Những ông bố yêu con không bằng lời

THU THỦY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tình yêu của một người bố dành cho con thường ít khi thể hiện bằng những lời ngọt ngào, nhưng lại được ẩn chứa qua từng hành động, từng việc làm nhỏ bé và thầm lặng. Các ông bố có thể không nói nhiều, nhưng những gì họ làm đã nói lên tất cả. Khi con lớn lên, người bố vẫn âm thầm dõi theo, trở thành hậu phương vững chắc, làm bệ đỡ để con yên tâm vững bước trên con đường phía trước.

Đồng hành cùng con từ những bước đi đầu tiên

Gia đình anh Phạm Quốc Huy Linh, một thầy giáo dạy Toán tại Hà Nội, là minh chứng rõ ràng cho tình yêu thương vô điều kiện của người cha dành cho con trai mình – bé Phạm Anh, sinh năm 2014. Dù mới 10 tuổi, Phạm Anh đã có những thành tích ấn tượng không chỉ trong học tập mà còn cả thể thao.

Những ông bố yêu con không bằng lời - ảnh 1
Anh Phạm Quốc Huy Linh luôn đồng hành bên con trai trên chặng đường lớn lên của con

Phạm Anh đã tham gia thi đấu thể thao từ khi mới chỉ hơn 2 tuổi. Cậu bé đã chinh chiến ở nhiều lĩnh vực thể thao như đua xe thăng bằng, lướt sóng, bơi lội, triathlon (ba môn phối hợp), chèo SUP, và đã mang về hơn 40 chiếc cúp từ các giải thi đấu trong và ngoài nước. Không chỉ có thế, Phạm Anh còn rất xuất sắc trong học tập và đã giành nhiều giải thưởng cao, nổi bật trong số đó là Huy chương Vàng Toán học Quốc tế SEAMO X, Huy chương Vàng Khoa học Quốc tế tại HongKong và giải Nhất cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh.

Phía sau những thành tích nổi bật ấy của bé Phạm Anh, luôn có bóng dáng của người bố. Anh Linh không chỉ là một người bố bình thường, mà còn là một người thầy, một người bạn đồng hành tuyệt vời của con. Từ khi Phạm Anh còn trong bụng mẹ, anh đã dày công nghiên cứu rất nhiều về thai giáo và các phương pháp giáo dục con từ sớm. Mỗi ngày, anh đều dành thời gian để trò chuyện với con không chỉ qua lời nói mà còn bằng những giai điệu piano dịu dàng cùng những bài đọc nhỏ về bảng cửu chương trong toán học, giúp con có thể cảm nhận được sự kỳ diệu của cuộc sống ngay từ những ngày đầu.

Khi con chào đời, anh Linh chính là người ân cần chăm sóc trong từng bước phát triển của con. Từ những bài massage nhẹ nhàng, cho đến những buổi đọc sách đầy tình yêu thương và sự kết nối. Trong suốt 6 năm đầu, anh đã thu xếp để luôn có mặt bên con, cùng con chơi thể thao, học tập, khám phá thế giới xung quanh.

Những ông bố yêu con không bằng lời - ảnh 2
Anh Linh cũng là người vạch ra chiến lược, lập kế hoạch và tận tâm huấn luyện con từ những bước đi đầu tiên

Không chỉ tận tâm trong từng bước phát triển của con, anh Linh còn là một người cha đầy sự kiên nhẫn và thấu hiểu. Phạm Anh là cậu bé hiếu động, khó có thể tập trung trong thời gian dài. Dù vậy, thay vì nóng vội hay ép buộc con phải theo khuôn khổ, anh Linh đã tìm hiểu và thay đổi phương pháp để có thể dạy con học theo một cách riêng đầy sáng tạo. Chẳng hạn, trong lúc dạy con học piano, Phạm Anh khó lòng ngồi yên trước đàn chỉ vài phút. Anh Linh đã cùng con chơi đùa, giúp con cảm thấy như đang chơi chứ không phải đang học. Bằng sự kiên nhẫn và tình yêu, anh đã giúp con từng bước tự giác ngồi vào bàn học, từ chỗ khó tập trung đến việc có thể duy trì sự chú ý trong thời gian dài.

Anh Linh cũng là người đã vạch ra chiến lược, lập kế hoạch và tận tâm huấn luyện con từ những bước đi đầu tiên. Qua mỗi chiếc cúp, mỗi thành tích trong học tập của con trai, có lẽ điều mà anh Linh tâm đắc nhất chính là được thấy con lớn lên, từng bước trưởng thành.

Và trong mắt bố, con lúc nào cũng còn nhỏ dại

Không chỉ khi con nhỏ, ngay cả khi con đã trưởng thành, rồi lại làm bố, làm mẹ thì trong mắt các ông bố, những đứa con ở tuổi 30, 40 vẫn còn nhỏ dại và cần được mình hỗ trợ.

Mỗi lần nhắc về bố, là chị Lê Thị Bình lại nghẹn ngào rưng rưng. Chị kể: Mình lấy chồng 10 năm thì cả 10 năm đó đều có sự đồng hành của bố. Mẹ mất sớm, từ nhỏ, bố đã một tay nuôi mình lớn. Rồi trong đám cưới, chính bố lại cầm tay con gái đặt vào tay chồng mình, dặn phải yêu thương mình. Bố gom góp được 200 triệu, đổi ra mấy cây vàng rồi cho mình làm của hồi môn. Bố muốn mình về nhà chồng không bị tự ti là “tay trắng”.

Rồi mặc dù “bàn giao” cho con rể, nhưng, bố vẫn dõi theo hai vợ chồng. Ngày chị Bình sinh con, bố chị thu dọn quần áo, vào bệnh viện ở cùng chị để giúp... con trông cháu ngoại. (bố mẹ chồng chị cũng mất sớm). Ngày đó, bố chị còn nổi tiếng ở khoa sản vì... đi trông con gái đẻ. 1 tháng chị ở cữ, lại là bố cơm bưng nước rót tận nơi. Tới khi chị khỏe mạnh lại rồi, bố vẫn giành làm hết việc nhà để cho con gái nghỉ. Nhà của vợ chồng chị cách nhà ngoại 3 km, nên mỗi lần nấu được món gì ngon, bố lại tỉ mẩn đóng hộp, rồi đạp xe đạp sang cho các con cháu.

Những ông bố yêu con không bằng lời - ảnh 3
Bố luôn là người để con tựa vào (ảnh minh họa)

Đến nay, khi các cháu ngoại đã đi học tiểu học cả, mỗi lần về nhà ngoại, chị Bình vẫn “sướng như công chúa” vì bố chả bắt đụng tay đụng chân vào việc gì. Mâm bát ăn xong, bố cũng bảo con gái, con rể nghỉ đi, bố rửa quen rồi, loáng cái là xong. Rồi tình yêu của bố chị cũng “liên hoàn” chuyển sang cho các cháu. Hễ cháu ốm đau, đi bệnh viện, là chị gọi điện nhờ bố giúp. Cháu biếng ăn, chị cũng bấm điện thoại gọi cho ông ngoại để ông... dỗ từ xa. Mà thật lạ là các cháu, hễ nghe tiếng ông dỗ “ăn đi cháu cho mẹ đỡ mệt” là ngoan ngoãn nghe lời, ăn ngay hết suất.

 Đến tận bây giờ, sau 10 năm, bố chị vẫn giữ nguyên căn phòng chị ở năm xưa, giữ cả đồ đạc, những con gấu bông, gối ôm mà chị yêu quý. Bố chị ít khi nói yêu con mà chỉ dặn: “Bất cứ lúc nào con mệt mỏi, hay là gặp chuyện buồn, không may, thì cứ về nhà với bố. Bố vẫn để phòng cho con đấy”. Nhưng dù dặn dò vậy, bố chị vẫn rất khéo và tinh ý chiều con rể, những mong sẽ chẳng bao giờ phải đón con gái về lại căn phòng xưa.

Những câu nói của bố, những chuyện bố đã làm cho mình khiến chị Bình thấy mình thật sự may mắn khi có bố trên đời.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.
Người vun vén hạnh phúc gia đình

Người vun vén hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Suốt 20 năm qua, bà Hoàng Thanh Mai (SN 1949, tổ trưởng tổ hòa giải số 19, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đã dốc hết lòng cho công tác hoà giải cơ sở, giúp xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện.