Phân chia tài sản khi ly hôn:

Người gây ra lỗi phải nhận tài sản ít hơn

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đó là câu chuyện ghi nhận từ thực tế cuộc sống hôn nhân của bà L.T.U và ông L. V.T ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Khi ra tòa ly hôn, ông T đã đề nghị “chọn” một phần tài sản theo mong muốn của mình nhưng đã bị TAND thị xã Nghĩa Lộ bác yêu cầu vì ông T là người có lỗi trong hôn nhân.

Người gây ra lỗi phải nhận tài sản ít hơn - ảnh 1
Khi ly hôn, căn cứ vào mức độ lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ Tòa án xem xét chia tài sản theo hướng người nào có lỗi, lỗi nhiều hơn thì sẽ nhận được tài sản ít hơn Ảnh: Minh họa

Chồng đòi “chọn” tài sản theo mong muốn khi ly hôn
Theo bà U trình bày, bà và ông T tổ chức lễ cưới vào năm 1986 nhưng không đăng ký kết hôn. Đến năm 2021, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân một phần do tính cách, quan điểm sống bà và ông T không hợp nhau, nhưng đặc biệt, ông T có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác từ đó thường xuyên gây sự, đe dọa và có hành vi bạo lực đối với bà nhiều lần. Bà U xác định tình cảm vợ chồng không còn, không thể tiếp tục cuộc sống chung với ông T nên đề nghị tòa án giải quyết ly hôn. Về tài sản, vợ chồng có 1 căn nhà sàn 3 gian, chuồng trại được làm trên diện tích đất 295m2, tổng trị giá 100 triệu đồng. Bà đề nghị được sở hữu căn nhà và đất ở, bà sẽ thanh toán cho ông T 50 triệu đồng. Ngoài ra là một số tài sản khác nữa. 

Tại Tòa, ông L.V.T cũng thừa nhận tình trạng quan hệ hôn nhân và việc ông có quan hệ với người phụ nữ khác. Ông đồng tình với số tài sản chung của vợ chồng nhưng lại đề nghị nếu ly hôn sẽ được sở hữu nhà ở, đất ở và ông sẽ thanh toán cho bà U 50 triệu đồng. Tại phiên tòa, ông đề nghị chia nhà và đất ở thành 3 phần, ông T nhận 2 phần, bà U hưởng 1 phần vì nguồn gốc đất ở do bố mẹ ông để lại. Ngoài ra, ông cho biết năm 2021 gia đình đã bán trâu được 45 triệu đồng gửi tiết kiệm nên đề nghị tòa án xem xét chia đôi số tài sản trên. Tuy nhiên, bà U khẳng định, tiền tiết kiệm của hai vợ chồng chỉ có 20 triệu đồng chứ không như ông T trình bày. 

Theo nhận định của tòa án, bà U và ông T mặc dù không đăng ký kết hôn nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 131 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, được coi là hôn nhân thực tế. Về tài sản chung, bà U và ông T đều thừa nhận có tài sản chung là nhà sàn 3 gian và chuồng trại được làm trên diện tích đất 295m2 có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở mang tên hai vợ chồng, tổng trị giá 100 triệu đồng. Do bà U, ông T không thỏa thuận được về chia tài sản khi ly hôn nên căn cứ Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố khác theo quy định của pháp luật, trong đó có yếu tố "Lỗi của mỗi bên trong vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng" (điểm d khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình).

 Hội đồng xét xử thấy rằng ông L.V.T là người có lỗi trong vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng, nên cần giao cho bà U được sở hữu toàn bộ căn nhà và đất ở. Bà U thanh toán tiền chênh lệch trị giá tài sản cho ông T 50 triệu đồng. Đối với tiền tiết kiệm ngân hàng, ông T không có chứng cứ nào để chứng minh ngoài lời trình bày của mình. Do đó chỉ có căn cứ xác định ông bà U-T có số tiền gửi tiết kiệm là 20 triệu đồng như bà U trình bày. Đây là tài sản chung của vợ chồng được chia đôi khi ly hôn. 

Đảm bảo quyền lợi cho người chịu thiệt thòi trong quan hệ hôn nhân 
Theo luật sư Trần Thị Thanh Lam, văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 được hướng dẫn tại khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia như: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. 

Trong đó yếu tố Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng theo Thông tư liên tịch số 01/2016 hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn. Lỗi ở đây có thể là hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản… mà các lỗi này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn. Nếu một bên có lỗi nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn thì không xem xét, đánh giá khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Những hành vi vi phạm sẽ là một trong những căn cứ được Tòa án xem xét khi phân chia tài sản. Căn cứ vào mức độ lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ Tòa án xem xét chia tài sản theo hướng người nào có lỗi, lỗi nhiều hơn thì sẽ nhận được tài sản ít hơn.

Về công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, được hiểu là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Sự đóng góp đó có thể trực tiếp bằng sức lao động hoặc tài sản mà người đó bỏ ra để tạo nên tài sản chung của vợ chồng như dùng tài sản riêng để sửa chữa, cải tạo, tu bổ làm tăng giá trị của tài sản chung, tài sản riêng của mỗi bên đem nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng…

Như trong vụ án trên, ông T đề nghị Tòa án tính đến công sức đóng góp tài sản vào tài sản chung đó là nguồn gốc đất ở do bố mẹ ông để chia cho ông tỷ lệ tài sản nhiều hơn. Tuy nhiên khi giải quyết, Tòa án còn xác định đến các yếu tố khác, trong đó Tòa án đã xác định ông T là người có lỗi trong vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng do đó khi phân chia tài sản chung đã giao cho bà U được sở hữu toàn bộ căn nhà và đất ở và thanh toán giá trị cho ông T, đây được xem là sự đảm bảo quyền lợi cho người chịu “thiệt thòi” hơn trong quan hệ hôn nhân. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.