Miếng vá của mẹ

Chia sẻ

“Bọn trẻ bây giờ đến lạ, lại thích mặc quần rách, áo vá trở lại như ngày xưa”. “Không đâu, cha ơi, áo quần vá bây giờ theo “nghệ thuật” chứ có phải vá giống ngày xưa đâu”.

Miếng vá của mẹ - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Tiếng chồng con tranh cãi khiến chị bồi hồi nhớ lại cảnh vá áo của mẹ mình thời xưa. Thời mà những người mẹ bất đắc dĩ trở thành “thợ may, thợ vá”, để lũ con có manh áo lành mặc.

“Khéo vá vai, tài vá nách”, là câu nói quen thuộc mà chị vẫn thường nghe từ bà nội, bà ngoại và mẹ. Những người phụ nữ thời xưa trong gia đình gồng gánh với bảy, tám người con trong khi chồng ra trận chiến đấu. Con đông, nhà nghèo, xã hội khó khăn, manh áo vá chẳng ai nỡ kỳ thị vì nhìn đâu xung quanh cùng đều áo vá, quần chắp. Áo đẹp, áo mới may ra những ngày tết mới được diện, còn lại quanh năm “chung thủy” với manh áo vá của mẹ, của bà.

Hộp kim chỉ có lẽ là vật không thể thiếu trong cuộc sống của những người phụ nữ xưa. Những đêm hè hanh hao, hay đêm đông gió buốt, bên ngọn đèn dầu hiu hắt, bóng mẹ, bóng bà đổ dài trên vách tường đất, tỉ mẩn vá áo quần cho con, cháu. Quần áo của đứa lớn mặc chật chuyển lại cho đứa bé, rách chỗ nào vá chỗ ấy. Có những bộ quần áo miếng vá mới chồng miếng vá cũ, còn gọi là vá chằng vá đụp. Phụ nữ khéo tay thì tạo nên những miếng vá đẹp mắt, đường chỉ được ẩn giấu khéo léo. Phụ nữ vụng về thì miếng vá thô, dúm dó, đường kim mũi chỉ không đều. Ra đường nhìn vài miếng vá trên bộ quần áo, người ta biết được người đàn bà khéo tay hay vụng về.

Chị là con út trong nhà nên toàn mặc lại đồ của mọi người, những miếng vá của mẹ trên những chiếc áo chị mặc nhiều hơn là những chiếc áo của anh chị lớn. Mẹ luôn cố gắng vá thật khéo để nó vẫn lành lặn. Cứ thế, những miếng vá của mẹ theo chị hết những năm tháng tuổi thơ khốn khó nhưng đầy yêu thương.

Thời nay, chị làm mẹ không còn cảnh ngồi vá áo cho con. Thời trang của bọn trẻ bây giờ lại “thích” mặc rách, mặc vá. Nhưng những miếng vá ấy được tạo nên bởi những đường may công nghiệp, là thứ thời trang nghệ thuật của thời hiện đại. Thỉnh thoảng giặt quần áo cho con, chạm vào những miếng vá tân thời, lòng chị bất chợt thảng thốt nhớ những miếng vá của mẹ ngày xưa. Đã qua rồi cái thời mặc áo vá nhưng sao trong ký ức những miếng vá cứ vấn vương cả cuộc đời.

Người đàn bà đã có tuổi như chị, giờ đây thỉnh thoảng lại lần tìm đường kim mũi chỉ khâu lại cho con những chiếc quần tuột khuy, áo mất cúc, miệng lẩm nhẩm lời bài hát của vị nhạc sĩ nọ: “Cho tôi lại ngày nào/Trăng lên bằng ngọn cau/Me tôi ngồi khâu áo, bên cây đèn dầu hao/Cha tôi ngồi xem báo, phố xá vắng hiu hiu...”.

THANH TÂN

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.