Nếp nhà xưa và nay

Minh Châu
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tiếng sấm rền vang trong cơn mưa đêm mùa hạ khiến tôi choàng tỉnh. Tôi bỗng nhớ chính tôi gần hai thập kỷ trước. Cũng trong cơn mưa ấy, tôi đã được cùng bố xoay chiếc cần ăng-ten để bắt sóng vô tuyến.

Nếp nhà xưa và nay - ảnh 1

Những ngày hè mưa bão, gió xô đổ cần ăng-ten, vô tuyến thu về những hình ảnh méo mó, cả nhà tôi đành lắng nghe bản tin thời sự giữa những tạp âm chập chờn. Sáng hôm sau, tôi lon ton cùng bố trèo lên mái nhà mới biết, bão đã quật chiếc cột tre ăng-ten gãy làm đôi. Bố tôi gia cố cần ăng-ten bằng những đoạn cao su non nẹp chặt rồi dựng lại vị trí ban đầu. Cứ như vậy, cột ăng-ten ấy không biết đã dựng đi dựng lại bao nhiêu lần qua những mùa giông bão tuổi thơ tôi.

Tôi đã từng nhìn hành động ấy của bố bằng một sự trầm trồ. Đôi mắt ấu thơ của tôi nghĩ rằng bố có thể sửa chữa được mọi thứ. Cho đến ngày mà tôi dần lớn lên, những thứ được bố sửa chữa trong nhà ngày một nhiều lên: Đôi giày mòn đế bố mang được bố tự đắp một lớp đế mới, chiếc tủ bạc màu được bố đắp thêm một lớp gỗ dưới chân cho khỏi cập kênh… Và nhìn lên mái nhà, chiếc cần ăng-ten từ những ngày tôi còn bé xíu vẫn ở đó, chằng chịt những vòng cao su non, mỗi vòng cao su mới như là minh chứng tôi đã thêm một tuổi đời.

Tôi bắt đầu thắc mắc, lâu dần thành khó chịu, tại sao có nhiều thứ đồ đã hỏng mà bố nhất quyết không chịu bỏ đi. Phải chăng, đó là hệ quả của lối tư duy có từ thời bao cấp, khi mà thế hệ trước ai cũng muốn giữ lại nhiều hơn thải hồi. Tôi không muốn sớm muộn căn nhà của tôi sẽ trở thành một “viện bảo tàng” thu nhỏ cho những món đồ đã hết thời ấy.
Một hôm, khi thấy bố đang lọ mọ lôi chiếc xe đạp cũ ra ngoài sân tháo tháo lắp lắp, tôi hỏi thẳng bố tại sao không bán chiếc xe cũ đi, dành dụm để mua một chiếc xe mới, cũng như những đồ đạc trong nhà, tại sao không thay thế bằng những đồ mới đi, vì gia đình tôi cũng đâu đến nỗi quá thiếu điều kiện đến thế. Nghe tôi nói vậy, bố chỉ mỉm cười, gọi tôi lại hiên nhà, ngồi xuống và bảo:

“Con có biết tại sao bố luôn luôn muốn giữ lại những đồ đạc cũ trong nhà mà không bỏ đi hay không? Vì chúng khiến bố nhớ lại bố của ngày xưa và chúng cũng nhắc bố sẽ mãi nhớ về con như là con của những ngày thơ bé. Cảm xúc ấy không đơn thuần chỉ là sự hoài niệm, là tình yêu thương của bố dành cho con mà còn là cách bố muốn gìn giữ tuổi thơ của con, thanh xuân của con một cách thật trọn vẹn. Con đang lớn lên từng ngày. Bố tự hào lắm nhưng bố cũng sợ rất nhiều. Và điều mà bố sợ nhất chính là cái cách mà những người trẻ như con đánh mất đi những giá trị cũ mà các con từng mang cả một thời thơ ấu. Bố lo rằng, tốc độ của sự lãng quên ấy còn nhanh hơn tốc độ ồ ạt mà thời đại mới đang kéo về.

Chiếc cần ăng-ten, đôi giày, chiếc tủ hay cả chiếc xe đạp nhà mình đâu chỉ là những vật dụng đơn thuần mà nó còn đại diện cho cả thời đại mà bố trân quý, thời đại mà con người ta sống với những giá trị giản đơn nhất, vô tư không tạp niệm. Con người đối xử với nhau bằng sự chất phác và các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau bằng những nếp nhà chân phương. Thế hệ trẻ dễ dàng bỏ đi những món đồ cũ hỏng thay vì cố giữ lại và sửa chữa chúng. Hệt như cái cách các con dễ dàng đánh mất những giá trị cũ, nếp nhà cũ để làm quen với những nét văn hoá của thời đại mới. Đôi khi, mới mình lại là mất mình, con ạ".

Đến bây giờ, những lời bố tâm sự buổi chiều hôm ấy vẫn như đang vang vọng bên tai tôi. Và giờ đây, tôi như càng thêm thấm thía những lời bố nói. Quả thực, thế hệ trẻ chúng tôi càng đánh bạo theo đuổi những nếp sống mới thì càng dễ đánh mất những nếp nhà cũ, những điều mà ngày xưa chúng tôi từng coi là thói quen chẳng bao giờ buông bỏ. Chúng ta quen với những bữa ăn nhanh, những cuộc nhậu vội chứ chẳng còn coi trọng những bữa ăn quây quần cùng gia đình. Chúng ta thích nhìn vào màn hình điện thoại, mỗi thành viên một góc và trên tay là một chiếc điện thoại thông minh thay vì cùng gia đình quây quần để theo dõi các chương trình trên vô tuyến. Những ngày lễ tết, con cháu cũng thích vui vầy với những kế hoạch riêng thay vì trở về thăm nội ngoại… Những giá trị truyền thống ấy giờ đây chỉ còn biết sống trong cái bóng vàng son của chính mình…

Thế nhưng, tôi cũng chợt nghĩ rằng, phải chăng, chúng ta đang phần nào đó định kiến khi cho rằng thế hệ ngày nay lúc nào cũng chỉ biết gạt bỏ những nếp nhà cũ để làm quen với những nếp sống mới. Sẽ thật không công bằng khi nói rằng con người thời đại mới không biết giữ lại, không biết sửa chữa những giá trị truyền thống xưa cùng gia đình. Ngay cả chiếc cần ăng-ten cũ của bố, dù thanh tre phía dưới nhiều đoạn đã phủ đầy rêu mục thế nhưng chẳng phải những nhánh ăng-ten kia vẫn hướng về phía trước để thu vào mình những tần số mới hay sao?

Thật ra, chính cái cách mà chúng ta đón nhận những nếp sống mới là chúng ta cũng đang giữ lại, đang sửa chữa những nếp nhà xưa cho hợp với thời đại đó chứ? Không phải là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" nữa mà là cha mẹ sẽ luôn tôn trọng những điều mà con chọn lựa. Không phải là “yêu cho roi cho vọt” nữa mà là yêu cho con được lên tiếng. Không phải Tết lúc nào cũng phải cùng nhau ở nhà bên mâm cơm thắp hương nữa mà Tết cũng có thể là Tết du lịch. Vì chẳng phải đâu cũng là “Tết nhà” miễn là gia đình có nhau hay sao…

Thiết nghĩ, là những người trẻ trưởng thành giữa hai mùa thời đại, tôi và chúng ta sẽ cần phải có trách nhiệm trong việc viết tiếp những nếp nhà truyền thống, để nếp nhà xưa và nếp nhà nay sẽ thực sự không còn khoảng cách. Có thể bố tôi sẽ vẫn ôm vào lòng những nếp nhà xưa mà bố luôn tôn thờ như cái cách mà bố nhất định không chịu hạ chiếc cần ăng-ten ngày xưa xuống. Nhưng một ngày nào đó, tôi sẽ trở về bên bố, mua một chiếc tivi tặng gia đình và thủ thỉ với bố như cái cách ngày xưa mà cô bé ba tuổi từng thủ thỉ:“Trong chiếc tivi mới này có cả ăng-ten ảo để thoải mái bắt sóng như xưa rồi, bố ạ".

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

(PNTĐ) - Như một phép màu, sau 57 năm thất lạc, ông Chu Nghiêm (sinh năm 1941, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) và con gái là chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1967, trú tại xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã tìm được nhau nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Công an phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.