Một thập kỷ lan tỏa các giá trị gia đình

Chia sẻ

Ngày 20/6/2020, báo Phụ nữ Thủ đô đã tổ chức thành công lễ trao giải cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ 10. Cuộc thi tiếp tục nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của độc giả cả nước, cả những cây viết chuyên và không chuyên.

Bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội trao giải Nhất cho tác giả Vương Ly tại lễ trao giải cuộc thi lần thứ 10 năm 2020Bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội trao giải Nhất cho tác giả Vương Ly tại lễ trao giải cuộc thi lần thứ 10 năm 2020.

Nối tiếp thành công 10 mùa giải, cuộc thi đã trở thành một “điểm hẹn” hàng năm để mọi người chia sẻ, góp thêm những giải pháp, kinh nghiệm xây dựng, bảo vệ mái ấm gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

Bà Lê Quỳnh Trang - TBT Báo PNTĐ (phải) và ông Khuất Văn Quý (trái) trao giải Nhì cho các tác giả đạt giải cuộc thi năm 2020Bà Lê Quỳnh Trang - TBT Báo PNTĐ (người hàng đầu bên phải) và ông Khuất Văn Quý (người đầu tiên bên trái) trao giải Nhì cho các tác giả tại cuộc thi lần thứ 10 - năm 2020.

Phó Chủ tịch Hội LHPN HN Phạm Thanh Hương (phải), Phó TBT Báo PNTĐ Lê Thị Hồng Minh (trái) trao giải Chuyên đề cho các tác giảPhó Chủ tịch Hội LHPN HN Phạm Thanh Hương (người thứ ba từ phải sang) và Phó TBT Báo PNTĐ Lê Thị Hồng Minh (người thứ hai từ trái sang) trao giải Chuyên đề cho các tác giả (Ảnh: Nguyễn Thực).

Phản ánh hiện thực cuộc sống

Cuộc thi được đông đảo bạn đọc trong cả nước nhiệt tình ủng hộ. Hàng ngàn bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước gửi về tham dự. Mỗi tác phẩm dự thi là một câu chuyện gia đình của chính bản thân tác giả, hoặc ghi lại từ câu chuyện của người thân, bạn bè, những người xung quanh. Bước sang năm thứ 2, thứ 3... cho tới năm thứ 10, cuộc thi vẫn có sức hút đối với độc giả đủ mọi lứa tuổi, thành phần tham gia. Họ có thể là những cây bút không chuyên cho đến những cây bút chuyên nghiệp, là các nhà văn, nhà báo.

Trong một thế giới đang đổi thay, qua lăng kính của các tác giả, sự biến động của gia đình cũng được biểu đạt với nhiều góc độ khác nhau.

Bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội:

Cuộc thi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” được Báo Phụ nữ Thủ đô kiên trì tổ chức 10 năm qua đã rất thành công. Cuộc thi có ý nghĩa tích cực không chỉ góp phần làm phong phú nội dung, gắn kết độc giả, nâng cao chất lượng của Báo mà còn có ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc; hướng tới vấn đề cả xã hội, đặc biệt là phụ nữ rất quan tâm, đó là vấn đề gia đình. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm là điều mà ai cũng mong muốn. Đây cũng chính là mục tiêu được xác định trong chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chính vì vậy rất cần có những diễn đàn để tuyên truyền, tôn vinh giá trị truyền thống của gia đình - tình cảm gia đình là yêu thương, sự gắn bó, quan tâm, chia sẻ, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo những nguy cơ đối với gia đình hiện nay, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Cuộc thi đóng góp tích cực đối với các cấp Hội trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc và Cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không - 3 sạch”, xây dựng nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Đó là vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình đang có sự thay đổi. Phụ nữ đang ngày có nhiều quyền lợi và tiếng nói trong gia đình. Giới trẻ đang có xu hướng kết hôn muộn khiến độ tuổi kết hôn có chiều hướng gia tăng. Sự thừa nhận của xã hội và pháp luật về tính đa dạng của các hình thái hôn nhân, gia đình (gia đình đơn thân, gia đình đồng tính, gia đình hạt nhân, gia đình truyền thống....) cũng khiến cho nhiều quy chuẩn trong gia đình truyền thống bị thay đổi.

Khi cuộc sống hiện đại mở cánh cửa bình đẳng, phụ nữ có cơ hội bước ra xã hội làm việc và thăng tiến bình đẳng với nam giới. Nhưng điều đó cũng đặt lên họ “gánh nặng kép” khi phải trở thành trụ cột kinh tế gia đình mà không nhận được sự chia sẻ từ chồng được phản ánh trong tác phẩm “Phụ nữ nào phải siêu nhân” của tác giả Trần Anh Thư, “Chồng thất thế, vợ lên ngôi” của tác giả Nguyễn Đài Thanh (cuộc thi năm 2016). Đó là trong cuộc sống thị trường, bận bịu mưu sinh, nhiều người đã vô tình quên đi nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái, phó mặc con cho người giúp việc. Những gia đình may mắn có bố mẹ ở cùng thì gần như “khoán trắng” cho ông bà, dẫn đến tình trạng ông bà kiêm vai cha mẹ, trong tác phẩm “Đừng để ông bà kiêm vai cha mẹ” của tác giả Diễm Nguyệt (năm 2016), “Đừng bắt mẹ phải hi sinh” của tác giả Phạm Thanh Hương (năm 2020)…

Sự mâu thuẫn giữa việc sống trong nếp nhà truyền thống hay sống theo mô hình hạt nhân thời hiện đại cũng là vấn đề được nhiều tác giả bàn đến. Bởi nó đang là vấn đề nan giải giữa thế hệ cha mẹ và con cái khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình trở nên mâu thuẫn, ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm của các thành viên, được phản ánh trong tác phẩm “Ở riêng” của tác giả Phan Thị Tâm (Năm 2019). Là nỗi buồn đau của các bậc bố mẹ già khi con cái đùn đẩy nhau trách nhiệm phụng dưỡng khiến cho cuộc sống của bố mẹ không còn “cậy con” mà phải “cậy trung tâm dưỡng lão” trong tác phẩm “Già cậy... trung tâm dưỡng lão” của tác giả Minh Nguyệt (năm 2019).

Nhiều nhân tố mới trong gia đình Việt Nam hiện nay được đề cập trong các bài viết ở cuộc thi lần thứ 8 năm 2018. Trong bài “Chúng mình hãy sống cho nhau đi” của tác giả Phạm Thanh Hương (Hà Nội) đề cập đến xu hướng người già biết buông tay, ít can thiệp vào cuộc sống của con cái đã trưởng thành, dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân sau những hy sinh cho con cháu. Bài “Tấm lòng của mẹ chồng” của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Châu (Long An) đề cập đến một “lứa mẹ chồng mới”, mẹ chồng trẻ, biết học hỏi, biết dùng điện thoại thông minh, chơi facebook, zalo, mở rộng giao lưu, không quá khắt khe với con dâu, coi con dâu như “cô bạn nhỏ”, một người bạn trên facebook, từ đó hạn chế những mâu thuẫn, xích mích, bất hoà không đáng có.

Những nét mới trong gia đình hiện nay còn thể hiện trong bài viết “Chồng nghỉ việc, chăm con cho vợ đi làm” của tác giả Phạm Thu Huyền (năm 2016), “Lấy chồng làm hậu phương” của Trần Hoàng Thiên Kim (năm 2020). Nếu người đàn ông nhận thức rằng nội trợ, chăm sóc con cái không phải là “việc nhỏ”, rằng người đàn ông cũng có thể làm, nên đã chủ động chọn cách “lùi lại phía sau” để người vợ có điều kiện phát triển sự nghiệp. Không có ai thắng, ai thua trong gia đình, chỉ là họ biết chọn con đường hợp lý, để được cả việc chung lẫn việc riêng, để gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Một vấn đề được nhiều bài viết đề cập đến là sự chi phối của đời sống công nghệ đến hạnh phúc gia đình. Bên cạnh những yếu tố tích cực thì các yếu tố tiêu cực cũng tác động không nhỏ đến đời sống gia đình. Các thiết bị công nghệ tân tiến như smartphone đang chen chân vào mỗi tổ ấm, đặc biệt là mối quan hệ vợ chồng, vô tình lấy đi khoảng thời gian ít ỏi họ dành cho nhau, kéo vợ chồng xa dần nhau.

Lâu nay, chuyện đồng tính, chuyển giới hầu như là một vấn đề cấm kỵ, ít được nhắc tới. Nguyên nhân là do sự kỳ thị của xã hội đã khiến bố mẹ "đóng băng" tình cảm, chối bỏ, kỳ thị với con cái khi chúng trở thành những đứa con "dị biệt". Từ những tác phẩm gửi đến dự thi, nỗi đau có con đồng tính cũng được đề cập đến nhưng trong đó đã có sự bao dung, mở lòng của bố mẹ để đón nhận con cái.

Chuyện tái hôn ở người cao tuổi cũng được nhìn nhận ở góc độ nhân văn, tiến bộ hơn. Khi con cái ủng hộ cha mẹ già đi bước nữa cũng là cách “báo hiếu” cha mẹ, tạo cho họ có những năm tháng cuối đời hạnh phúc, bù đắp những thiệt thòi, mất mát mà họ phải chịu đựng. Đó là nội dung bài viết “Hoàng hôn dịu dàng” (Minh Nguyệt, Hà Nội, năm 2018). Hay vấn đề cha mẹ đã biết học hỏi để chung sống với con cái, không áp đặt con theo ý mình trong tác phẩm "Làm gì để cùng con đi qua tuổi teen" của tác giả Nguyễn Thanh Thủy (Đài Tiếng nói Việt Nam, năm 2015).

Song song với bức tranh hiện thực nghiệt ngã của gia đình thời hiện đại thì các phẩm dự thi cũng mang lại những bức tranh tươi sáng về cách bảo vệ, giữ gìn gia đình để trở thành tổ ấm, nơi an toàn nhất cho mỗi thành viên. Đó là nếu thế giới ngoài kia có quay lưng lại thì chỉ duy nhất gia đình không bao giờ rời bỏ ta. Những điều tốt đẹp ấy đã được thể hiện trong các tác phẩm của cuộc thi năm 2017 như: “Hai tiếng gọi thiêng liêng - gia đình) của tác giả Lê Đức Bảo (Nha Trang), “Hai nhà như một” của tác giả Trương Trung Hưng (Hà Nội), “Hàn gắn yêu thương” của tác giả Đài Thanh (Hà Nội), “Tấm lòng của má” của tác giả Phạm Văn Ninh (Quảng Ninh)…

Sự "chung thủy" gắn bó của tác giả tham dự

Điều khiến Ban tổ chức xúc động ở cuộc thi năm nay chính là sự "chung thủy" của nhiều tác giả đối với cuộc thi viết "Các vấn đề gia đình thời nay". Rất nhiều tác giả đồng hành cùng cuộc thi từ 3 đến 7 năm, đặc biệt có tác giả gắn bó trường kỳ suốt 10 năm. Họ tham gia cuộc thi như một cách đồng hành để xây dựng, giữ gìn tổ ấm của gia đình mình. Với họ, giải thưởng không quan trọng bằng việc "tìm được" từ cuộc thi những bài học kinh nghiệm để bảo vệ hạnh phúc, bảo vệ mái ấm gia đình.

Ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL:

Đề nghị tiếp tục phát động và tổ chức cuộc thi trong thời gian tới

Với những mục đích, ý nghĩa và kết quả tích cực mà cuộc thi mang lại trong suốt 10 năm qua đã trở thành một tiền đề để Báo Phụ nữ Thủ đô tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo, góp phần bảo việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình - một lĩnh vực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn coi trọng, quan tâm từ nhiều năm về trước. Mục đích để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trong thời kỳ mới, đúng với câu nói của Người “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Nhà thơ, nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim cho biết: “Tôi đã nhiều năm đồng hành cùng cuộc thi không nhằm dành giải thưởng mà vì thấy cuộc thi rất bổ ích cho bản thân. Ở đó, tôi tìm được những góc cạnh của gia đình thời hiện đại, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích. Vì đa số, các bài viết gửi đến tham dự đều là "hiện thực" của đời sống gia đình. Điển hình như câu chuyện tôi gửi đến dự thi và đoạt giải năm 2018 chính là câu chuyện của gia đình tôi và nguyên mẫu của tác phẩm là mẹ chồng tôi. Tình cảm mẹ chồng nàng dâu của chúng tôi càng bền chặt và thấu hiểu nhau hơn từ giải thưởng mà tôi đạt được trong cuộc thi. Đó cũng là lý do, năm nay tôi tiếp tục gửi bài tham gia”.

Là một hội viên Hội Phụ nữ, độc giả trung thành của báo PNTĐ gần 30 năm nay, bà Dương Ngọc Vân (Hà Nội) đến với cuộc thi với mục đích ban đầu là niềm vui viết lách của tuổi già. Nhưng khi tham gia, bà mới thấy ý nghĩa của cuộc thi sâu rộng và thiết thực với chính gia đình mình. Bà Vân đã đồng hành với cuộc thi viết "Các vấn đề gia đình thời nay" trên báo PNTĐ trong suốt 10 năm. Dù tuổi cao nhưng bà vẫn luôn "thức thời" với các vấn đề "thời sự" trong cuộc sống gia đình và xem đó là cách "cập nhật" bản thân để học hỏi, theo kịp với cuộc sống thời hiện đại. Năm 2020, bà đạt giải Ba với các tác phẩm "chuyện vui mùa Covid" từ chính câu chuyện gia đình mình trong mùa dịch Covid-19.

Năm 2017, cô giáo Phạm Thị Yến (huyện Chiềng Sung, Sơn La) biết đến báo PNTĐ trong một lần xuống thư viện thị trấn Chiềng Sung để tìm tài liệu phục vụ công việc giảng dạy để rồi "bén duyên" với cuộc thi từ đó. 3 năm gắn bó cùng cuộc thi, cô Yến 2 lần đạt giải (Giải Khuyến khích - năm 2019), giải Ba - năm 2020). Đến với lễ trao giải năm nay, cô Yến đã cùng chồng và con gái 4 tuổi vượt hơn 300km từ Sơn La xuống Hà Nội trong chuyến xe đêm. “Tất cả những câu chuyện trong các bài dự thi tôi gửi đến tham gia cuộc thi đều là những vấn đề của chính gia đình mình. Đó là hiện thực cuộc sống từ mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu, tình cảm vợ chồng khi mới bắt đầu xây dựng tổ ấm, sự mới mẻ từ tư tưởng tiến bộ của bố chồng…” - cô Yến kể.

Cô giáo Vương Ly hiện là giáo viên dạy Văn của trường PTTH Đô Lương 3 (Nghệ An). Năm 2019, một lần ra Hà Nội chơi với người thân, cô tình cờ biết về cuộc thi "Các vấn đề gia đình thời nay" của báo PNTĐ. Trở về, cô gửi bài dự thi và đạt giải Ba. Ấn tượng với lễ trao giải và tình cảm mà mọi người dành cho cuộc thi, cô giáo Ly tiếp tục tham gia cuộc thi lần thứ 10 năm 2020. Cô còn chia sẻ cuộc thi với các học sinh của mình, vận động các em tham gia, xem như đó là cách để học sinh của mình yêu thương cha mẹ, người thân và gia đình hơn.

Cứ thế, cô trò "rủ nhau" cùng viết bài gửi dự thi. Kết quả, cô giáo Vương Ly đã giành giải Nhất cuộc thi năm nay và một trong số học sinh của cô là Nguyễn Thị Thảo Nhi, học sinh lớp 10D, trường PTTH Đô Lương 3 (Nghệ An) đạt giải Chuyên đề "Bài viết hay về tình cảm gia đình".

“Đặc sản” mang thương hiệu báo phụ nữ thủ đô

Đánh giá về chặng đường 10 năm cuộc thi viết "Các vấn đề gia đình thời nay" trên báo PNTĐ, chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn - thành viên Ban giám khảo cuộc thi hàng năm cho biết: Sau chặng đường 10 năm làm BGK cuộc thi, tôi nhận thấy có nhiều “cái được” từ cuộc thi mang lại. Đó là, dù qua bao nhiêu thăng trầm của xã hội, báo PNTĐ vẫn kiên định với “sứ mệnh chính trị” của mình. Trong khi một số tờ báo chạy theo “thị hiếu thị trường”, thì báo PNTĐ vẫn hướng tới xây dựng một gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc, kiên định sự nghiệp đấu tranh vì bình đẳng giới, vì tiến bộ của phụ nữ và công tác Hội. Đây là điều rất đáng trân trọng. Để tổ chức một cuộc thi viết về đề tài gia đình không hề đơn giản. Công tác tuyên truyền về cuộc thi, nhận bài, chấm sơ khảo, chung khảo, trao giải tốn kém về tài chính, trong khi đời sống báo chí nói chung đang gặp khó khăn. Thế nhưng 10 năm qua, báo PNTĐ đã duy trì được cuộc thi rất thành công.

Bà Lê Quỳnh Trang - TBT Báo PNTĐ, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Với 10 năm tổ chức, cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” đã góp phần hưởng ứng và hòa chung với phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”, gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” – một hoạt động nổi bật của Hội LHPN trong những năm gần đây. Những vấn đề mà cuộc thi đề cập đến đã có tác động mạnh mẽ, góp phần định hướng không chỉ cho độc giả mà còn cho các hội viên PN vận dụng, rút kinh nghiệm, lấy làm bài học để từ đó giữ gìn, xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, cuộc sống gia đình đang phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực không mong muốn, thì sự gìn giữ, kết nối, chia sẻ của mỗi thành viên trong gia đình là rất quan trọng. Để gia đình thực sự là “tổ ấm”, là “pháo đài” chống lại và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình luôn có ý thức, trách nhiệm “giữ lửa” cho chính ngôi nhà của mình.

HẠ THI

Danh sách tác giả, tác phẩm đạt giải Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ 10 - năm 2020

Giải nhất: Tác giả Vương Ly (Đô Lương, Nghệ An) với tác phẩm: Làng khóc

Giải Nhì: - Tác giả Trần Thị Trường (Hà Nội) với tác phẩm: Nguyên tắc do đàn ông đặt ra? - Tác giả Hà My (Hà Nội) với tác phẩm: Trái tim người vợ lính

Giải Ba: - Tác giả Nguyễn Thị Thiện (Hà Nội) với tác phẩm: Tự cầm cương cuộc đời - Tác giả Dương Ngọc Vân (Hà Nội) với tác phẩm: Chuyện vui mùa COVID - Tác giả Phạm Thị Yến (Sơn La) với tác phẩm: Bố chồng hiện đại

Giải Khuyến khích: - Tác giả Việt Đan (Hà Nội) với tác phẩm: Vợ nóng thì chồng phải… lạnh - Tác giả Trần Đức Hiển (Hà Nội) với tác phẩm: Tìm đâu hạnh phúc - Tác giả Nguyễn Tâm Anh (Hà Nội) với tác phẩm: Lối về sau những phút xao lòng ngoài hôn nhân - Tác giả Ngọc Diệu Hân (Hà Nội) với tác phẩm: Điều cuối cùng ở lại - Tác giả Phạm Thanh Hương (Hà Nội) với tác phẩm: Đừng bắt mẹ tiếp tục hi sinh

Giải Chuyên đề: - Chuyên đề Bài viết hay về Bình đẳng giới trong gia đình: Tác giả Trần Hoàng Thiên Kim (Hà Nội) với tác phẩm: Lấy chồng làm hậu phương - Chuyên đề Bài viết hay về bảo vệ nếp nhà trong gia đình: Tác giả Hoàng Nghĩa Nam (Hà Nội) với tác phẩm: Nếp nhà qua bữa cơm của mẹ - Chuyên đề Bài viết hay về Tổ ấm gia đình: Tác giả Lưu Xuân Bình (Hà Nội) với tác phẩm: Đàn ông tái hôn - Chuyên đề Bài viết hay về vấn đề nuôi dạy con trong gia đình: Tác giả Hoàng Thị Kim Ngân (Hà Nội) với tác phẩm: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” - Chuyên đề Bài viết hay về tình cảm gia đình: Tác giả Nguyễn Thị Thảo Nhi (Đô Lương, Nghệ An) với tác phẩm: Con thuyền hạnh phúc - Chuyên đề Bài viết hay về gia đình thời công nghệ: Tác giả Nguyễn Thị Hòa (Hà Nội) với tác phẩm: Đối mặt

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.