Mẹ là đôi mắt và nếp nhà của tôi

Vũ Thị Hải Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đã gần 1 giờ sáng, tôi khẽ lần mò những chấm nổi bằng đôi bàn tay đọc lại những công thức toán học chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp. Một lúc lâu sau, cơn buồn ngủ ập tới. Trong sự vô định ấy, tôi thấy mình như được trở về thời thơ bé bên nếp nhà thân thương và bên người mẹ yêu dấu.

Mẹ là đôi mắt và nếp nhà của tôi - ảnh 1
Mẹ đã xây nếp nhà bằng tình yêu thương và giúp tôi bù đắp khuyết thiếu. Ảnh: NVCC

Tôi sinh ra vốn chẳng được như những đứa trẻ khác. Nếu tuổi thơ của những người bạn cùng trang lứa với tôi là được chạy nhảy, nô đùa, được nhìn ngắm vạn vật xung quanh thì tuổi thơ của tôi là một màn đêm đen không ánh sáng. Tôi chợt nhận ra điều đó sau hôm đi học mẫu giáo đầu tiên. Tôi vẫn nhớ, chiều hôm ấy, khi kết thúc ngày đi học đầu tiên, ngồi sau xe đạp của mẹ tôi cứ hồn nhiên vô tư hỏi mẹ rằng ngày mai tôi có được đi học nữa không? Tôi cứ hỏi còn mẹ chỉ im lặng không nói gì cả. Buổi tối hôm ấy, tôi nghe thấy bố mẹ nói chuyện với nhau. Tôi nhớ mãi cái giây phút ấy, mẹ vừa khóc vừa nói với bố: “Cô giáo bảo con không nhìn thấy thế này thì nhà trường không tiếp nhận, và các ngôi trường khác cũng thế thôi...”. 

Trong bóng tối của màn đêm hôm đó, nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi không sao kìm nén được. Từ khi nào chẳng biết, trong trí óc non dại của tôi dần hình thành một vết thương lớn. Nó làm tôi sống không còn được hồn nhiên như trước nữa. Sau ngày đi học đầu tiên bị từ chối đó, tôi luôn tự đặt ra câu hỏi: “Tôi là ai? Vì sao tôi lại có mặt trên cuộc đời này?”, “Liệu, tôi có thể trốn đi một nơi nào đó thật xa để không phải sống với sự tù túng trong bốn bức tường này hay không?”.

 Khi tôi nhận thức được những bất tiện mà sự khuyết tật gây ra cho tôi thì cũng là khoảnh khắc tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có thể sống bình thường như các bạn cùng trang lứa. Bóng tối ùa lấy tâm chí, bao phủ tâm hồn trẻ thơ non dại của tôi. Đã có lúc, tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vọng.

Nhưng trong sự tuyệt vọng và chán nản đến tận cùng ấy, có một nguồn ánh sáng thật kì diệu bền bỉ qua thời gian đã âm thầm sáng lên trong nếp nhà của tôi. Đó là tình mẹ. 

Suốt nhiều năm liền, mẹ không hề nguôi hy vọng tìm ánh sáng cho tôi. Ngày ấy, gia đình tôi sống ở một con ngõ nhỏ, bố tôi là phụ xe đường dài còn mẹ tôi đã hy sinh công việc để ở nhà chăm sóc cho tôi. Nuôi dạy một đứa trẻ khiếm thị vốn là một việc không hề dễ dàng đối với mẹ. Bởi khi ấy, như tôi đã chia sẻ, sự tuyệt vọng vào cuộc sống xung quanh đã đem lại cho tuổi thơ của tôi những vết xước khó lành. Chính vì thế, tôi thường hay cáu gắt và khó chịu với tất cả mọi thứ xung quanh. Chịu đựng tất cả những cảm xúc tiêu cực của tôi khi đó chính là mẹ.

Mẹ, người đã hướng dẫn tôi những kỹ năng sống đầu tiên, từ việc cầm thìa ăn như thế nào đến việc phải cắm cơm, gấp quần áo ra sao... Không chỉ thế, mẹ còn là người đã đi học chữ Braille một loại chữ nổi giúp cho người khiếm thị có thể đọc và viết được để về dạy cho tôi. Với chiếc đài radio nhỏ làm bạn suốt bao ngày tháng, khi biết đọc, biết viết bằng chữ nổi, ước mơ trở thành một biên tập viên bắt đầu nhen nhóm trong tôi.

 Nhưng đó có lẽ sẽ mãi mãi chỉ là một ước mơ viển vông không bao giờ thành hiện thực với một đứa trẻ khiếm thị. Cho tới khi một cánh cửa mới được mẹ tôi tìm ra. Đó chính là vào năm 2013, mẹ đã bằng mọi cách xin cho tôi được đi học tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội. Chính nơi đây, ước mơ của tôi dần được thắp sáng.

 Vào tháng 9/2013, mẹ con tôi xách vali hơn 100km đến với ngôi trường trên con  phố  nhỏ Lạc Trung của Thủ đô Hà Nội. Trải qua những ngày tháng đầu tiên nơi xa lạ cùng tôi chính là mẹ. Hơn hai tuần ở ngôi trường mới, mẹ đã nắm tay tôi đi qua những khó khăn ban đầu để từ đó, ước mơ của tôi được nuôi lớn và chắp cánh bay cao hơn.

Không muốn phụ công mẹ hy sinh bao tháng ngày, tôi đã cố gắng học tập và tham gia nhiều hoạt động. Trên mỗi bước đường tôi đi, mẹ luôn hiện hữu trong tâm trí và trái tim tôi. Năm 2019, với lá thư viết cho mẹ, tôi đã đạt giải đặc biệt cuộc thi viết thư Quốc Tế UPU do Liên minh bưu chính quốc tế tổ chức. Năm 2020, với chủ đề “Gia đình Đọc sách - Gắn kết yêu thương”, một cuộc thi do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tôi đã đạt giải Ba. Và cũng trong năm đó, tôi trở thành một trong những học sinh tiêu biểu của Thủ đô được tuyên dương, nhận Giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố. Năm 2022 vừa qua với những dự án cống hiến cho cộng đồng, tôi được vinh danh là thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc.

Với những gì tôi có được ở ngày hôm nay chính là nhờ mồ hôi, nước mắt là sự nhọc nhằn hy sinh bao tháng ngày của mẹ... Mỗi khi đi xa, dù cuộc sống có vất vả, trắc trở, tôi luôn nhớ về nếp nhà xưa, ngôi nhà của tôi tuy bé nhỏ, cũ kĩ nhưng đã ấp ôm tôi, chở che tôi suốt bao tháng ngày. Hơn thế, nơi ấy có tình mẹ ấm áp qua thời gian để chắp cánh cho tương lai tôi hôm nay và mai sau.

Qua bao năm tháng nhọc nhằn, vất vả hy sinh giờ đây sức khỏe của mẹ tôi đã yếu đi rất nhiều. Tuy vậy lúc nào gặp tôi mẹ cũng cười, có người hỏi mẹ tôi rằng: “Sao cuộc sống vất vả thế mà lúc nào cũng thấy mẹ tôi cười?”. Mẹ tôi đáp lại: “Chính vì cuộc sống đã quá khó khăn vất vả rồi thì hãy cười lên cho quên đi hết những mệt mỏi, phiền muộn”. Những năng lượng tích cực đó của mẹ đã truyền sang tôi để tôi luôn vững vàng, mỉm cười vượt qua mọi khó khăn, thách thức của cuộc sống.
Trước ngưỡng cửa đại học còn nhiều âu lo nhưng ở phía sau tôi có nếp nhà mãi mãi là điểm tựa vững chãi, là nơi tôi cảm thấy được chở che và bao bọc. Nếp nhà của mẹ tôi cũng giúp tôi bù đắp mọi sự khuyết thiếu.

“Nếp nhà”, hai tiếng thân thương, ấm áp mang bao chất chứa yêu thương sẽ theo tôi trên mọi chặng đường để chắp cánh cho ước mơ trở thành một biên tập viên, chuyên chở những yêu thương, lan tỏa điều tích cực đến với cộng đồng xã hội. 
Và đó cũng là lý do, tôi tham gia cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” trên Báo Phụ nữ Thủ đô năm 2023 với chủ đề “Xây chắc nếp nhà”. Qua cuộc thi, tôi muốn gửi đi thông điệp, mỗi nếp nhà sẽ luôn chắc chắn nếu được xây trên nền tảng của yêu thương.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.