Mẹ vợ thích can thiệp vào cuộc sống của vợ chồng con

Chia sẻ

Mẹ vợ thích can thiệp  vào cuộc sống của vợ chồng con - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Vợ chồng tôi chung sống với nhau đến nay đã gần 5 năm, chuẩn bị có con thứ hai. Cuộc sống của chúng tôi sẽ hạnh phúc nếu như không có sự can thiệp của mẹ vợ. Nhà tôi và nhà vợ gần nhau nên mẹ vợ tôi vẫn thường xuyên sang chơi. Hiềm một nỗi mẹ vợ hay thích tham gia vào cuộc sống riêng của vợ chồng tôi. Ban đầu, tôi cố gắng nhẫn nhịn để mối quan hệ mẹ vợ, con rể được tốt đẹp. Nhưng dần dần, bà can thiệp thái quá khiến tôi nhiều lần phải có ý kiến với vợ. Tuy nhiên, lần nào nói tới vấn đề này là vợ chồng tôi lại cãi nhau, rồi mẹ vợ đón luôn vợ con tôi về bên đó. Bà tuyên bố nếu tôi không sống "tử tế" thì bà chỉ cần con gái và cháu chứ không cần con rể. Những lần đón vợ con tôi về bên ấy, mẹ vợ cấm cửa không cho tôi đến đón vợ con về.

Vì chuyện mẹ vợ không cần con rể mà không ít lần vợ chồng tôi giận dỗi nhau cả tháng không thể làm lành. Cũng may, vợ tôi lúc giận lên thì nghe mẹ tuyệt đối nhưng khi bình tĩnh lại cô ấy cũng nhận ra mình còn "cần chồng" nên lại đưa con quay về. Tuy nhiên để cô ấy bình tĩnh lại được bên cạnh sự xúi giục, nói xấu con rể của mẹ vợ tôi cũng không phải nhanh chóng.

Chuyện này khiến tôi vô cùng mệt mỏi, không ít lần nghĩ đến chuyện ly hôn. Tôi sợ nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì chuyện ly hôn của chúng tôi sớm muộn gì cũng xảy ra. Làm thế nào để chúng tôi giải quyết được vấn đề này, mong Tâm Giao tư vấn giúp!

Dangan90@mail.com

Lâu nay, không ít bố mẹ chồng/bố mẹ vợ tự cho mình quyền can thiệp vào cuộc sống của con cái. Dù con cái sống chung hay sống riêng, họ vẫn muốn con sống theo ý mình. Đây là nguyên nhân khiến cho nhiều cặp vợ chồng bất hòa, tình cảm bị ảnh hưởng, thậm chí đổ vỡ hôn nhân. Trong vấn đề của bạn, mẹ vợ bạn đã sai khi có quan điểm "cần con gái và cháu chứ không cần con rể". Bà quên mất rằng, hạnh phúc của con gái và cháu bà không chỉ có tình cảm, sự chăm sóc của ông bà mà còn có tình cảm, vai trò của người chồng, người cha. Cuộc sống của bà có thể không cần con rể nhưng con gái của bà vẫn cần có chồng, các cháu bà vẫn rất cần cha. Bà cũng không được phép tước đi "quyền có chồng" và "quyền có cha" của con cháu mình, quyền được chung sống của vợ chồng, con cái bạn.

Thật may là vợ bạn vẫn nhận thức được rằng mình vẫn "cần chồng" và chủ động quay trở về nhà. Bạn hãy nói chuyện nghiêm túc với vợ, để giữ hạnh phúc gia đình, cô ấy cần phải thoát ra khỏi sự chi phối của mẹ mình. Mỗi lần vợ chồng mâu thuẫn, cô ấy không được nghe mẹ đưa con về bên nhà ngoại. Những vấn đề của hai vợ chồng thì hãy cùng nhau giải quyết không để mẹ vợ can thiệp. Nếu mẹ vợ vẫn sang đón vợ con bạn về, bạn có thể dùng "quyền" của người chồng không để bà làm việc đó. Bạn cũng có thể nói chuyện với bố vợ để ông khuyên giải thêm. Nếu tiếng nói trong phạm vi gia đình không có hiệu quả, bạn có thể nhờ các tổ chức đoàn thể trong tổ dân phố, khu dân cư để góp ý, khuyên giải mẹ vợ và vợ bạn. Hi vọng, trước sự góp ý của gia đình và cộng đồng, mẹ vợ bạn sẽ nhận ra sai lầm của mình để hạnh phúc của con cái ổn định.

Tâm Giao

Tin cùng chuyên mục

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.
Người vun vén hạnh phúc gia đình

Người vun vén hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Suốt 20 năm qua, bà Hoàng Thanh Mai (SN 1949, tổ trưởng tổ hòa giải số 19, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đã dốc hết lòng cho công tác hoà giải cơ sở, giúp xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện.