Món quà 8/3 bất ngờ từ phương xa

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thực sự có trong mơ chị Ngần cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ nhận được món quà 8/3 đầy bất ngờ từ người chồng khô khan, thiếu lãng mạn đang làm việc ở tận trong Bình Dương.

Trời nhá nhem tối, chị Ngần ở ngoài ruộng hoa màu vun luống khoai về thì chị hàng xóm véo von ngoài cổng: “Hôm nay nghỉ không đi dạy mà vắng nhà cả chiều thế? Bưu điện xã họ vào không thấy ai ở nhà nên gửi bưu phẩm bên nhà chị đây này. Không biết cái gì mà thấy to lắm”. Chị Ngần cũng bất ngờ vì không biết ai gửi cho mình, mà từ trước đến nay chị đã nhận đồ như thế này bao giờ đâu. Nhưng mà nhìn tên, địa chỉ và số điện thoại thì đúng là chị rồi.

Chị Ngần vội vàng rửa chân tay đang còn lem luốc rồi vào nhà. Bé Nga con gái chị đang nấu cơm trong bếp chạy ra cũng rất ngạc nhiên. Con bé liên tục giục: “Mẹ, mẹ mở ra đi xem xem ai gửi, là cái gì đấy ạ”. Bé Bon đang xem tivi cũng hào hứng: “Mẹ, mẹ bóc nhanh lên”.

Nhanh chóng, ba mẹ con mở hộp quà được gói giấy rất đẹp đẽ ra, bên trong là một bộ mỹ phẩm, chiếc đồng hồ xinh xinh màu hồng và một bộ lego. Cùng với đó là tấm thiệp chúc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Nhìn nét chữ chị Ngần nhận ra là chồng mình - anh Toán.

Món quà 8/3 bất ngờ từ phương xa - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nét chữ hơi nguệch ngoạc trên tấm thiệp ghi: “Bố có món quà chúc mừng ngày 8/3 tặng hai mẹ con và bộ lego cho bé Bon. Bố cũng không biết mấy ngày thì đến nơi nên gửi sớm để mẹ con có thể nhận được quà trước ngày 8/3. Chúc ba mẹ con ở nhà luôn mạnh khoẻ, vui vẻ, hè vào chơi với bố nha”.

Hai đứa nhỏ reo lên sung sướng vì món quà của bố, còn chị Ngần thì thấy bất ngờ xen lẫn xúc động. Đây là lần đầu tiên chị nhận được quà 8/3 của chồng, mà là món quà gửi từ phương xa gửi về nữa. Ngày mới cưới, anh cũng có tặng hoa nhưng chị lại nói: “Những ngày này anh không cần cầu kỳ đâu, chỉ chúc vợ là được rồi, chứ mua hoa tốn kém lắm. Hoa thì đắt mà chơi được vài ngày là bỏ phí”. Thế là từ đó, cứ đến ngày lễ anh Toán lại mua món ngon gì đó về nấu cho cả nhà ăn và chị cũng thấy vui vẻ và hạnh phúc về điều đó.

Nhưng từ ngày anh Toán đi làm trong miền Nam thì những ngày lễ cũng lặng lẽ trôi qua như bao ngày bình thường. Có ngày anh nhắn tin, gọi điện chúc mừng, có ngày anh quên thì chị cũng chẳng bao giờ nghĩ ngợi. Bởi chị Ngần hiểu tính chồng mình, anh khô khan, ít nói, lại không lãng mạn thể hiện tình cảm.

Tuy nhiên, anh là một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, yêu thương vợ con và hành động nhiều hơn lời nói. Cho dù kinh tế gia đình lúc nào cũng chật vật, phải tính toán chi ly mới đủ ăn tiêu nhưng chị Ngần cảm thấy may mắn và hạnh phúc.

Món quà 8/3 bất ngờ từ phương xa - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chị Ngần làm giáo viên mầm non với mức lương ba cọc ba đồng, ngoài giờ dạy và những ngày cuối tuần chị chịu khó trồng thêm rau, hoa màu để nhà ăn và nhờ mẹ chồng đi bán ngoài chợ mỗi khi đến lứa thu hoạch. Còn anh Toán trước đây làm công nhân giày da ở huyện, nhưng kể từ ngày dịch họ cắt giảm nhân viên nên anh không có việc làm. Mọi khoản trong gia đình từ tiền ăn uống, chi tiêu đến học hành cho hai con chật vật xoay quanh khoản lương của chị khiến lòng anh nóng như lửa đốt.

Tìm việc ở nhà khó lại không ổn định, nên anh Toán quyết tâm vào Bình Dương chỗ cô em gái đang sinh sống để xin việc. Ngày anh quyết định đi, chị Ngần cũng không hoàn toàn ủng hộ, chị sợ anh vào đó mọi thứ đều lạ lẫm lại xa vợ con, thiếu thốn tình cảm.

Nhưng rồi cô em gái chồng gọi điện về nhắn nhủ: “Chị cứ yên tâm, anh vào đây ở với nhà em, sáng đi làm, tối về ăn ngủ thoải mái. Em xin việc cho anh vào công ty em đang làm, chế độ tốt, nếu tăng ca thì thu nhập cũng khá lắm. Bây giờ kinh tế khó khăn, chịu khó đi xa chút vậy, làm được vài năm có chút vốn thì anh về mở cái cửa hàng tạp hóa. Nhà chị ở mặt đường em thấy buôn bán được đấy, giờ dân đông hơn nên nhu cầu cũng cao!”.

Nghe em chồng nói, chị Ngần cũng xuôi xuôi và đến nay chồng chị đi làm xa cũng được hơn hai năm rồi.

Anh Toán tu chí làm ăn, chịu khó tăng ca nên mức thu nhập hàng tháng cũng gần 15 triệu. Ngoài tiền ăn đóng góp cho em gái, anh không chi tiêu gì cho bản thân mà gửi hết về cho vợ con ở quê. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình cũng thoải mái hơn trước rất nhiều. Có tiền dư dả, chị Ngần mua sắm mới đồ gia dụng trong nhà, còn bao nhiêu thì gửi tiết kiệm.

Món quà 8/3 bất ngờ từ phương xa - ảnh 3
Ảnh minh họa

Thế nhưng, dạo gần đây, chị Ngần đang giận chồng. Chỉ vì Tết vừa rồi anh quyết định ở lại làm tăng ca, không về nhà thăm bố mẹ, vợ con sau một năm trời. Anh nói với chị: “Năm nay nhà cái Hoa cũng không về quê ăn Tết nên anh đang tính ở lại đăng ký làm tăng ca. Lương ngày Tết gấp 3 lần ngày thường đấy, mà vé tàu vừa khó mua, vừa đắt nữa. Khoản tiền làm thêm này anh dành dụm để hè này ba mẹ con vào đây chơi. Lúc ấy anh sẽ nghỉ phép để dẫn vợ con đi du lịch luôn”.

Nghe anh thuyết phục chị cũng thấy là một kế hoạch hay. Tuy vậy, chị vẫn không vui và giận dỗi anh một chút. Mỗi tối anh có gọi điện về thì chị cũng nói chuyện qua loa rồi lại đưa cho hai đứa con tám chuyện với bố.

Có lẽ, chồng chị Ngần biết vợ đang giận nên mới nghĩ ra cách tặng quà 8/3 bất ngờ để làm hòa. Tối ấy khi anh gọi điện về, hai đứa nhỏ ríu rít cảm ơn món quà của bố, còn chị Ngần thì nói: “Anh tốn tiền mua mỹ phẩm làm gì, em có dùng đâu, mà đẹp thì cho ai ngắm”.

Phía đầu dây bên kia chồng chị cười cười rồi giãi bày: “Cái Hoa tư vấn cho anh đấy, chứ anh cũng có biết gì đâu. Vợ anh mà chịu khó chăm sóc da thì trẻ đẹp nhiều người phải ghen tỵ đấy. Đấy là món quà chuộc lỗi và quà 8/3 sớm, vợ vui vẻ nhận cho chồng yên tâm làm việc nhé”.

Nghe chồng nói thế, chị Ngần thấy chẳng còn giận chút nào nữa, nhưng vẫn nói: “Quà là quà, còn lỗi của anh thì để đó, xử lý sau”.

Cuộc điện thoại hơn 1 tiếng đã kết thúc, nhưng chị Ngần vẫn ngồi bên cuốn giáo án, dưới ánh đèn vàng ấm áp và mỉm cười hạnh phúc.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.