Một ngày cho mẹ…

Chia sẻ

ĐSGĐ-Nhà thơ Hồ Dzếnh từng có mấy câu thơ ca ngợi người phụ nữ Việt Nam. “Cô gái Việt Nam ơi/ Nếu chữ hy sinh có ở đời/ Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực/Cho lòng cô gái Việt Nam tươi...”

 
Quả là người phụ  nữ Việt Nam cả đời chỉ biết đến hai chữ hy sinh cho chồng, cho con, cho gia đình mà chẳng một phút đòi hỏi cho riêng mình. Trong quá trình tư vấn tâm lý, chúng tôi đã được tiếp chuyện với nhiều chị em phụ nữ. Đó là các bà, các mẹ, các người vợ… Câu chuyện của họ, phần nhiều cũng liên quan đến những trăn trở của họ về gia đình, đến chồng, đến con…
 
Tôi chơi thân với một gia đình nọ. Đầu năm mới, tôi mời gia đình người bạn đến văn phòng tư vấn tâm lý để… xông đất, mở hàng. (Gọi là mở hàng cho vui thôi chứ thực chất là bạn bè  hàn huyên, có gì thì chia sẻ với nhau). Người vợ đến trước, gặp tôi tay bắt mặt mừng. Khi tôi hỏi thăm, chị vui vẻ kể về tình hình gia đình mình. Rồi chị kể hôm rồi xem một gameshow truyền hình, khi MC cho các thành viên trong gia đình nọ viết ra giấy kể về đặc điểm, sở thích của nhau… thì mỗi người viết một phách. “Mình xem xong mà buồn cười quá. Ai lại vợ chồng, con cái sống cùng một nhà mà lại chẳng biết rõ về nhau gì cả”.
 
Một ngày cho mẹ…  - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Rồi chị khoe riêng chị thì không bao giờ quên được chồng mình, con mình. Chồng chị thích ăn rau bắp cải chấm với nước mắm dầm trứng. Mũi anh rất nhạy cảm, hễ nhà bụi hay thời tiết thay đổi chút thôi là thể nào cũng xụt xịt, hắt hơi ngay. Con trai đầu của chị khi sinh ra đã có một cái bớt đen trên lưng, đầu thì có hai xoáy… Cháu rất nhạy cảm với âm thanh nên ở nhà không bao giờ chị dám bật nhạc to… Con trai út lên 4  lại có thói quen đi ngủ phải ôm chú gấu bông. Nếu gia đình có đi chơi đâu xa, bao giờ chị cũng phải mang theo chú gấu bông ấy cho con.
 
Bao năm qua, bạn tôi đã đóng vai trò nội tướng của gia đình. Chị chăm chồng, nuôi con nên hình ảnh chồng con in đậm trong trái tim của chị. Một lát sau, chồng và hai con trai của chị tới. Tranh thủ lúc chị đi một vòng thăm văn phòng tâm lý, tôi liền bí mật làm một cuộc trắc nghiệm nho nhỏ. Tôi đố ngược xem chồng và con trai hiểu gì về người vợ, người mẹ, người phụ nữ duy nhất trong gia đình của mình. Tất thảy đều lúng túng. Người chồng không thể nhớ vợ mình lúc nãy ra khỏi nhà mặc chiếc áo gì. Người con trai đầu không biết sở thích, mơ ước của mẹ ra sao và người con trai út thì hồn  nhiên nói: Con chỉ biết là mẹ thích nhất 3 bố con con.
 
Tất nhiên là tôi không kể lại chuyện này với bạn. Bởi, đó chỉ là thí nghiệm vui của riêng tôi mà thôi. Cũng chẳng có gì  ngạc nhiên lắm. Bởi, đàn ông lâu nay, vẫn được gọi là vô tâm mà. Vô tâm khi chẳng thể để tâm nhớ nhiều hơn đến người phụ  nữ của mình. Vô tâm khi hồn nhiên nhận sự hy sinh của vợ, của mẹ. Và có khi họ còn dồn thêm lên đôi vai  vợ mình, mẹ mình gánh nặng lo toan.
 
Chị Nga-nhân viên văn phòng, một khách hàng khác của tôi từng kể: Trước cưới, chị là cô gái rất lãng mạn. Chị thích cắm hoa, thích ăn kem trong mùa đông, thích nghe nhạc nhìn mưa rơi ngoài cửa sổ. Nhưng, lấy chồng và làm mẹ, thì chị hóa thành người khác hẳn. Hơn 10  năm rồi, hình như chị chưa có thời gian nằm nghe hết một bản nhạc. Thậm chí, chị còn đứng ngoài tất cả những xu hướng thời trang, ca nhạc, điện ảnh đang diễn ra. Hết 8 tiếng đi làm là chị lao như điên ra đường, cắm đầu cắm cổ đi đón con rồi lại vội vã về nhà dọn dẹp, cơm  nước.
  
Chồng chị lúc đó, có thể vẫn đang rung đùi ngồi làm nốt công việc dang dở, hoặc cũng đã ra về đề “dạt” đến một quán bia  nơi đầu phố, chém gió với bạn bè. Cũng có thể anh đang hò reo tại một trận đá bóng. Khi trời đã tối mịt, con đã sạch sẽ, tinh tươm, việc nhà đã hoàn tất, anh mới trở về. Và ăn cơm, rồi buông bát, dịch chuyển ra phía có chiếc tivi và… vừa xem vừa ngủ. Chị Nga lại tiếp quản tất cả bãi chiến trường còn sót lại trong ngày. Đến tối mịt thì mọi việc không tên mới xong. Người thì mệt mỏi, đau nhức, còn đâu tâm trí mà… chị lãng mạn, ngắm trăng sao nữa.
 
Một ngày cho mẹ…  - ảnh 2
Ảnh minh họa
 
Chị Thảo-hội viên phụ  nữ thì tâm sự: Từ ngày “lên chức” vợ, chị đâm ra lạc hậu đủ bề. Chị thấy tiếc thời gian đi chơi trong khi các con đang chờ mẹ về. Chị tiếc cả tiền mua một bộ cánh đẹp chỉ vì với từng đó có thể mua thêm cho con hộp sữa bột. Chị cũng thấy mình thật ích kỷ khi dám thưởng cho mình một miếng gì đó ngon ngon (như thịt nạc, đùi gà…) trên mâm cơm thay vì gắp sang bát chồng con. Cứ thế, chồng chị thì ngày một đẹp lên, các con chị xinh ra, giỏi giang… Còn chị thì già hơn, xấu hơn, lập cập hơn.
 
Tôi cũng đã từng được tiếp chuyện một người bà sống ở khu Vạn Phúc, Hà Đông. Bà kể: Hiện đã có 2 cháu nội, 2 cháu ngoại. Cả 4 cháu ra đời, lớn lên đều do một tay bà chăm sóc. “Nói thì không phải. Người ta không có cháu thì mong có cháu. Đằng này,  mình có cháu lại ca cẩm, phàn  nàn. Nhưng, đúng là mệt lắm”. Bà bảo: ở tuổi 70 nhưng bà vẫn làm quần quật từ sáng tới tối. Sáng ra, các con dạy rồi… đi làm, để lại cháu cho bà tiếp quản. Mình bà cho cháu ăn, tắm cho cháu, cho cháu đi dạo. “Lắm lúc, chỉ  mong con về sớm để… trả cháu cho con vì người đau ê ẩm. Tối đến, đặt mình xuống nghĩ tới ngày mai lại chăm cháu mọn là oải”.
 
Hãy cho mẹ một ngày…
 
Cả đời vì con vì cháu như thế, nhưng bà cụ ở Vạn Phúc lại chưa vui vì… hình như không được các thành viên trong nhà ghi nhận. Đi thì chớ, về tới nhà là con chất vấn mẹ rằng cháu ăn được không, ngủ được không. Tháng nào cháu không tăng cân là con bóng gió: bà nuôi thế nào mà để cháu gầy. Hóa ra, tội lỗi lại do… bà cả.
 
Một nhà văn úc - khi đến Việt Nam, đã nói: Với người phụ nữ, bình đẳng và giải phóng-không phải là cái gì đó quá cao xa. Người phụ nữ cần được quan tâm, chia sẻ và được ghi nhận đóng góp trước hết của chính những người thân nhất bên cạnh mình.
 
Hai giới sinh ra đều có quyền bình đẳng. Và chẳng có lý gì khi chỉ có người phụ nữ là phải hy sinh mà không được phép đòi hỏi sự đền đáp. Hồi đó, trong khu tập thể này, đã có người nhìn bà Nhung như người phụ nữ từ “trên trời rơi xuống”. Bởi, thay vì trông cả một đàn cháu như các bà hàng xóm khác, bà Nhung tuyên bố: Bà chỉ chơi chứ… không thay mẹ chúng nuôi cháu. Bù lại, cả nhà từ ông đến các con đều phải cùng bà “vận hành” gia đình, cùng trông cháu, cùng nấu cơm, lau nhà...
 
Một ngày cho mẹ…  - ảnh 3
Ảnh minh họa
 
Nhờ đó, bà có thời gian tham sinh hoạt tổ hưu, câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ người cao tuổi. Hè đến, bà cũng đi nghỉ mát. Lương hưu, bà dành để tiêu vào những việc mình thích. Mấy bà bạn già lúc đầu ngạc nhiên, sau cũng phải thừa nhận: Bà làm vậy là đúng. Mình còn sống được mấy nỗi. Đến khi con không còn cần đến thì chân đã chậm, mắt đã mờ rồi…
 
Còn gia đình bác Thản thì việc nhà lại được phân chia thế này. Sáng bà nấu cơm, chiều đến phiên ông nội trợ. Bà Thản bảo với các con: Đời cua cua máy, đời cáy cáy mò. Bố  mẹ có thì đã cho các con cả. Bây giờ thì các con phải tự lo cho mình. Lương hưu hàng tháng, ông bà dành để chi tiêu cho bản thân, thích ăn gì thì ăn, thích mặc gì thì mặc. “Mình không phiền con nuôi là tốt rồi”-bà bảo.
 
Tôi cũng  nhớ câu chuyện của một khách hàng khác. Đến với văn phòng tâm lý, chị chỉ có ước mơ là được chồng khen một câu thôi. Chẳng là chị suốt ngày tất bật lo toan, ra khỏi nhà là lo hoàn tất công việc với xã hội, lo làm một  nhân viên tốt có năng lực. Về tới nhà là lo làm một người mẹ đảm đang, nội trợ giỏi, dạy con tài. Tối đến là lo làm một người vợ tâm lý của chồng. Đủ thứ lo khiến chị lúc nào cũng tất bật, rồi nhớ nhớ quên quên. Chồng chị thấy thế, chẳng thương vợ thì thôi, lại còn suốt ngày chê bôi vợ. Nào là em đoảng vị, có mỗi việc đơn giản ấy còn không hoàn thành.
 
Khi chồng ốm, chị ở bên thuốc thang chăm sóc, rồi cháo lão bón tận giường. Còn chị ốm thì chồng chị “tửng từng tưng” theo kiểu ốm xoàng có gì mà phải làm toáng lên. Chị thèm được chồng vỗ về, hỏi han mà không được. Cứ thế, ốm chán lại khỏe, khỏe lại phục vụ gia đình. Chồng chị thì coi việc chị phục vụ, hy sinh vì gia đình là chuyện thường ngày như  kiểu mặt trời mọc rồi mặt trời lặn vậy. “Tôi nào có cần vật chất gì đâu. Tôi chỉ cần được chồng con hiểu mình đã nỗ lực thế nào thôi mà”-chị nói.
 
Kể lại những câu chuyện trên, tôi không có ý là đấu tranh để rũ bỏ mọi trách  nhiệm làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ. Bởi, xét cho cùng, người phụ nữ sinh ra đã có sẵn bản năng “yêu chồng, nuôi con” rồi mà. Nhưng, chỉ mong rằng, qua đây những người chồng, người con trai…  hãy hiểu và đánh giá cao vai trò, sự  hy sinh của người phụ nữ.
 
    Thảo Nguyên

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.