Nhọc nhằn cảnh “làm dâu”, “làm rể”...

Chia sẻ

Quyết định tái hôn tìm hạnh phúc nhưng cuộc sống của những người cha, người mẹ ấy lại trở nên nhọc nhằn hơn, bởi cảnh “làm dâu”, “làm rể” con cháu hai bên.

Vợ chồng ông Bình, hàng xóm của tôi là một ví dụ điển hình. Họ vốn là một cặp vợ chồng “rổ rá cạp lại” ở tuổi vào CLB người cao tuổi. Cũng vì con cháu sống riêng, cô đơn vò võ một mình nên họ có sự đồng cảm, thấu hiểu nhau. Cách đây hơn 1 năm, họ quyết định về chung một nhà. Con cháu hai bên ủng hộ, vì nghĩ có người chăm sóc cho cha mẹ mình cũng tốt. Ở tuổi này, họ không phải làm dâu, làm rể cha mẹ hai bên vì tất cả đều đã khuất núi. Tuy nhiên, sau một thời gian chung sống, cả ông và bà đều mệt mỏi với việc làm thế nào để sống cho vừa lòng với con cháu hai bên.

Bà có 6 người con gồm cả dâu, rể và 6 đứa cháu, bên kia ông cũng tương đương. Tất cả con cháu ông bà đều sống cách nhà họ trong vòng bán kính 3-10km. Ban đầu, ông bà muốn tạo sự quây quần với con cháu hai bên nên cuối tuần lại luân phiên gọi các con cháu của ông, hoặc bà về ăn uống sinh hoạt. Nhưng sau đó, con cháu ông thấy bà còn khỏe mạnh, nấu ăn ngon, khéo nên có sự dựa dẫm. Đứa này mang con về gửi cho ông bà trông hộ, đứa kia gọi điện nhờ vả bà ở nhà rảnh rỗi đi chợ giúp, có bữa tiện thể nhờ bà nấu ăn hộ luôn. Bên kia, con cháu bà thấy ông “vẫn được việc” lúc thì nhờ đi đón cháu, lúc sang trông thợ sửa chữa lại nhà… Có đứa biết ông vẫn có nguồn tiết kiệm, thỉnh thoảng lại hỏi “vay mượn nóng” một khoản. Nhìn vào, đó là những việc vẫn thường diễn ra trong các gia đình. Nhưng ở trong cảnh ông bà, nếu không xử lý khéo thì sẽ làm phật lòng con cháu hai bên, ảnh hưởng đến tình cảm của mình.

Dù vậy, trong cuộc sống, họ cũng không thể tránh được những lúc con cháu hai bên nhìn vào cách đối xử của ông bà để so bì, tỵ nạnh. Và để giải quyết vấn đề, ông bà lắm phen đau đầu, mất ăn mất ngủ. Bà bảo ngày xưa làm dâu của mẹ chồng phong kiến, khó tính cũng không thấm gì bằng việc “làm dâu” con cháu của ông bây giờ. Ngược lại, ông cũng than vãn, trách nhiệm “làm rể” ở tuổi xế chiều quá nhọc nhằn với con cháu nhà vợ. Chúng vừa lòng thì ủng hộ tình cảm của ông bà, nếu không chúng lại viện cớ nhờ mẹ sang bên nhà trông cháu dăm bữa nửa tháng, bỏ ông một mình bơ vơ.

Dù già cả nhưng ông bà bao phen phải bỏ tiền bạc tích cóp của mình để giải quyết các vấn đề của con cháu hai bên. Bởi nếu đã giúp con cháu bên này thì con cháu bên kia cũng phải hỗ trợ khi chúng khó khăn. Thậm chí, chúng không khó khăn nhưng thấy người kia được bố mẹ cho thì cũng tìm cách “đòi phần”… kẻo thiệt.

Nhiều lần ông thú nhận với tôi, cuộc sống khi tái hôn, hạnh phúc một phần thì vất vả hai, ba phần, bởi trách nhiệm sống đẹp lòng con cháu hai bên.

Với cha mẹ già khuyết nửa, có thật là tái hôn tuổi xế chiều sẽ bất hạnh nhiều hơn hạnh phúc? Và, nếu sống cảnh “tình nhân” thì sẽ không có vấn đề hệ lụy nảy sinh, có được niềm hạnh phúc lứa đôi tuổi già? Hay, có những lựa chọn sống khác giúp họ hạnh phúc hơn mà vẫn được con cái thuận tình chấp nhận?... là những vấn đề được đặt ra để thảo luận tại diễn đàn này. Các ý kiến xin gửi về chuyên mục Hôn nhân Gia đình - Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội), hoặc email: baophunuthudo@gmail.com. Ý kiến được đăng tải sẽ được tòa soạn trả nhuận bút theo quy định.

Xuất phát từ quan niệm “con chăm cha không bằng bà chăm ông” nên đa số cha mẹ già khuyết nửa đều có mong muốn tái hôn. Nhất là trong nếp sống thời hiện đại, khi con cái kết hôn sống tự lập, tách riêng với cha mẹ phổ biến. Nhưng sự tách riêng ấy lại không có nghĩa là con cháu không quay về “làm phiền”, nhờ vả cha mẹ. Đây là lý do khiến cho một bộ phận cha mẹ tái hôn phải bất đắc dĩ sống cảnh “làm dâu”, “làm rể” con cháu của đối phương.

Nguyễn Thị Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Đánh mất hạnh phúc

Đánh mất hạnh phúc

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.
Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.
Mẹ chồng là tri kỷ

Mẹ chồng là tri kỷ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.
Kho báu của bố

Kho báu của bố

(PNTĐ) - Năm nào cũng thế, trước ngày sinh nhật tôi mấy ngày, bố tôi thể nào cũng gọi điện cho con gái và trịnh trọng thông báo: “Tôi đã cất vào kho lưu trữ của cô rồi nhé”. Kho lưu trữ của bố là một chiếc hộp thiếc, và thứ bố cất là tờ lịch của ngày 25 tháng 4”.