Nếp nhà Việt là “di sản” tạo nền móng để gia đình phát triển

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong tâm khảm của mỗi người Việt, nếp nhà cùng những giá trị truyền thống tốt đẹp là nền móng để gia đình phát triển, tiến bộ. Tuy nhiên, làm thế nào để nếp nhà Việt là “di sản” luôn được giữ gìn trong dòng chảy hội nhập, phát triển, giúp gia đình trở thành pháo đài vững chắc che chở, bảo vệ cho các thành viên…

Nếp nhà Việt là “di sản” tạo nền móng để gia đình phát triển - ảnh 1
 Ảnh minh họa: Dragon Images

Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. 

Gia đình Việt biến đổi mạnh mẽ trong dòng chảy hội nhập
Thực tế cho thấy, gia đình Việt đang biến đổi để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Theo ông, sự biến đổi ấy được thể hiện ở những phương diện nào? Và trong sự biến đổi đó, những giá trị truyền thống của gia đình đã bị ảnh hưởng ra sao?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Có thể nói, guồng quay của sự phát triển đã khiến thiết chế gia đình Việt biến đổi theo chiều hướng hiện đại trong suốt những năm vừa qua và thể hiện rõ nhất ở phương diện chức năng gia đình. Như chúng ta đã biết, gia đình có 4 chức năng cơ bản: Chức năng kinh tế, chức năng giáo dục, chức năng tình cảm, chức năng tái sinh sản, duy trì nòi giống. Theo quan sát, nghiên cứu, ta thấy hầu hết các chức năng cơ bản của gia đình Việt Nam đều lộ rõ sự suy giảm. 

Lấy ví dụ ở chức năng giáo dục, xã hội hóa trong gia đình Việt hiện nay. Đây là chức năng rất quan trọng để mỗi thành viên gia đình phát triển đúng như kỳ vọng. Gia đình là đơn vị đầu tiên diễn ra quá trình xã hội hóa con người từ khi lọt lòng đến những năm tháng sau này của cuộc đời. Dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, của đời sống công nghiệp, của sự hội nhập toàn cầu hóa, chức năng giáo dục trong gia đình đã bị biến đổi theo chiều hướng có sự suy giảm so với trước đây.

Nhìn từ câu chuyện giáo dục trẻ em trong gia đình giai đoạn hiện nay, bố mẹ gần như chuyển lại cho nhà trường nhiều hơn. Trước đây, giáo dục gia đình chiếm một phần rất quan trọng bên cạnh giáo dục từ nhà trường, và được xem là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ.

Thế nhưng, hiện nay, việc kiểm soát, giáo dục của cha mẹ đối với con cái đang bị “thưa vắng” thay vào đó là vai trò giáo dục của nhà trường, của thầy cô đang “dày” hơn, chủ đạo hơn. Một ngày của trẻ, 8 giờ học ở trường, buổi tối còn phải học thêm ở các trung tâm giáo dục khác, việc tiếp xúc với cha mẹ rất ngắn ngủi.

Hình ảnh cha mẹ gắn bó để sát sao, giáo dục con trong gia đình không còn thường nhật, vai trò nêu gương của bố mẹ cũng bị hạn chế. Dường như các bậc cha mẹ nghĩ rằng cho con cái ăn uống đủ đầy, đáp ứng cuộc sống vật chất là đã hoàn thành vai trò của mình. Vì thế, trong các gia đình hiện đại sự giao tiếp trực tiếp của các thành viên đang bị hạn chế, sự đối thoại cũng không còn như giai đoạn trước đây. 

Đạo nghĩa thủy chung, kính già yêu trẻ, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, anh em hòa thuận, tôn trọng yêu thương nhau… luôn cần được giữ gìn, phát triển dù ở bất cứ thời đại nào. Nó được xem là giá trị cốt lõi, là “di sản” rường cột của gia đình không thể mất đi. 
PGS. TS Trịnh Hòa Bình

Bên cạnh chức năng giáo dục, chức năng tình cảm cũng bị suy giảm do sự kết nối lỏng lẻo của các thành viên trong gia đình. Điều này được lý giải là do sự bận rộn của cuộc sống công nghiệp, do lối sống thực dụng đề cao cá nhân trong đời sống hiện đại… Nhìn nhận ở một góc độ nào đó, gia đình đang bị biến đổi và tác động mạnh mẽ bởi những mặt trái của sự phát triển. 

Trong sự biến đổi ấy, giá trị truyền thống của gia đình cũng ảnh hưởng theo. Ở góc độ nào đó, ta thấy thuần phong mỹ tục của gia đình đang bị công phá. Nó có xu hướng mai một những giá trị có tính chất bền chặt hoàn hảo. Đạo nghĩa trong gia đình, tình nghĩa thủy chung, chữ hiếu, sự quan tâm chăm sóc, coi trọng nhau… có xu hướng vật lý hóa hơn trước, cơ học hơn, thiếu đi phần nhân văn. Chính xu hướng thực dụng, cá nhân ấy đang đối nghịch lại với những giá trị truyền thống.

Đó là những biến đổi từ tác động của mặt trái xã hội, còn biến đổi từ sự phát triển, tiến bộ của xã hội hiện đại đối với gia đình là gì, thưa ông?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Trong cuộc biến đổi kỳ vĩ của xã hội, với dòng chảy hội nhập quốc tế, bên cạnh mặt trái nêu trên thì gia đình cũng đang phát triển theo xu hướng ngày càng tiến bộ, bình đẳng hơn. Đây là sự biến đổi tích cực của gia đình hiện nay. Việc đầu tư giáo dục cho con cái để trẻ được hưởng nền giáo dục hàng đầu, học tập tốt hơn.

Trong gia đình, quyền cá nhân, quyền bình đẳng của vợ chồng được coi trọng, khẳng định. Các gia đình Việt không chỉ đóng góp sức người, sức của phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của ông cha ta từ hàng nghìn đời nay. Bên cạnh việc giữ gìn những nét đặc trưng của gia đình truyền thống, gia đình hiện đại còn bổ sung, hoàn thiện những giá trị mới, phù hợp với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế. Nhìn tổng thể, gia đình Việt Nam hiện nay có cuộc sống vật chất no đủ, đời sống văn hóa tinh thần phong phú, hạnh phúc gia đình được chú trọng chăm lo. Có được điều đó là do Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chủ trương, luật pháp để xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, văn minh, hạnh phúc hơn. 

Nếp nhà Việt là “di sản” tạo nền móng để gia đình phát triển - ảnh 2
 Ảnh minh họa

Nếp nhà là “di sản”, rường cột không thể mất đi
Văn hóa của người Việt, nếp nhà được xem là rường cột, phải được giữ gìn. Theo ông, làm thế nào để giữ nếp nhà không bị lung lay bởi mặt trái của đời sống thị trường, tạo nền móng vững chắc cho gia đình phát triển?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Trước tiên, chúng ta phải khẳng định rằng, nếp nhà trong gia đình Việt với những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp như: Đạo nghĩa thủy chung, kính già yêu trẻ, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, anh em hòa thuận, tôn trọng yêu thương nhau… luôn cần được giữ gìn, phát triển dù ở bất cứ thời đại nào. Nó được xem là giá trị cốt lõi, là “di sản” rường cột của gia đình không thể mất đi. 

Còn khi chúng ta bàn đến câu chuyện nếp nhà cần phải gìn giữ thì dường như đang đi đến mặc định là nếp nhà đang bị công phá, đang bị suy giảm. Việc làm thế nào để duy trì sự bền vững của nếp nhà trong sự công phá đó là một bài toán cần lời giải chung của toàn xã hội, chứ không riêng gia đình. Việc ngăn chặn sự lỏng lẻo, sự suy giảm các chức năng gia đình, giữ gìn nếp nhà chắc chắn không giống như có một lệnh ở đâu đó phát ra để người ta dừng ngay lại việc phá hủy, công phá đó. Nó phải được làm đồng bộ, cần sự phối hợp trong gia đình lẫn ngoài xã hội. 

Trên bình diện xã hội, chúng ta đang có những cố gắng để làm điều đó như cho ra đời các quy định mới, sửa đổi nhanh những quy định, những quy chế của cộng đồng xã hội không còn phù hợp với thực tiễn, đề ra các chiến lược để xây dựng và bảo vệ gia đình, tạo điều kiện để gia đình phát triển, tiến bộ.

Trong gia đình, mỗi thành viên, cá nhân cũng không ngừng học tập, nâng cao trình độ, trang bị các kỹ năng sống để xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no. Những nội dung ấy đang củng cố thiết chế gia đình, bảo vệ nếp nhà, bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp truyền thống của gia đình.  

Có ý kiến cho rằng gia đình hiện đại tiến tới sự bình đẳng giới rất cao. Nhưng chính sự bình đẳng giới ấy đang khiến phụ nữ Việt “phá vỡ” những giá trị truyền thống của gia đình. Ông thấy điều đó có đúng không?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Đúng là gia đình hiện đại đang tiếp cận với quyền bình đẳng rất cao. Như trên đã nói, có được điều này là do về hệ thống luật pháp, chính sách của chúng ta ngày càng sửa đổi, bổ sung và cho ra đời nhiều hơn những quy định, chế tài để thúc đẩy bình đẳng  giới, xóa bỏ những hủ tục, bất bình đẳng trong gia đình.

Từ sự thúc đẩy bình đẳng giới đó, người phụ nữ được nâng cao vị thế, tăng quyền năng trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Như vậy, nói phụ nữ “phá vỡ” những giá trị truyền thống của gia đình là không đúng, mà chính xác là họ đang “phá vỡ” những hủ tục, phong tục, quan niệm lạc hậu, định kiến sai lầm trong gia đình. 

Ví dụ, trước đây người ta quan niệm, phụ nữ phải sống cam chịu, phu xướng, phụ tùy. Người vợ bị chồng bạo lực đến đâu thì vẫn phải cam chịu, nhịn nhục để gia đình không đổ vỡ, dù họ sống bất hạnh hết năm này qua tháng khác. Nhìn vào đó, người ta vẫn cho rằng điều đó tốt vì giữ được gia đình, nhưng thực chất trong gia đình đó các thành viên không được sống hạnh phúc, nhất là người phụ nữ. Nhưng khi người phụ nữ nhận ra việc cam chịu bạo lực là sai lầm, họ “vùng lên” chống trả, đấu tranh để thoát khỏi bạo lực, tìm kiếm cuộc sống hạnh phúc hơn. Họ có quyền làm điều đó và luật pháp bảo vệ quyền ấy của họ.

Với những người đàn ông, hay một bộ phận không chấp nhận sự “vùng lên” đấu tranh quyền được hạnh phúc, được bình đẳng ấy của phụ nữ thì sẽ xem đó là sự “phá vỡ” giá trị của gia đình. Nhưng thực chất điều đó không đúng.

Tiếp biến văn hóa và níu giữ giá trị truyền thống gia đình 
Cùng với xu thế hội nhập toàn cầu, gia đình đa văn hóa cũng gia tăng và phát triển song hành với gia đình thuần Việt. Ông nhận thấy “nếp nhà” trong loại hình gia đình đa văn hóa này như thế nào?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Thực tế lịch sử cho thấy, các cộng đồng người không cô lập với nhau, mà luôn diễn ra quá trình giao lưu, tiếp xúc. Trong văn hóa học, người ta nhắc đến quy luật thích ứng và biến đổi hay còn gọi là quá trình tiếp biến văn hóa. Đây là quy luật của bất kỳ nền văn hóa nào trong quá trình tồn tại và phát triển. Theo đó, gia đình đa văn hóa, hay quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là một tất yếu trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế ở khắp các quốc gia trên thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. 

Ngày nay ở Việt Nam, một gia đình có nhiều quốc tịch không phải là “của hiếm” nữa, mà nó đang trở thành một kiểu loại, một mô hình gia đình trong hệ thống gia đình người Việt hiện đại. Đấy là kết quả trực tiếp của quá trình chúng ta du nhập, phát triển theo sự hội nhập quốc tế.

Trong các gia đình đa văn hóa sẽ có xu hướng phát triển theo văn minh phương tây, văn minh “ngoại lai”. “Nếp nhà” của gia đình đa văn hóa được bổ sung nhiều giá trị nhân văn, ngoài giá trị truyền thống đã có. Ở một góc độ, trong đó có xu hướng đối chọi, xói mòn những giá trị truyền thống đáng kể, nhưng nó cũng có sự gia tăng các giá trị của thế giới hiện đại, âu hóa, văn minh.

Điều đó thể hiện ngay ở quan hệ các thành viên, quy mô gia đình có tác động văn hóa ngoại lai, quy mô gia đình ít con, không chấp nhận gia đình nhiều con, nhiều thế hệ sống chung, quyền cá nhân “lên ngôi” nhiều hơn trong gia đình đa văn hóa. 

Có ý kiến cho rằng gia đình trẻ hiện nay sống theo mô hình hạt nhân hóa nên đa số “thoát ly” các giá trị truyền thống. Theo ông, điều này đúng không? 

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Nói theo lý thuyết là như thế nhưng nếu nhìn vào thực tế, chúng ta thấy điều đó không hẳn đã đúng hoàn toàn. Dù phát triển theo xu hướng hiện đại nhưng gia đình trẻ không tách khỏi các giá trị gia đình truyền thống, mà chỉ “biến hóa” nó theo một cách để phù hợp hơn cho cả hai bên cha mẹ và con cái.

Với gia đình truyền thống, thế hệ người già có xu hướng hoài cổ, thích phục cổ và họ không không chấp nhận văn hóa gia đình mới. Nhưng trong xu thế phát triển của cuộc sống hiện đại, phản ứng của họ lại yếu ớt và họ buộc phải chấp nhận thay đổi. Chúng ta thấy ngày nay, cha mẹ đã chấp nhận, nhượng bộ để con cái sống riêng thay vì sống chung nhiều thế hệ dưới một mái nhà theo mô hình tam, tứ đại đồng đường như trước đây.

Về phía các gia đình trẻ, họ muốn sống riêng theo mô hình gia đình hạt nhân nhưng vẫn lưu giữ “nếp nhà” chăm sóc, báo hiếu cha mẹ bằng cách lựa chọn sống riêng nhưng sống gần chứ không sống xa, tách biệt hẳn. 

Bên cạnh đó, còn có một bộ phận lớp trẻ hướng về giá trị truyền thống theo cách nhìn nhận gia đình truyền thống xưa khác lạ đối với họ. Họ thích sự khác lạ đó, muốn quay trở lại và tìm cách khôi phục các giá trị truyền thống. 

Năm mới đã đến, các gia đình Việt đang rộn ràng đón Tết với nhiều màu sắc và xu hướng khác nhau. Ông nhận xét thế nào về xu hướng đón Tết hiện đại của các gia đình ngày nay?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Ở một góc độ, chúng ta thấy một bộ phận gia đình đang có xu hướng đón Tết dịch chuyển, đi du lịch đón năm mới xuyên quốc gia, thậm chí là ở nước ngoài. Nhưng đây chỉ là một bộ phận nhỏ chứ không phải là đa số. Bộ phận này tập trung ở những gia đình hạt nhân có điều kiện kinh tế. Thêm vào đó là do điều kiện xã hội, số lượng ngày nghỉ của viên chức, công chức, người lao động trong dịp Tết dài từ 7-9 ngày, có năm còn hơn… Điều này sẽ tác động đến kế hoạch chi dùng thời gian của các gia đình.

Thế nhưng, Tết trong tiềm thức của người Việt, của gia đình Việt vẫn là sự quây quần đoàn tụ, sum vầy. Đây là giá trị bất biến dù cho ngày nay bộ phận gia đình hiện đại đang có những xu hướng đón Tết khác. Cuộc sống hiện đại với sự phát triển, thay đổi từng ngày nhưng vẫn đang nỗ lực giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bằng nhiều hình thức khác nhau.

Chúng ta thấy nhờ các dịch vụ gia đình phát triển mà ngày nay các bà nội trợ không còn vất vả và mất nhiều thời gian vào bếp để chuẩn bị mâm cỗ Tết truyền thống như ngày xưa, nhưng các món ăn ngày Tết vẫn đầy đủ để dâng lên ông bà tổ tiên trong mấy ngày Tết, và làm hài lòng các thành viên trong gia đình cũng như khách đến chơi nhà Tết. Hương vị Tết truyền thống theo đó vẫn được giữ gìn, vẫn là sợi dây gắn kết các thế hệ, các thành viên trong gia đình. 

Trân trọng cảm ơn ông! 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.