Nan giải “cuộc chiến” con học trực tuyến

Chia sẻ

Năm nay, do dịch bệnh kéo dài, giải pháp dạy và học trực tuyến của ngành giáo dục để đảm bảo việc "dừng đến trường nhưng không dừng học" tại các vùng dịch vẫn đang diễn ra. Thế nhưng, câu chuyện trẻ học trực tuyến tại nhà lại không hề đơn giản, thậm chí nan giải trăm bề.

Trẻ học trực tuyến tại nhà đang khiến nhiều gia đình đối diện với không ít vấn đề nan giải (T.H)Trẻ học trực tuyến tại nhà đang khiến nhiều gia đình đối diện với không ít vấn đề nan giải (T.H)

Cha mẹ "trăm mối tơ vò"

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh làm nghề buôn bán rau, quả ở chợ tạm Mễ Trì Thượng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có 3 con đang tuổi đi học. Hai đứa học cấp ba, một đứa bị “lỡ kế hoạch” đang học lớp 2. Bình thường, chuyện lo cho các con ăn học dù vất vả nhưng vẫn trong tầm tay của anh chị. Năm nay, dịch bùng phát, bọn trẻ phải học trực tuyến khiến anh chị “trăm mối tơ vò”. Để đáp ứng điều kiện học cho con, anh chị phải sắm thiết bị học tập online. Ngoài ra, phải cắt cử nhau ở nhà để hỗ trợ con trong quá trình học. Khó khăn không chỉ từ kinh tế gia đình có hạn trong việc mua sắm thiết bị học trực tuyến cho ba đứa con mà nan giải ở chỗ với trình độ lao động chân tay, anh chị không thể giải quyết được vấn đề kỹ thuật liên quan đến máy móc và các ứng dụng trực tuyến trên mạng.

“Không đủ tiền mua máy tính mới, chúng tôi tìm mua máy cũ. Nhưng máy cũ hay bị hỏng, bọn trẻ liên tục gặp sự cố, tôi đi bán hàng mà chốc chốc con lại gọi điện báo hỏng máy, hỏng mạng, con không vào được lớp học… Bình thường, hai vợ chồng cùng chạy chợ nhưng giờ phải phân công một người ở nhà để hỗ trợ con học trực tuyến” - chị Hạnh kể.

Từ khi các con phải học online, anh Tuấn - chồng chị phải ở nhà trực chiến để giải quyết các vấn đề của con, nhưng cũng chỉ làm được việc gọi điện hỏi cô giáo, hoặc nhờ hàng xóm thạo công nghệ xem hộ. Còn lại các vấn đề phức tạp khác, anh đành bó tay.

Những bậc cha mẹ rơi vào hoàn cảnh giống như vợ chồng anh Tuấn - chị Hạnh hiện nay không ít, việc lo trang thiết bị cho con học trực tuyến không hề đơn giản. Rất nhiều gia đình được người thân, người quen hỗ trợ cho mượn, hoặc tặng máy tính, điện thoại thông minh cũ để trẻ có thiết bị học. Nhưng đồ cũ thì hay hỏng, con học trong tình trạng “phập phù”, còn bố mẹ thì lo canh cánh con không theo kịp các bạn và chương trình học.

Với vợ chồng anh Trần Lâm Đức (khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội), khi con bắt đầu vào năm học mới, anh chị phân công nhau mỗi người “trực chiến” một nhóm zalo. Hàng ngày, anh chị vừa làm việc, vừa để ý tin nhắn trong nhóm. Chốc chốc, lại có tin nhắn kiểu như: Bố mẹ em H nhắc con bật camera khi học; Bố mẹ bạn K nhắc con vào lớp lại, con bị out ra ngoài rồi; Mẹ bạn T nhắc con bật mic trả lời cô giáo khi được gọi truy bài… Nếu có tên con mình, anh chị lập tức gọi điện về nhà nhắc nhở con. Cứ thế, tình trạng kèm con học trực tuyến diễn ra bất chấp công việc bận rộn, phải chạy ra ngoài, họp hành… Điều đó khiến anh chị quay cuồng giữa việc đáp ứng công việc theo yêu cầu của lãnh đạo và quản con học online theo yêu cầu của thầy cô giáo trên lớp.

Ông bà làm "quản lớp" và nỗi lo an toàn cho trẻ

Hơn một tuần nay, bà Vương Thị H ở Thanh Xuân (Hà Nội) trở thành “quản lớp” của một lớp học đặc biệt. Bà sống cùng vợ chồng con trai. Vợ chồng con gái cũng ở cách đó không xa. Do nhà nằm trong tâm dịch nên vợ chồng con trai và con rể của bà trong diện F1 phải đi cách ly tập trung. Nhà có 4 đứa cháu nội, ngoại đang học cấp 1 và cấp 2 được đưa về để ông bà trông nom. Hàng ngày, 4 đứa cháu được bố trí ngồi học ở hai phòng khác nhau và ông bà thay nhau “quản” cháu học online. Nhiệm vụ của ông bà là không để cho đứa cháu nào mỏi mắt ngủ gật bên máy tính. Hiện tượng này diễn ra liên tục bởi những đứa trẻ 7, 8 tuổi chẳng thể giữ được tỉnh táo lâu trước màn hình chỉ có cô giáo độc thoại. Đứa nào muốn uống nước, ông bà bê đến tận bàn để tránh tình trạng đứa này nhìn đứa kia vào, ra liên tục. Đến giờ giải lao, ông bà tranh thủ cho các cháu ăn nhẹ rồi lại nhắc nhở từng đứa vào lớp học tiếp khi cô giáo gọi. Ngày nào, việc trông cháu học, phục vụ cho chúng ăn uống cũng khiến ông bà bơ phờ.

Đặc biệt, gần đây, việc đảm bảo an toàn cho con khi học trực tuyến cũng khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Ngoài nguy cơ con bị xâm hại khi học trên môi trường mạng, thì mối lo về những tai nạn chập cháy từ các thiết bị học sử dụng điện có thể xảy ra khiến bố mẹ bất an. Mới đây, vụ việc bé trai 10 tuổi ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) không may bị điện giật chết thương tâm khi đang học trực tuyến ở nhà vào ngày 10/9 là lời cảnh báo với các bậc phụ huynh.

Cha mẹ phải chủ động học hỏi để làm "giáo viên" tại nhà

Những bất cập khi con học trực tuyến đang diễn ra trong nhiều gia đình khi dịch diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày. Làm thế nào để con học trực tuyến có hiệu quả mà không ảnh hưởng đến công việc của bố mẹ, đến kinh tế gia đình là vấn đề không hề đơn giản.


Về vấn đề này, tại chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến” do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục - trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh giáo dục đang chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, học trực tuyến sẽ sớm trở thành một hình thức học chính thức. Khi trẻ sử dụng thành thạo hình thức học này, đây sẽ là một chỉ báo cho năng lực công dân số.

Theo PGS. TS Trần Thành Nam để học sinh có thể thích nghi và học trực tuyến hiệu quả thì cần có những chiến lược phối hợp giữa gia đình và nhà trường để giúp trẻ vượt qua những trở ngại tâm lý, sẵn sàng cho việc học trực tuyến. Trong lớp học online, cô giáo không thể đến từng bàn để kiểm tra và hỗ trợ học sinh. Trong khi, trẻ không thể thực hiện nhiều thao tác cùng lúc như không thể vừa nghe, vừa nhìn, vừa thao tác tay trên máy. Vì thế, cha mẹ cũng cần xác định vai trò của mình như một giáo viên/ huấn luyện viên hiện trường để điều hướng các thiết bị công nghệ, định hướng sự chú ý của con cũng như nhắc nhở và hỗ trợ kịp thời. Để làm được điều đó, cha mẹ cần chủ động học hỏi nâng cấp năng lực công nghệ thông tin của bản thân để sử dụng và giúp con sử dụng thiết bị an toàn, tìm hiểu thêm về phương pháp sư phạm, cách quản lý cảm xúc và kỷ luật tích cực khi tương tác với con trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cập nhật kiến thức để chăm sóc con cái đúng cách trong mùa dịch, từ việc dành thời gian cho con, tạo ra cảm xúc tích cực, lên lịch trình, ứng phó với hành vi không đúng đắn của trẻ, quản lý những tình huống căng thẳng đối với con trẻ trong thời gian này.

THU GIANG

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.