Người cha không cùng giọt máu

M.Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.

Thế nhưng, hạnh phúc của chị kéo dài không lâu. Trong một lần đi làm, chồng chị đột ngột ra đi bởi tai nạn giao thông. Chị như người từ trên cao rớt xuống vực sâu. Cuộc sống sau đó của ba mẹ con rất khó khăn. Trước đây, do sức khỏe chị yếu nên mình anh cáng đáng kinh tế gia đình, chị chỉ biết lo nội trợ, không nghề nghiệp, không vốn liếng.

Chồng mất, quê nhà lại xa, cha mẹ đã già yếu không cậy nhờ được ai nên chị buộc phải tập tành buôn bán để nuôi con bằng sạp rau nhỏ trước nhà. Mỗi sáng chị dậy từ 3 rưỡi đi chợ đầu mối lấy hàng rồi chở về bán lẻ. Nhận thấy khu này nhiều người lao động thuê trọ, chị lấy thêm mì gói, nước mắm, đồ khô… về bán.

Hàng của chị giá phải chăng, chị lại xởi lởi nên việc buôn bán dần đắt khách. Dần dà, sạp rau của chị đã phát triển thành cửa hàng tạp hóa nhỏ. Cuộc sống của 3 mẹ con cũng ổn định hơn.

Người cha không cùng giọt máu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Gần 3 năm sau ngày chồng chị mất, chị gặp anh, một trong những khách quen của chị. Khi ấy anh 42 tuổi. Những câu chuyện xoay quanh đề tài gia đình khiến anh và chị gần nhau hơn. Vợ chồng anh lấy nhau nhưng không có con. Nguyên nhân là từ vợ anh.

Thương vợ, anh luôn động viên vợ nhận con nuôi về cho vui cửa vui nhà nhưng vợ anh không muốn. Sau gần chục năm ở cùng nhau thì vợ anh mãi mãi ra đi từ 2 năm trước do căn bệnh ung thư.  Anh ít nói, có vẻ hơi nhút nhát, song anh đến với chị bằng tình yêu chân thành, quan tâm mẹ con chị chu đáo.

Mỗi khi đến nhà chị chơi, anh thường xuyên mua quà, chơi cùng hai đứa trẻ, thỉnh thoảng thay chị đưa chúng đi chơi công viên vì chị bận bán hàng. Anh thường nói thèm không khí gia đình, thèm nghe tiếng khóc, tiếng cười của con trẻ, nghe tiếng bi bô hay ê a học bài của chúng.

Thấy anh chân tình, chị cũng khát khao tìm được bến đỗ và mong có người bố chăm sóc các con, qua 3 năm để tang chồng, chị đã đồng ý kết hôn cùng anh.

Từ ngày lấy anh, chị giao cửa hàng lại cho anh để lui về chăm sóc con và sinh thêm một bé trai với anh. Anh chăm chỉ, thật thà nên mọi người quý mến, hay qua lại cửa hàng khiến công việc kinh doanh ngày một phát đạt hơn. Ban ngày lo việc ở cửa hàng, tối đến anh luôn dành thời gian cho các con.

Ở anh không có sự phân biệt con chung, con riêng. Chị nhớ mãi ngày những hôm hè trời nóng hầm hập, nhà thì nhỏ, điện thì yếu không chạy được quạt, anh cầm quạt nan quạt cho các con ngủ cả đêm.

Thường buổi tối, anh vừa trông con trai nhỏ để chị nghỉ ngơi vừa động viên con gái học bài. Bé trai trong vòng tay anh vừa nghe anh kể chuyện, vừa được vỗ vỗ nhẹ vào lưng nên chả mấy mà lăn ra ngủ. Nhiều hôm hai bố con nằm ngủ luôn dưới sàn nhà trong mùa hè nóng bức.

Người cha không cùng giọt máu - ảnh 2
Ảnh minh họa

Thời gian dần trôi, các con chị lớn dần lên, học hành nên người trong vòng tay thương yêu chăm sóc của gia đình mà anh luôn là trụ cột. Hai đứa con gái của chị “dính” anh còn hơn chị. Đi đâu cũng muốn anh đi cùng. Lắm khi anh không đi là chúng cũng không đi.

Trong thâm tâm chị luôn biết ơn anh đã cùng chị nuôi dạy các con nên người. Con gái lấy chồng, gia đình bàn bạc xem ai là người sẽ đại diện phát biểu tại đám cưới thì con gái nói: “Bố không sinh ra con nhưng bố đã chăm sóc con từ nhỏ. Con rất biết ơn bố đã làm bố của con.

Ngày mai con sẽ rất hạnh phúc nếu được bố dắt con vào hôn trường và phát biểu tại lễ cưới”. Nghe con nói, anh rưng rưng xúc động. Chị cũng lặng lẽ chấm nước mắt.

Hôm sau, khi MC giới thiệu, anh chỉ nói mấy lời cảm ơn gia đình, bạn bè đã đến dự đám cưới của con rồi cầm tay chú rể đặt lên tay con gái và nói: “16 năm trước mỗi khi đi đâu bố đều nắm bàn tay này từ lúc bé xíu đến giờ bố vẫn luôn nắm chặt. Giờ đây cô bé ấy đã nên người, lập gia đình nên từ hôm nay trở đi, việc này bố giao lại cho con. Con hãy luôn nắm chặt tay của em để mỗi bước đi sau này em đều cảm nhận được sự thương yêu, che chở của con giống như bố đã từng che chở, chăm sóc em con nhé”.

Con gái chị đứng trên sân khấu xúc động khóc trôi cả son phấn cô dâu. Riêng chị thì lặng đi, kìm nén không để những dòng nước mắt tuôn ra.

Hai năm sau đến lượt đứa thứ hai lấy chồng. Trước ngày cưới, anh gọi con rể đến nhà và đưa cho cây lược chải đầu nói: “Ngày trước, mỗi sáng dậy chả hiểu sao bé Loan chỉ cho bố chải đầu mà không cho mẹ động vào. Lâu dần thành thói quen. Mãi đến khi con bé đi học đại học thì mới không làm nũng bố chải đầu cho nữa. Đây là cây lược bố đã chải đầu cho em khi còn nhỏ. Giờ bố đưa lại cho con để con chăm sóc em thay bố”.

Các con lập gia đình ra riêng xa nhà nhưng lúc nào anh cũng quan tâm, gọi điện hỏi han và động viên các con. Hàng ngày, nếu không thấy chúng điện thoại về nói một hai câu là anh nhắc. Dù gia đình có lập nhóm zalo nhưng anh bảo những con chữ đó trên điện thoại không thể thay thế giọng nói của con người.

Hàng tháng, nếu các con bận không về là anh lại cùng chị đi thăm chúng. Khi đi anh sắp quà riêng cho từng nhà. Anh nhớ từng sở thích nhỏ của các con, các cháu rồi tỷ mỉ chuẩn bị quà cho phù hợp để mang đi cho chúng. Gia đình đứa nào có chuyện giận hờn là anh khuyên bảo, dỗ dành, hòa giải. Các cháu ngoại nếu cha mẹ chúng không có điều kiện chăm sóc thì anh bảo đưa chúng về anh nhận trông coi.

Người cha không cùng giọt máu - ảnh 3
Ảnh minh họa

Đến bây giờ khi các con đã yên bề gia thất, mỗi khi hai vợ chồng bên nhau chị lại thấy mình thật may mắn khi chị có anh, khi hai con gái của chị có người bố thứ hai của mình. Một người không cùng giọt máu nhưng về sống chung một mái nhà, đùm bọc và chở che, luôn dành tình yêu thương trọn vẹn cho gia đình.

Trong cuộc đời, có những lúc chị đã trải qua khổ đau, nhưng cuối cùng, chị lại được ông trời bù đắp. Anh không giàu có, không phải là tài tử nhưng luôn là tất cả với chị và các con.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.