Những gia đình đón Tết muộn

Bài và ảnh: Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng không về nhà đón Tết mà ở lại đơn vị trực sẵn sàng chiến đấu. Tết ra, khi cuộc sống thường nhật trở lại, được thủ trưởng đơn vị tạo điều kiện, các anh em mới lên đường về thăm nhà. Và cái Tết muộn bên người thân bắt đầu...

Những gia đình đón Tết muộn - ảnh 1
Thượng úy Đỗ Văn Anh và vợ cùng đi chơi Tết muộn sau khi anh đã hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị và về phép thăm gia đình.

Đợi anh về để... ra Giêng mình đón Tết

Thượng úy Đỗ Văn Anh, sinh năm 1991, quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc, hiện đang công tác tại Đồn biên phòng cửa khẩu cảng quốc tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Tết đến, ai cũng mong được sum họp, vui vầy bên gia đình. Tuy nhiên, để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, 50% quân số sẽ ở lại đơn vị. Các cán bộ chiến sĩ nào quê xa, có bố mẹ già, gia đình neo người hay... mới cưới vợ sẽ được ưu tiên về nhà vào dịp Tết. Năm nay, anh nằm trong số ở lại đơn vị.

Với hơn 10 năm công tác trong bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, Tết đầu tiên sau khi cưới vợ, Văn Anh được các đồng đội tạo điều kiện cho về nhà đón Tết. Có năm, vợ anh, chị Nguyễn Thị Nguyệt, sinh năm 1993 đưa con đầu lòng vào Quảng Ngãi thăm chồng và đón Tết cùng anh tại đơn vị. Còn lại, đa phần là anh vắng nhà vào thời điểm Tết. Tới khi các đồng đội về nhà đón Tết đã trở lại đơn vị, người dân trở lại với nhịp sống thường nhật, anh mới có điều kiện xin cắt phép để về thăm nhà. 

Vắng chồng, những ngày qua, chị Nguyệt ở nhà vẫn thay anh đảm đang sắm Tết chu đáo. Bố chồng đã mất, anh lại ở xa, nhà chỉ còn lại hai người phụ nữ là chị Nguyệt và mẹ chồng. Việc thờ cúng, thắp hương gia tiên dịp Tết theo truyền thống gia đình thường do nam giới trong nhà đảm nhiệm nhưng nay, chị và mẹ chồng lo liệu hết. Tuy nhiên, đó là cái Tết chung với tất cả mọi người, riêng với gia đình chị sẽ còn thêm một cái Tết thứ hai khi được đón chồng từ đơn vị trở về.

Và vì thế, nhiều năm qua, mẹ con chị Nguyệt vẫn có tâm lý “để dành Tết” đợi anh về. “Sau khi mình về nhà rồi thì cả nhà lại gói bánh chưng lần hai, rồi mổ gà như thể giờ mới là Tết. Họ hàng, người thân, hàng xóm kéo tới nhà hỏi thăm rôm rả. Đại gia đình cùng ăn bữa cơm sum họp đầu tiên, có thể gọi là vừa tất niên mà cũng vừa tân niên luôn” - Thượng úy Đỗ Văn Anh kể lại.

Với chị Nguyệt, bình thường, nếu chồng không về Tết, ngày mùng 2 Tết chị sẽ đưa con đi chúc Tết họ hàng, đi chơi xuân. Nhưng khi nhận được tin anh sẽ về ăn Tết muộn thì kế hoạch đó sẽ được dời lại đợi cả nhà cùng đi với nhau. Chị làm tự do nên thời gian cũng khá linh hoạt. Anh Văn Anh thì tranh thủ thời gian được về phép để được ở bên vợ, chơi cùng con càng nhiều càng tốt. Với gia đình anh, Tết muộn sẽ còn kéo dài trong suốt thời gian anh được về phép. 

Từ ngày hai vợ chồng kết hôn, vì hoàn cảnh mà vợ anh chưa được về ăn Tết nhà ngoại lần nào. Vì vậy, năm nay, anh sẽ dành một phần thời gian nghỉ phép trong tháng Giêng để cùng vợ về nhà ngoại đón Tết muộn. Sau đó, hai vợ chồng lại cùng di chuyển về nhà nội ở Vĩnh Phúc để đón thêm một cái Tết nữa. Anh vẫn nói vui là mình may mắn vì được đón nhiều cái Tết nhất.

“Với tôi, Tết ý nghĩa không phải ở mâm cao cỗ đầy. Tết là khi vợ chồng con cái đoàn tụ. Tết 2024 vừa qua, chúng tôi đã có cái Tết thắm tình đồng đội ở đơn vị. Và bây giờ sẽ là Tết riêng ấm tình thân của tôi bên gia đình”- Thượng úy Đỗ Văn Anh cười tâm sự. 
Về rồi mình cùng nhau đi chơi Tết
Cùng công tác với Thượng úy Đỗ Văn Anh là đội trưởng trinh sát Nguyễn Văn Linh. Chàng trai quê Thanh Hóa hiện mới bước vào tuổi 23. Anh cho biết, đây là cái Tết đầu tiên ở đơn vị. Vì là chiến sĩ trẻ, lại chưa lập gia đình nên anh Linh  có nguyện vọng ở lại trực Tết để các đồng đội khác được về nhà.

Những gia đình đón Tết muộn - ảnh 2
Đội trưởng Nguyễn Văn Linh dự kiến ra Tết sẽ lên đường về phép đón Tết muộn với bố và các chị.

Chưa có gia đình riêng, nhưng, ở quê nhà, anh Linh vẫn có một người cha luôn mong ngóng con trai. Mẹ mất sớm, hai chị gái đã đi lấy chồng, mọi năm, anh Linh thường đón Tết cùng bố. Vì thế năm nay, khi anh Linh ở lại đơn vị, cũng là năm đầu tiên bố anh đón Tết ở nhà một mình. 

Anh Linh dự định sau khi hết Tết, sẽ xin đơn vị cho về quê thăm bố ít ngày. “Trước Tết, bố gọi hỏi con có về ăn Tết không, nghe mình trả lời xong bố cũng hơi buồn nhưng bố xác định mình là bộ đội biên phòng, phải tập trung thực hiện nhiệm vụ trực chiến bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia nên còn động viên mình cứ yên tâm ở lại đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lúc nghe mình nói ra Tết sẽ về phép, bố cũng lại rất vui, nói là sẽ chờ mình để về hai bố con đón Tết muộn - anh Linh kể.

Năm nay ở nhà chỉ có một mình, Tết của bố Linh có phần đơn giản hơn. Hai chị gái thay em trai xuống hỗ trợ sắm sửa đào quất, mua bánh chưng, giúp bố làm cơm. Tuy nhiên, sẽ có một cái Tết to hơn đang đợi khi Linh dự kiến về thăm nhà sau ngày 10 tháng Giêng này. “Cả nhà đã hẹn đợi mình về rồi làm bữa cơm sum họp. Bây giờ trong nhà có món gì ngon, bố đều bảo các chị để dành lại đó, đợi em về”.

Hiện, Linh đã có bạn gái đang hẹn anh hôm tới sẽ cùng nhau đi chơi, thăm gia đình hai bên và du xuân để bù cho những lúc cô phải đón Tết một mình. Bạn gái của Linh xác định khi yêu bộ đội, nhất là bộ đội biên phòng sẽ phải chấp nhận vất vả hơn một chút, thiệt thòi hơn một chút nên cô chưa bao giờ giận dỗi vì không được đón Tết cùng người yêu.

“Hai đứa  sẽ đón Tết muộn hơn một chút, nhưng không sao cả. Khi được ở bên nhau thì lúc đó chính là Tết” - Linh tâm sự.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.