Bài dự thi "Các vấn đề gia đình thời nay" lần thứ XIII năm 2023
Nếp nhà “đặc biệt” của chúng tôi
(PNTĐ) - Đó là một ngày cách đây 17 năm, lúc đó, Đăng Khoa - con trai duy nhất của vợ chồng tôi đang học lớp 11, tôi vô tình phát hiện con có tình cảm với một cậu bạn lớp dưới.
Cảm giác của tôi lúc đó, chắc mọi người đều dễ dàng đoán ra: Hoang mang, sợ hãi và cả tức giận nữa. Bởi trong mắt tôi, con luôn là một chàng trai khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn. Tôi không thể chấp nhận việc con có cảm xúc kỳ cục, lệch lạc như vậy.
Từ thời điểm này lòng tôi luôn bất an nên thường xuyên theo dõi mọi hoạt động của con. Một ngày nọ, tôi nghe con hướng dẫn ai đó qua điện thoại đường đến nhà. Tôi âm thầm theo dõi thì thấy con đang đứng nói chuyện trước nhà với một bạn trai. Qua quan sát, tôi có thể nhận thấy chúng thân mật hơn mức bình thường và không giống với cách mà những cậu con trai khác vẫn chơi với nhau.
Tôi tìm cách kết nối và thông báo với gia đình cậu bé kia. Trong sự đồng cảm, hoảng hốt, chúng tôi quyết định sẽ ngăn cản, không cho hai đứa liên lạc bằng cách cắt điện thoại, cắt internet. Tôi tin rằng, đó là cách duy nhất để cứu con trai của mình.
Một tối, con trở về nhà với tâm trạng tuyệt vọng. Con vào bếp cầm con dao và lẩm bẩm: “Tôi hận các người. Tại sao các người lại cứ phá tôi vậy”. Tôi bàng hoàng, đau đớn khi nghe đứa con mà mình nâng niu, yêu thương bao lâu giờ lại xưng “Tôi” và gọi bố mẹ là “Các người”. Tôi đã nói: “Mẹ chỉ muốn mọi điều tốt đẹp cho con. Nếu con căm giận mẹ như vậy thì giờ mẹ ngồi đây, con hãy giết mẹ đi. Mẹ cũng không thiết sống nữa đâu”. Lúc này con đã buông dao, quỳ xuống ôm chân tôi khóc và xin lỗi. Tôi ôm con mà lòng quặn thắt.
Rồi tôi đưa con đến gặp một chuyên gia tư vấn. Sau khoảng nửa giờ nói chuyện với con, ông ấy đã mời riêng tôi vào để thông báo 90% con là người đồng tính. Mọi thứ như sụp đổ, tôi cứ thế ngồi khóc vì không thể và không muốn tin vào việc này. Có lẽ thấy tôi khóc nhiều quá nên ông ấy đã an ủi tôi rằng: “Các nghiên cứu cho biết giới tính của một người sẽ đóng khung khi 21 tuổi”. Chỉ cần nghe đến đây, tôi đã lập tức ngưng khóc vì năm đó con chỉ mới 19 tuổi.
Hai năm đối với tôi lúc đó như niềm hy vọng cuối cùng. Tôi phải chạy đua với thời gian để “cứu con”. Hàng ngày đến cơ quan công việc bận rộn giúp tôi tạm quên nhưng trên đường tan làm về nhà tôi lại không ngừng suy nghĩ đến con, đến việc phải làm gì đây để giúp con trở lại “bình thường”. Tôi tìm đủ mọi cách nhưng đều không hiệu quả. Tôi càng trở nên tuyệt vọng vì không thể chia sẻ với ai nỗi buồn này, ngay cả với chồng mình.
Rồi con bước vào năm 3 đại học và mốc 21 tuổi đã cận kề. Tôi đã khóc và cầu cứu em trai tôi hãy giúp tôi rủ con đi chơi để khuyên bảo, tạo cơ hội để con có thể tiếp xúc với bạn khác giới nhiều hơn. Thời gian này con lấy cớ rủ bạn về học nên thường xuyên có một nhóm bạn nam đến nhà. Tôi rất giận đến mức không chăm sóc, trò chuyện gì với con nữa. Tôi và con như hai người xa lạ sống chung nhà.
Cuối cùng cột mốc 21 tuổi đã đến. Tôi thực sự không còn sức để chống chọi với nỗi đau này nữa. Trong nỗ lực cuối cùng tôi đã viết thư cho con. Mặc dù đau đớn nhưng tôi đã phải ra điều kiện: “Nếu con cảm thấy những gì mẹ muốn con làm quá khó và chỉ muốn sống với những gì con cho là đúng, là hạnh phúc thì con có thể ra khỏi nhà. Tuy chỉ có mình con nhưng mẹ sẽ xem như mình không có đứa con nào hết!”. Tôi đã khóc khi viết những dòng chữ đuổi đứa con duy nhất ra khỏi nhà.
Cuối cùng, con đã trả lời thư cho tôi. Trong thư có đoạn: “…Mẹ biết không, con không thể nào làm khác được, tạo hóa đã sinh ra con như thế. Con biết nếu con sinh ra bị bại liệt, bị câm điếc thì chắc chắn mẹ sẽ vẫn thương con, vẫn che chở cho con nhưng con là Gay thì đó là sự sỉ nhục cho cả dòng họ, là đứa con bất hiếu và là một tên tội đồ. Ước gì con chết ngay từ khi mới lọt lòng để mẹ không phải khổ vì con”.
Con nhắc lại nhiều lần câu: “Con xin lỗi bố mẹ”. Cuối thư con bày tỏ có lẽ sẽ chấp nhận ra ngoài sống để tôi không cảm thấy xấu hổ, nhục nhã. Dù việc gì sẽ đến con cũng chỉ muốn nói “Con yêu bố mẹ nhiều lắm”.
Đọc lá thư của con, tôi như bừng tỉnh, nước mắt tuôn rơi. Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh con trai mình mệt mỏi, đau đớn, cô đơn khi phải một mình đối diện với những bế tắc, đau khổ. Tôi thấy thương con vì đã phải tự chịu đựng nỗi buồn một mình thay vì có thể tâm sự và tìm kiếm sự chia sẻ từ mẹ. Và tôi càng ân hận khi mình đã không chịu nghe con chia sẻ. Thay vì là chỗ dựa cho con, tôi đã chỉ nghĩ cho mình mà áp đặt nhiều tội lỗi lên con vì con không giống như những tiêu chuẩn mà tôi và xã hội đặt ra chứ chưa từng nghĩ con có muốn điều đó hay không.
Mối quan hệ bớt căng thẳng nên con đã gợi ý tôi đến tham dự các buổi họp mặt cộng đồng LGBT do Trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam) tổ chức. Tại các buổi gặp mặt, hội thảo tôi mới biết rằng không phải chỉ con tôi như vậy mà còn có cả một cộng đồng giống như con. Và tôi quyết định gia nhập Cộng đồng PFLAG tại Việt Nam (cộng đồng “Cha mẹ, người thân và bạn bè của người đồng tính) để mong muốn thông qua câu chuyện của mình có thể giúp cho nhiều phụ huynh chịu nghe con chia sẻ, chịu tìm hiểu kiến thức về LGBT và là chỗ dựa vững chắc cho con trước những định kiến của xã hội.
Hiện nay, con đang là giảng viên một trường đại học và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào tháng 10/2022. Nhìn thấy con đang tự tin với cuộc sống của mình, tôi đã không dám nghĩ đến việc tôi sẽ sống ra sao nếu ngày trước không đọc lá thư của con và để lạc mất con.
Nếp nhà của chúng tôi có thể đặc biệt hơn so với nhiều gia đình khác. Nhưng, đó vẫn luôn là nơi an toàn để con tôi trở về, để được yêu thương. Giờ thì tôi hiểu rằng yêu thương làm nên gia đình và con tôi sẽ chỉ hạnh phúc khi được sống là chính mình, được bố mẹ thấu hiểu và thừa nhận.