độc đoán đó nữa. Nhưng mấy chục năm chịu đựng quen rồi, bà chẳng muốn phá vỡ gia đình mà mình dày công vun đắp.
Có lần, chứng kiến cảnh bố đối xử với mẹ không ra gì mà anh trai còn vào hùa với bố, chỉ trích lại mẹ, con gái bà công khai bảo bà ly hôn chồng trước mặt bố. Lần đó, nó bị ông đuổi đánh ra khỏi nhà, còn bảo bà ly hôn thì xách đúng valy quần áo ra đi tay trắng, vì cái nhà này là của bố mẹ ông để lại cho ông, xem bà sống thế nào với cảnh không nhà không cửa đó.
Lần này ra viện, thay vì về nhà, bà nghe lời con gái ra phố sống cùng nó một thời gian. Ông biết tin thì ngỡ ngàng, nhưng vẫn độc đoán cho rằng “bà ấy đi đâu rồi cũng phải về nhà này phục vụ chồng”. Còn bà, chưa muốn ký vào lá đơn ly hôn vội nhưng từ nay, bà sẽ dũng cảm thoát khỏi sự cam chịu của chính bản thân. Ít ra, bà cũng nên học con gái mình, biết đứng lên tìm cách thoát ra khỏi những bất hạnh, bất công đè nặng lên cuộc sống của mình lâu nay.