Ngày xưa của bố

Linh Lê
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hôm đó, cu Tít cùng bố dọn dẹp nhà cửa. Khi thấy bố mang từ trong tủ ra một chiếc cặp táp, Tít hào hứng lắm. Bởi, trong chiếc cặp táp ấy chứa đựng cả một kho báu mà Tít rất muốn khám phá.

Được sự cho phép của bố, Tít nhẹ nhàng mở cặp táp ra. Bên trong là những món đồ khác nhau. Này là một cuốn album đã cũ, nhiều tấm ảnh đã hơi ố vàng. Tít cầm một tấm lên, trong ảnh đàn trẻ con mặc quần xà lỏn, chân đi dép tổ ong, đầu trần đứng ngồi lố nhố trên thảm cỏ. Tít nhìn mãi, chẳng nhận ra ai bèn hỏi bố.

Bố cười phá lên, chỉ cho Tít một bạn trai nhỏ thó, ngồi ở rìa bên phải ảnh: “Đây là bố ngày xưa đó. Hồi này chắc bố hơn Tít độ 2, 3 tuổi nhưng do thiếu ăn nên bố nhỏ thó chứ không cao to như Tít bây giờ”. Tít ngạc nhiên, dụi mắt ngắm lại thật kỹ anh bạn trong ảnh. Nghe bố nhận đó là mình, Tít mới có cảm giác bạn đó có nhiều nét quen quen thật, nhất là đôi mắt sáng như biết cười.

Tít hỏi bố: -Ngày xưa hè về là bố và các bạn thường rủ nhau đi “bêu” nắng vậy ư?

Bố gật đầu: - Ngày xưa, các bố mẹ đều bận đi làm. Ở nhà chỉ còn lại toàn trẻ con tự trông nhau thôi. Ngày xưa làm gì có điện thoại, internet, cũng chẳng có nhiều đồ chơi đẹp và hiện đại như bây giờ. Vì vậy, trẻ con phải tự nghĩ ra các trò để chơi. Nào thì chơi ném lon, bắn bi, chọi cỏ gà, ô ăn quan... chán nữa thì ra đồng trốn tìm, “tắm nắng”.

Tít lại tìm tiếp trong cặp táp, có một chiếc nhẫn được đan bằng dây điện. Tít đưa cho bố xem và thắc mắc: “Đây có phải là nhẫn thời xưa không bố?”. Câu hỏi của Tít khiến bố như được trở về với thời thơ ấu. Hồi đó, trò đan nhẫn bằng dây điện phổ biến lắm, trẻ con nào gần như cũng có một cái. Bố còn có cả một bộ sưu tập, nhưng rồi mất dần. Chiếc nhẫn này, bố không hiểu nằm trong cặp táp từ lúc nào. Thế nên, nó mới may mắn được giữ lại.

- Những chiếc nhẫn như thế này giờ là đồ quý hiếm đó. Các bạn bố đều đã trở thành “bố của trẻ con”, “có người còn lên chức ông, bà rồi” và chắc không còn ai nhớ gì về nó nữa.

Ngày xưa của bố - ảnh 1
Ảnh minh họa

Những câu chuyện bố kể càng khiến Tít muốn khám phá mãi kho báu bên trong chiếc cặp táp. Lát sau, Tít rút ra một cuốn sổ giấy, bên ngoài có đề “Sổ liên lạc” giữa gia đình và nhà trường mang tên bố. Tít mở giữa cuốn sổ ra, bên trong là kết quả học tập của bố năm lớp 7. Bố được xếp thứ 30/32 học sinh. Ở dưới là những dòng chữ đều tăm tắp của cô giáo: “Học lực trung bình. Hạnh kiểm Khá. Chưa thực sự chăm ngoan. Em cần rèn luyện nhiều hơn trong năm học tới. Được lên lớp”.

Tít không dám tin đây là những dòng cô giáo nhận xét về bố mình. Bởi, trong mắt Tít, bố thực sự hoàn hảo. Bố giỏi giang, lại hiểu biết, luôn bảo ban, dạy cho Tít nhiều bài học bổ ích. Hóa ra, bố học cũng “nhàng nhàng” như Tít bây giờ.

Có lẽ, nhìn ra vẻ mặt ngỡ ngàng của Tít nên bố nói luôn: “Đúng rồi con ạ. Ngày trước, bố còn ham chơi, lười học. Nhiều lần bố vi phạm kỷ luật như đánh bạn, đi học muộn nữa”.

- Vậy mà con cứ tưởng - Tít nói xen lẫn sự thất vọng.

- Thì trước khi làm người lớn, bố cũng là trẻ con như Tít thôi. Bố  còn nhiều thiếu sót lắm.

Sau đó, bố chủ động lấy từ bên trong cái cặp tap ra một đoạn thước gỗ đã bị gẫy, màu nâu véc ni đã nhạt nhiều. Bố trở nên xúc động hơn, kể: “Bố cho con xem, đây là chiếc thước kẻ ngày trước bà thường treo ở góc bàn học của bố. Mỗi lần bố hư, bà thường lấy thước ra dọa phạt. Nhưng bà lại chưa hề đánh bố lần nào nên bố vẫn không sợ. Năm bố lên lớp 8, bố còn trốn học rủ bạn đi ra sông tắm. Vì việc ấy mà bạn bố suýt bị đuối nước. Biết chuyện, bà giận quá, tự cầm thước đánh vào tay bà tới mức gãy đôi cả thước vì không dạy được con. Lần đó, bố đã vô cùng sợ hãi. Bố cảm giác mình rất đau như bị chính bà đánh vào cơ thể mình vậy. Và thế là từ đó, bố quyết tâm thay đổi, tu chí học hành. Bố giữ lại một đoạn thước gỗ để nhắc nhở mình đừng phạm thêm lỗi để bà phải buồn”.

Đến bây giờ thì Tít đã hiểu nhiều hơn về bố. Ngày xưa của bố có những ký ức đẹp đẽ, vui nhộn nhưng cũng có cả những lúc mải chơi, trốn học. Nhưng, cuối cùng, bố đã thay đổi và được như ngày hôm nay. Bố đã có thể đón bà từ quê lên để phụng dưỡng bà.

- Bố ơi, vậy thì nếu quyết tâm, con hoàn toàn có thể chăm ngoan, học giỏi được phải không bố? Con cũng muốn làm cho bố mẹ vui như bố muốn làm cho bà vui ạ.

- Đúng vậy, Tít hãy cố gắng lên nhé. Không quan trọng mình đã từng thế nào mà là mình có muốn thay đổi không. Khi nào nản chí, hãy nhớ lại câu chuyện bố kể hôm nay.

Bố vuốt mái tóc của Tít trìu mến nói.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hai chiếc giường trong phòng ngủ của bố mẹ

Hai chiếc giường trong phòng ngủ của bố mẹ

(PNTĐ) - Hơn 20 năm nay, chị em tôi quen với hình ảnh trong phòng ngủ của bố mẹ kê hai chiếc giường thay vì một như những nhà khác. Mẹ giải thích, chiếc giường đó, bố sẽ sử dụng cho những hôm bố uống rượu nhiều; còn lại những ngày bình thường, bố mẹ vẫn ngủ chung trên chiếc giường hạnh phúc. Nhưng hóa ra, câu chuyện đó không hẳn như vậy…
Cha mẹ cùng con vượt sốc “hỏng thi”

Cha mẹ cùng con vượt sốc “hỏng thi”

(PNTĐ) - Cứ sau mỗi mùa thi, lại có không ít câu chuyện buồn xảy ra. Có em đã tìm đến cái chết vì thi trượt vào trường yêu thích. Có em tuyệt vọng, bỏ nhà đi lang thang, tự oán trách mình làm ảnh hưởng tới danh dự của gia đình.
Đừng chờ con lớn mới dạy... bơi

Đừng chờ con lớn mới dạy... bơi

(PNTĐ) - Biết bơi là kỹ năng sinh tồn quan trọng, việc chọn đúng thời điểm, đúng độ tuổi sẽ giúp trẻ học nhanh hơn, an toàn và không bị sợ nước, góp phần giúp mỗi chuyến đi của con và gia đình thêm an tâm, vui vẻ.
Bảo vệ con trên môi trường số

Bảo vệ con trên môi trường số

(PNTĐ) - Hiện nay, internet và các thiết bị số đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi gia đình, đặc biệt là với trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, môi trường số cũng ẩn chứa không ít thách thức và hiểm họa khó lường với trẻ.
Bài học yêu thương sau cú ngã của mẹ

Bài học yêu thương sau cú ngã của mẹ

(PNTĐ) - Hôm ấy, tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác lạnh toát sống lưng khi bố tôi nghe điện thoại gọi đến từ bệnh viện: “Vợ anh gặp tai nạn giao thông, hiện vẫn hôn mê, đang được cấp cứu”. Có vẻ bố tôi không kịp nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ biết cầm áo khoác, lấy chìa khoá xe máy rồi lao ra đường, còn tôi nước mắt chực trào còn chân thì muốn khuỵu xuống.