Nạn nhân bị bạo hành né... luật
PNTĐ-Hơn 10 năm thực hiện, Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã bộc lộ những bất cập chưa sát với thực tiễn cuộc sống, khiến bạo lực gia đình vẫn tồn tại...
Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ra đời được xem là một trong những công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ nạn nhân BLGĐ, là cơ sở để nâng cao vai trò, hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực. Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ những bất cập chưa sát với thực tiễn cuộc sống, khiến BLGĐ vẫn tồn tại.
![]() |
Ảnh minh họa |
Chị Nguyễn Thị M (40 tuổi), một nạn nhân BLGĐ đang sống trong nhà tạm lánh tại Hà Nội kể, chị bị người chồng nghiện rượu bạo lực trong một thời gian dài. Lần đó, chị bị gãy xương sườn do chồng say rượu đánh, bố mẹ chị đã báo cáo sự việc lên chính quyền. Kết quả, chồng chị bị chính quyền xử phạt hành chính 2 triệu đồng.
Nhưng, oái oăm là chị lại phải mang tiền đến nộp phạt cho chồng bởi anh ta không có tiền riêng. Chị xót của vì vừa mất tiền điều trị ở viện, vừa mất tiền nộp phạt cho chồng. Từ đó, chị không bao giờ nghĩ đến chuyện tố cáo việc chồng đánh đập mình ra pháp luật vì sợ lại phải mất tiền đóng phạt. Thậm chí, nếu hàng xóm hay người thân tố cáo hành vi bạo lực của chồng chị ra chính quyền, chị cũng cố tình che giấu vì sợ tổn hại đến kinh tế.
Chị Lê Thị V (35 tuổi, Hà Đông, HN) cũng là nạn nhân BLGĐ trong suốt 5 năm và thủ phạm là anh chồng có tính ghen tuông hoang tưởng. Chị vừa chuyển đến nhà của người bạn thân ở sau khi bị chồng đánh gãy tay. Sự việc được hàng xóm báo lên chính quyền, chồng chị bị cấm tiếp xúc với vợ theo quy định cấm tiếp xúc trong một thời gian giữa người có hành vi bạo lực và nạn nhân.
Tuy nhiên, sang ngày thứ hai, chị M phải quay về nhà - nơi “thủ phạm” gây bạo lực là chồng chị đang ở đó, vì vẫn còn hai đứa con nhỏ cần mẹ chăm sóc. Vậy là lệnh cấm tiếp xúc giữa thủ phạm với nạn nhân BLGĐ mà chính quyền áp dụng không khả thi đối với chị. Điều đó có nghĩa, chị vẫn phải đối diện với nguy cơ bị chồng bạo lực trở lại bất cứ lúc nào.
Đây là hai trong số rất nhiều trường hợp áp dụng quy định của Luật Phòng chống BLGĐ để bảo vệ nạn nhân và xử lý thủ phạm gặp bất cập. Chính sự bất cập trong các quy định của luật đã khiến cho công tác phòng chống BLGĐ những năm qua không đạt kết quả như mong muốn, thậm chí còn là nguyên nhân khiến tình trạng BLGĐ bị che giấu.
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành luật trên địa bàn Hà Nội mới đây cho thấy công tác xử lý của chính quyền và các cơ quan chức năng vẫn còn hạn chế, ít ỏi. Số liệu thống kê trong 10 năm (từ năm 2008 - 2018) có 7.188 vụ BLGĐ, nhưng biện pháp xử lý hành vi BLGĐ bằng cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã chỉ có 8 vụ, cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch UBND cấp huyện 3 vụ, xử phạt hành chính (phạt tiền) 15 vụ, xử lý hình sự 27 vụ. Biện pháp xử lý chính là góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư với 5.319 vụ. Điều đó cho thấy tâm lý né tránh, tìm đến luật pháp để bảo vệ của nạn nhân BLGĐ vẫn còn phổ biến.
Rõ ràng, những quy định của Luật Phòng chống BLGĐ đã và đang bộc lộ bất cập, không khả thi trong cuộc sống, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Theo luật sư Nguyễn Minh Long (Văn phòng luật sư Dargon), những điều khoản cần phải bổ sung, sửa đổi của Luật Phòng chống BLGĐ như: Bổ sung định nghĩa “thành viên trong gia đình” vào luật vì hiện tại Luật Phòng chống BLGĐ không đề cập đến khái niệm này. Nếu luật không nêu rõ định nghĩa này thì sẽ gây khó khăn trong quá trình áp dụng luật.
Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 20 của Luật nên bỏ quy định “có đơn yêu cầu của nạn nhân BLGĐ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì nên có sự đồng ý của nạn nhân BLGĐ” thay vào một quy định khác phù hợp, thuận lợi hơn trong công tác kiểm tra xử lý. Bởi quy định này không khả thi trong thực tế vì đa số nạn nhân bị bạo lực là người vợ, con, người thân trong gia đình, có nhiều người còn bị phụ thuộc kinh tế, nên dù bị đối xử tàn nhẫn họ vẫn cam chịu, tiếp tục sống chung với người có hành vi bạo lực, thay vì tố cáo họ ra pháp luật.
Ngoài ra, những quy định về người có hành vi BLGĐ và nạn nhân có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc cũng không khả thi trong thực tế. Vì đa số hành vi bạo lực xảy ra với người trong gia đình, sống chung trong một nhà nên nhiều trường hợp không có nơi khác ở. Hay, việc xử phạt hành chính thủ phạm nên dùng hình thức xử phạt bằng lao động công ích thay vì bằng tiền, tránh tình trạng nạn nhân phải đi đóng tiền phạt thay thủ phạm.
Ngoài ra, luật hiện hành cũng chưa quy định hết các hình thức bạo lực, còn đề cập chung chung. Ví dụ tại Điểm d, Khoản 1, Điều 2 nên bổ sung thêm các hành vi bạo lực tình dục trong quan hệ vợ chồng như: hành vi ép buộc mang thai, sinh nhiều con, ép lựa chọn giới tính khi sinh, ngăn cản không cho sử dụng biện pháp tránh thai… để có căn cứ xử lý khi xảy ra bạo lực.
Hạ Thi