Nếp nhà từ mâm cỗ Tết truyền thống

Chia sẻ

Người Việt đón Tết với nhiều nghi lễ, phong tục truyền thống. Trong đó, phong tục làm mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết luôn được chú trọng trong mỗi gia đình. Mâm cỗ Tết không chỉ thể hiện lòng thành, sự hiếu hạnh của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà còn để rèn giũa nếp nhà.

Nếp nhà từ mâm cỗ Tết  truyền thống - ảnh 1 (Ảnh: minh họa. Nguồn: Int)

Nét tinh hoa ẩm thực ngày Tết

Từ xưa đến nay nói đến Tết, người Việt vẫn thường dùng từ “ăn Tết”. Điều đó cho thấy, mâm cỗ ngày Tết rất được chú trọng trong các gia đình. Dù nghèo, hay giàu, gia đình nào cũng phải có mâm cỗ Tết, trong đó chú trọng nhất là mâm cỗ Tết cúng gia tiên. Đây là mâm cỗ được chuẩn bị với lòng thành kính của con cháu trước là dâng lên tổ tiên, sau là đãi khách ngày Tết. Vì thế, nó không chỉ được làm với các công thức nấu ăn thông thường mà còn chứa đựng trong đó nhiều ý nghĩa văn hóa. Trong gia đình, việc chuẩn bị mâm cỗ Tết cúng gia tiên còn được xem là dịp để giáo dục, rèn giũa nếp nhà cho con cháu.

Người Việt xưa nay vẫn sống với phong tục “trần sao âm vậy”. Bởi thế mà mỗi dịp Tết, người ta lo Tết cho người trần thế nào thì cũng chăm lo Tết cho người đã khuất như thế. Thậm chí, việc lo Tết cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất còn cẩn thận và tỉ mỉ hơn nhiều, không cho phép được xuê xoa. Mâm cỗ Tết vì vậy được xem là nét tinh túy trong văn hóa Tết của người Việt.

Tùy theo tục lệ của mỗi miền, mỗi dân tộc, mâm cỗ Tết cúng gia tiên cũng được chuẩn bị các món ăn khác nhau, nhưng tất cả đều chứa đựng sự thành kính, tinh túy của các món ăn dâng lên tổ tiên, ông bà. Người miền Bắc làm mâm cỗ Tết cúng gia tiên có phần cầu kỳ trong cách chế biến các món ăn cổ truyền, cách bày biện thường nặng về nghi thức và có tính chuẩn mực.

Khi làm mâm cỗ Tết, cách chọn nguyên liệu cũng cầu kỳ, khác với cách chọn nguyên liệu làm mâm cỗ ăn vào các dịp lễ hội, tiệc mừng. Ví như cách chọn nguyên liệu cỗ Tết của người Hà Nội xưa, theo nghệ nhân ẩm thực Phạm Ánh Tuyết thì người Tràng An rất khó tính khi chuẩn bị mâm cỗ Tết cổ truyền. Sự khó tính đó thể hiện từ các khâu chọn nguyên liệu đến cách chế biến, bày biện, rồi cách thưởng thức các món ăn rất cầu kỳ, cẩn thận. Ví dụ khi chọn súp lơ để làm canh thì chỉ được chọn súp lơ đơn, không được chọn súp lơ kép, nhằm giữ vị ngọt thanh cho bát canh khi nấu. Gà bày cỗ cũng rất kén, phải chọn gà ri, lùn, chân vàng. Gà lễ thì phải nhìn tướng gà, mào, cờ, lông và đuôi gà phải vổng lên…

Một mâm cỗ Tết của miền Bắc, ngoài bánh chưng ra, bao giờ cũng phải có 4 bát (gồm: 1 bát chân giò hầm măng, 1 bát bóng thả, 1 bát miến, 1 bát mọc nấm thả), 4 đĩa (gồm: 1 đĩa giò lụa, 1 đĩa thịt lợn, 1 đĩa chả quế, 1 đĩa thịt gà), mang ý nghĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn phương. Nếu làm mâm cỗ Tết lớn hơn thì 6 bát, 6 đĩa, hoặc 8 bát, 8 đĩa mang ý nghĩa phát lộc phát tài.

Trong mâm cỗ Tết của miền Trung không thể thiếu bánh tét, bánh chưng, thịt đông, cá kho, giò lụa… Cỗ Tết dâng lên tổ tiên ở miền Nam có phần phong phú, ít nặng về hình thức như miền Bắc. Nhìn chung, dù cách bày biện, món ăn phong phú của mỗi nơi mỗi khác nhưng đều có chung một ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn, nhớ đến cội nguồn của con cháu dâng lên tổ tiên của mình.

Nền nếp gia phong trong mâm cỗ Tết

Người Việt coi trọng mâm cỗ Tết bởi nó còn thể hiện nền nếp gia phong trong gia đình. Tết sẽ bắt đầu từ ngày 30, khi mà nhà nhà đều làm mâm cỗ Tết Tất niên dâng lên tổ tiên, ông bà đã khuất. Người già trong gia đình có dịp truyền lại nếp nhà cho con cháu từ cách chuẩn bị và thực hiện mâm cỗ Tết. Mâm cỗ cúng Tất niên được chuẩn bị với sự chung tay của các thành viên trong nhà. Ông cha sẽ cùng con cháu lau dọn bàn thờ bày biện, sắp đặt lễ vật hoa quả, rượu nước, đèn nến trên bàn thờ. Trong khi đó, bà, mẹ, con cháu sẽ đi chợ chuẩn bị làm các món ăn để dâng lên tổ tiên.

Nếp nhà từ mâm cỗ Tết  truyền thống - ảnh 2 (Ảnh: minh họa. Nguồn: Int)

Trong quá trình chế biến các món ăn, những người bà, người mẹ sẽ hướng dẫn chỉ bảo các con các cháu cách thực hiện, xào nấu sao cho đúng vị, bày biện sao cho đúng kiểu, luộc gà sao cho đúng thế, thái giò sắp đĩa sao cho đẹp mắt… Dù đói no thế nào, mâm cỗ Tết dâng lên tổ tiên cũng phải đầy đủ các món. Khi mâm cỗ được dâng lên ban thờ, ông/cha sẽ là người kính cẩn thắp hương cúng mời tổ tiên và người thân đã khuất về thụ hưởng. Đồng thời cảm ơn tổ tiên đã phù hộ con cháu trong nhà thuận lợi làm ăn, bình an trong cuộc sống suốt một năm qua, và tiếp tục phù hộ cho con cháu sang năm mới mạnh khỏe, làm ăn phát lộc phát tài, cuộc sống sung túc. Theo đó, thế hệ sau được hiểu biết nhiều hơn về các thế hệ trước, rõ hơn về nguồn cội của mình qua việc dâng cúng mâm cỗ Tết.

Xuất phát từ sự thành kính biết ơn tổ tiên đó nên trong các gia đình, việc trở về sum họp, quây quần đầy đủ bên mâm cơm cúng Tất niên rất được mọi người chú trọng. Khi hoàn tất việc cúng bái, mâm cỗ được hạ từ ban thờ xuống, mọi người ngồi lại bên nhau không chỉ thưởng thức cái ngon của từng món ăn mà còn để hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỷ niệm của người thân, nhắc nhở, động viên, cổ vũ nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Sau mâm cỗ Tất niên là những mâm cỗ Tết cúng Tân niên vào những ngày mồng 1, mồng 2.

Khách đến nhà thường được chủ nhà mời ăn cỗ Tết đầu năm. Bấy giờ, khách sẽ nhìn vào cách chuẩn bị cỗ Tết của gia chủ mà nhận biết nếp nhà trong đó. Người phụ nữ trong gia đình khéo léo, giỏi quán xuyến, mâm cỗ Tết sẽ tinh túy, đẹp mắt. Cách mời khách, tiếp khách khi ngồi vào mâm cỗ Tết cũng cho thấy nếp gia phong của gia đình chủ. Trẻ mời người lớn ăn uống ra sao, con cháu ngồi thế nào cho đúng thứ bậc, cách tiếp món ăn nào trước, món nào sau, thái độ niềm nở đon đả khiến khách không chỉ ngon miệng mà phải vừa mắt, đẹp lòng.

Nói về việc chuẩn bị mâm cỗ Tết, theo nhà thiết kế Đức Hùng - người được sinh ra trong một gia đình phố cổ ở Hà Nội, mâm cỗ Tết truyền thống là thứ kết nối mình với quá khứ, với ông bà cha mẹ và rèn con cháu vào nếp nhà, không chỉ là lòng thành mà con cháu dâng cúng tổ tiên, mà thông qua đó còn là cách cha mẹ rèn giũa con cái, dạy con những bài học về cuộc sống, về cần kiệm, về phép ứng xử và về cái đẹp. Nếu như mâm cơm dâng lên trau chuốt bao nhiêu thì khi hạ mâm cơm xuống để dùng càng phải mực thước bấy nhiêu.

Việc rèn giũa nếp nhà từ mâm cỗ Tết được những người mẹ cẩn thận dạy bảo cho con gái để con không chỉ thạo việc nữ công gia chánh trong nhà mà còn thể hiện nền nếp gia phong tốt đẹp của nhà đẻ khi lấy chồng làm dâu không bị chê trách. Từ cách thái hành, nhặt rau, lựa chọn nguyên liệu đến việc xào nấu, bày biện món ăn sao cho ngon mắt... Với các nàng dâu, việc chuẩn bị mâm cỗ Tết là dịp để họ hiểu hơn về nền nếp nhà chồng. Thường thì mẹ chồng sẽ vào bếp cùng con dâu để hướng dẫn, làm cùng. Trong tâm trí mẹ chồng, con dâu, đặc biệt là dâu trưởng sẽ là người "kế thừa” mình chuẩn bị những mâm cỗ Tết dâng cúng tổ tiên, và đãi khách đến nhà. Do đó, họ truyền dạy con dâu với mong muốn duy trì nền nếp gia đình qua nhiều thế hệ hơn.

Thời hiện đại, nhiều món ăn ngày Tết được “du nhập” thế nhưng những món ăn ấy cũng chỉ được dùng để đãi khách, hoặc gia đình ăn uống vui vẻ với nhau. Còn mâm cỗ Tết dâng lên tổ tiên vẫn không thay đổi, những món ăn truyền thống vẫn được giữ gìn và truyền lại từ thế hệ trước đến thế hệ sau, và vẫn được thực hiện với sự thành tâm, chuẩn chỉ, kính cẩn nhất. Đó chính là nét văn hóa riêng đặc sắc của người Việt, của gia đình Việt trong các ngày Tết cổ truyền.

DUY BÌNH

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.