Miếng vá của mẹ

Chia sẻ

“Bọn trẻ bây giờ đến lạ, lại thích mặc quần rách, áo vá trở lại như ngày xưa”. “Không đâu, cha ơi, áo quần vá bây giờ theo “nghệ thuật” chứ có phải vá giống ngày xưa đâu”.

Miếng vá của mẹ - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Tiếng chồng con tranh cãi khiến chị bồi hồi nhớ lại cảnh vá áo của mẹ mình thời xưa. Thời mà những người mẹ bất đắc dĩ trở thành “thợ may, thợ vá”, để lũ con có manh áo lành mặc.

“Khéo vá vai, tài vá nách”, là câu nói quen thuộc mà chị vẫn thường nghe từ bà nội, bà ngoại và mẹ. Những người phụ nữ thời xưa trong gia đình gồng gánh với bảy, tám người con trong khi chồng ra trận chiến đấu. Con đông, nhà nghèo, xã hội khó khăn, manh áo vá chẳng ai nỡ kỳ thị vì nhìn đâu xung quanh cùng đều áo vá, quần chắp. Áo đẹp, áo mới may ra những ngày tết mới được diện, còn lại quanh năm “chung thủy” với manh áo vá của mẹ, của bà.

Hộp kim chỉ có lẽ là vật không thể thiếu trong cuộc sống của những người phụ nữ xưa. Những đêm hè hanh hao, hay đêm đông gió buốt, bên ngọn đèn dầu hiu hắt, bóng mẹ, bóng bà đổ dài trên vách tường đất, tỉ mẩn vá áo quần cho con, cháu. Quần áo của đứa lớn mặc chật chuyển lại cho đứa bé, rách chỗ nào vá chỗ ấy. Có những bộ quần áo miếng vá mới chồng miếng vá cũ, còn gọi là vá chằng vá đụp. Phụ nữ khéo tay thì tạo nên những miếng vá đẹp mắt, đường chỉ được ẩn giấu khéo léo. Phụ nữ vụng về thì miếng vá thô, dúm dó, đường kim mũi chỉ không đều. Ra đường nhìn vài miếng vá trên bộ quần áo, người ta biết được người đàn bà khéo tay hay vụng về.

Chị là con út trong nhà nên toàn mặc lại đồ của mọi người, những miếng vá của mẹ trên những chiếc áo chị mặc nhiều hơn là những chiếc áo của anh chị lớn. Mẹ luôn cố gắng vá thật khéo để nó vẫn lành lặn. Cứ thế, những miếng vá của mẹ theo chị hết những năm tháng tuổi thơ khốn khó nhưng đầy yêu thương.

Thời nay, chị làm mẹ không còn cảnh ngồi vá áo cho con. Thời trang của bọn trẻ bây giờ lại “thích” mặc rách, mặc vá. Nhưng những miếng vá ấy được tạo nên bởi những đường may công nghiệp, là thứ thời trang nghệ thuật của thời hiện đại. Thỉnh thoảng giặt quần áo cho con, chạm vào những miếng vá tân thời, lòng chị bất chợt thảng thốt nhớ những miếng vá của mẹ ngày xưa. Đã qua rồi cái thời mặc áo vá nhưng sao trong ký ức những miếng vá cứ vấn vương cả cuộc đời.

Người đàn bà đã có tuổi như chị, giờ đây thỉnh thoảng lại lần tìm đường kim mũi chỉ khâu lại cho con những chiếc quần tuột khuy, áo mất cúc, miệng lẩm nhẩm lời bài hát của vị nhạc sĩ nọ: “Cho tôi lại ngày nào/Trăng lên bằng ngọn cau/Me tôi ngồi khâu áo, bên cây đèn dầu hao/Cha tôi ngồi xem báo, phố xá vắng hiu hiu...”.

THANH TÂN

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.