Nặng gánh với người thân của chồng

Chia sẻ

PNTĐ-

 
Em làm dâu đến nay đã gần 8 năm, cuộc sống sẽ vô cùng hạnh phúc nếu như không phải chịu gánh nặng từ anh trai và em gái của chồng. Trước đây, anh trai và em gái của chồng lập gia đình sống riêng bên ngoài, chỉ có vợ chồng em sống chung cùng bố mẹ chồng. Cách đây 4 năm, anh trai và em gái chồng lần lượt đổ vỡ hôn nhân, quay về nhờ cậy bố mẹ, khiến vợ chồng em thêm nặng gánh. Sau khi ly hôn, anh trai chồng mang con trai về nhà “nhờ” bố mẹ chăm sóc giúp còn mình vẫn sống ở căn hộ tập thể cơ quan, một vài tháng mới về thăm con. Em gái chồng ly hôn cũng mang con nhỏ hơn 2 tuổi về sống chung với bố mẹ và vợ chồng em.
 
Được 1 năm, cô ấy để con lại cho bố mẹ nuôi rồi vào trung tâm thành phố xin việc làm. Bố mẹ chồng già yếu, công việc chăm sóc cháu không kham nổi nên vợ chồng em phải cáng đáng. Cùng lúc, em vừa phải chăm sóc con của mình lẫn các cháu rất mệt mỏi, nhưng vẫn không nhận được lời cảm hơn hay sự chia sẻ từ anh trai và em gái chồng.
 
Họ cho rằng, vợ chồng em được nhờ bố mẹ nhiều, nhà cửa có sẵn ở không phải lo, nên việc chăm sóc con giúp họ là đương nhiên. Vả lại, họ cũng chẳng nhờ vả em công khai mà toàn bảo nhờ ông bà. Chồng em thương các cháu, nghĩ anh trai và em gái đổ vỡ hôn nhân cũng thiệt thòi, xem việc chăm sóc con cái giúp họ cũng là điều đương nhiên. Do vậy, mỗi lần em kêu than là anh ấy lại trách móc em không biết thương các cháu, thông cảm cho anh/em chồng gặp bất hạnh trong cuộc sống. Đôi lúc em muốn đưa con về bên nhà ngoại sống để thoát cảnh làm “Ôsin không công” cho người thân của chồng. Nhưng nếu làm thế, hạnh phúc của em có nguy cơ đổ vỡ. Em phải làm thế nào để cuộc sống bớt áp lực đây?
 
Maihoa@gmail.com

Con cái dù trưởng thành đến bao nhiêu đi chăng nữa thì khi gặp bất trắc, khó khăn trong cuộc sống, nơi mà họ muốn tìm về đầu tiên đó là ngôi nhà của cha mẹ. Ở đó, họ sẽ tìm thấy được sự che chở, cưu mang, yêu thương, bảo vệ vô điều kiện. Việc anh, chị em đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn cũng là truyền thống tốt đẹp trong gia đình Việt từ trước đến nay. Vì vậy, khi sống cùng với bố mẹ chồng, các nàng dâu hãy xác định mình cũng có nghĩa vụ chia sẻ, giúp đỡ anh, chị, em chồng “thất cơ lỡ vận” tìm về nhà bố mẹ đẻ để nương náu.
 
Mặt khác, con dâu cũng không nên xem trách nhiệm giúp đỡ anh, chị, em chồng gặp khó khăn thuộc về bố mẹ chồng, còn bản thân mình là “người ngoài cuộc”. Trong cuộc sống hiện nay, có một số người vợ cho rằng, anh chị em lấy chồng, lấy vợ, có cuộc sống riêng là đã “kiến giả nhất phận”, không ai phải có trách nhiệm, nghĩa vụ giải quyết những khó khăn của người khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều cuộc hôn nhân trở nên bất hạnh.
 
Trở lại câu chuyện của gia đình bạn, bố mẹ chồng và chồng bạn đã và đang là những người dang rộng vòng tay để che chở, giúp đỡ khi con cái, anh em mình không may gặp bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân. Anh trai chồng và em gái chồng cũng không mong muốn cuộc sống của mình lỡ dở để con cái phải sống cảnh chia ly, về nương nhờ cha mẹ. Nhưng khi cuộc sống không thể như ý muốn, họ đành phải chấp nhận. Vì thế, bạn hãy mở rộng lòng mình chung tay, góp sức cùng bố mẹ chồng và chồng giúp đỡ họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, sự giúp đỡ ấy cũng cần có giới hạn trong khả năng của bạn. Hãy nói cho bố mẹ chồng hiểu, bạn sẵn sàng hỗ trợ việc chăm sóc các cháu giúp cho họ nhưng điều đó không có nghĩa bạn phải chịu trách nhiệm hết thay cho bố mẹ chồng khi họ đã già yếu. Anh trai chồng và em gái chồng phải xác định rõ bố mẹ không còn sức khỏe, kinh tế để chăm sóc các cháu, hiện nay việc đó đang tạo gánh nặng cho vợ chồng bạn.
 
Do vậy, họ phải "có lời" nhờ vả đàng hoàng và xác định rõ mức nhờ vả ấy đến đâu, còn lại nghĩa vụ của mình như thế nào. Ví dụ về kinh tế, vợ chồng bạn hỗ trợ bao nhiêu, trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy các cháu ở mức độ nào. Trước áp lực, gánh nặng hiện tại, bạn cần phải thống nhất với người thân của chồng và chồng để cùng nhau giải quyết. Việc đưa con nhà ngoại sống không giúp bạn thoát được cảnh làm “Ôsin không công” cho người thân của chồng mà sẽ khiến tình cảm của vợ chồng bạn trở nên căng thẳng, cách nhìn nhận về con dâu cũng sẽ xấu đi trong mắt bố mẹ chồng.
 
Thu Vân

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.