Muốn tái hôn nhưng gặp khó từ điều kiện sống

Chia sẻ

Bất cứ ai cũng đều mong muốn cuộc sống có đôi có cặp nên chuyện tái hôn của cha mẹ sống cảnh khuyết nửa là chính đáng. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất mà họ gặp phải khi nghĩ đến chuyện tái hôn chính là điều kiện sống của bản thân và đối phương.

Đây là điều mà tôi rút ra từ chính thực tiễn của bản thân kể từ khi chồng tôi mất. Hơn 30 năm nay, thương hai đứa con còn nhỏ, tôi chấp nhận cuộc sống đơn thân. Mấy chục năm sống cảnh chăn đơn gối chiếc, tôi gần như đã quên đi niềm hạnh phúc đôi lứa. Và rồi, sự khao khát tình cảm vợ chồng bất ngờ nhen nhóm lại khi tôi gặp người đàn ông đang sống cảnh khuyết nửa bạn đời giống mình.

Chúng tôi quen nhau ở một câu lạc bộ khiêu vũ dành cho người cao tuổi. Năm nay, ông ấy 70 tuổi còn tôi bước vào tuổi 65. Ông góa vợ gần 5 năm và hiện đang sống cùng con cháu giống như tôi. Làm bạn khiêu vũ với nhau một thời gian, chúng tôi phần nào thấu hiểu nhau và có nhu cầu cuộc sống lứa đôi. Nhưng khi đề cập đến chuyện tái hôn, chúng tôi gặp trở ngại bởi điều kiện sống của bản thân và con cái.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi và ông ấy không có lương hưu, tiền bạc tích lũy để sống già không nhiều, cuộc sống hiện tại chủ yếu phụ thuộc vào con cái. Nhà cửa hai bên không rộng rãi, ông vẫn phải chung phòng với cháu nội, còn tôi chung phòng với đứa cháu gái. Nếu chúng tôi chuyển về chung nhà, điều kiện không gian sống không có. Ở tuổi này, chúng tôi không thể ra ngoài thuê nhà sống, hoặc để con cháu làm điều đó vì điều kiện kinh tế của chúng cũng hạn hẹp. Mặt khác, con cái của chúng tôi chỉ đủ sức để phụng dưỡng cho bố/mẹ mình, việc nuôi thêm một người khác là không thể. Do đó, dù rất muốn tái hôn để sống già hạnh phúc nhưng chúng tôi vẫn không thể đến với nhau, và một lần nữa chấp nhận cảnh sống đơn thân.

Cũng trong hoàn cảnh muốn tái hôn sau một thời gian sống khuyết nửa bạn đời nhưng “lực bất tòng tâm”, anh họ của tôi cũng đang ngậm ngùi với cuộc sống đơn thân ở tuổi xế chiều. Góa vợ hơn chục năm nay, dù ở tuổi xế chiều nhưng ông vẫn còn sung mãn và khao khát cuộc sống vợ chồng. Ông chủ động tìm kiếm người phù hợp để tái hôn, nhưng khi tính đến chuyện cưới hỏi thì bế tắc. Các con ông bảo, hiện nay chúng đang phải nuôi bố và không đủ điều kiện để nuôi thêm mẹ kế. Chúng ủng hộ ông tái hôn nhưng trong điều kiện đối phương là người có kinh tế để tự chủ đời sống của cả hai, có nhà cửa để ông chuyển về bên đó sống. Nếu không tìm được người như thế thì ông hãy sống cùng con cháu như lâu nay.

Ở tuổi chẳng thể lao động kiếm tiền, sống phụ thuộc vào con cháu, ông không thể ép các con có trách nhiệm với hạnh phúc riêng của mình nên đành chấp nhận tiếp tục sống đơn thân.

Như vậy có thể thấy rằng, nhu cầu tái hôn để sống già hạnh phúc của bộ phận cha mẹ khuyết nửa là có thật, nhưng nan giải đối với những người không đủ điều kiện kinh tế, phải sống phụ thuộc vào con cái như chúng tôi.

LÊ VÂN

Với cha mẹ già khuyết nửa, có thật là tái hôn tuổi xế chiều sẽ bất hạnh nhiều hơn hạnh phúc? Và, nếu sống cảnh “tình nhân” thì sẽ không có vấn đề hệ lụy nảy sinh, có được niềm hạnh phúc lứa đôi tuổi già? Hay, có những lựa chọn sống khác giúp họ hạnh phúc hơn mà vẫn được con cái thuận tình chấp nhận?... là những vấn đề được đặt ra để thảo luận tại diễn đàn này. Các ý kiến xin gửi về chuyên mục Hôn nhân Gia đình - Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội), hoặc email: baophunuthudo@gmail.com. Ý kiến được đăng tải sẽ được tòa soạn trả nhuận bút theo quy định.

Tin cùng chuyên mục

Đánh mất hạnh phúc

Đánh mất hạnh phúc

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.
Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.
Mẹ chồng là tri kỷ

Mẹ chồng là tri kỷ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.
Kho báu của bố

Kho báu của bố

(PNTĐ) - Năm nào cũng thế, trước ngày sinh nhật tôi mấy ngày, bố tôi thể nào cũng gọi điện cho con gái và trịnh trọng thông báo: “Tôi đã cất vào kho lưu trữ của cô rồi nhé”. Kho lưu trữ của bố là một chiếc hộp thiếc, và thứ bố cất là tờ lịch của ngày 25 tháng 4”.