Những phụ nữ để nỗi buồn ở lại phía sau

Bài và ảnh: Lan Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lấy chồng nhưng chồng lại không may qua đời sớm, để lại mình và đàn con thơ giữa dòng đời. Những tưởng nỗi đau quá lớn ấy sẽ khiến những phụ nữ trẻ gục ngã. Nhưng rồi, họ đã tiếp tục đứng dậy, để nỗi buồn ở lại phía sau và bình tâm dắt tay con bước về phía trước.

Những phụ nữ để nỗi buồn ở lại phía sau - ảnh 1
Nguyễn Thị Xuân Quỳnh cùng con trai và một bạn nhỏ đang vui vẻ làm đồ thủ công.

Lạc quan để bước qua nỗi đau

Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, hiện là mẹ đơn thân của hai con nhỏ, một bé lên 7 tuổi, một bé hơn 2 tuổi. Cách đây 1 năm, chồng Quỳnh đã qua đời vì mắc trọng bệnh, khi Quỳnh mới 35 tuổi. “Khi chồng còn sống, vợ chồng mình khá tâm đầu ý hợp. Mình thường xuyên chia sẻ mọi điều với anh ấy. Với 3 mẹ con mình, anh chính là chỗ dựa về tinh thần. Với bố mẹ chồng mình, anh ấy là con trai duy nhất của ông bà”- Quỳnh chia sẻ.

Đó là lý do dù đã chuẩn bị tâm lý khá kỹ, nhất là mấy tháng cuối cùng khi chồng trở bệnh nặng, nhưng Quỳnh vẫn không thể tránh được cảm giác trống vắng, hụt hẫng khi anh ra đi mãi mãi. Hồi mới lấy nhau, vợ chồng Quỳnh sống ở nội đô. Sau đó, năm 2018, hai vợ chồng rời phố về Sóc Sơn. Hàng ngày, Quỳnh vẫn hai lượt đi gần 90km để đi làm từ 6h sáng tới 8h30 tối mới về. Vì vậy, hình ảnh sâu đậm nhất của Quỳnh về chồng là anh đã thay vợ đảm đang lo hết việc nhà, chăm sóc, dạy dỗ, kể chuyện, chơi cùng các con.

Khi chồng qua đời, ngẫm lại Quỳnh nhận ra là anh đã âm thầm chuẩn bị cuộc sống ngày không còn anh cho cả nhà. Đầu tiên là việc anh không bao giờ kêu ca về bệnh tật dù rất đau đớn và luôn nói là mình đang khỏe lại để bố mẹ và vợ con không cảm thấy lo lắng. Năm 2021, cả nhà dọn về Ba Vì, hai vợ chồng chuyển hẳn sang làm nông nghiệp sinh thái. Quỳnh nhớ lại, chồng cô đã tự tay chăm chút cho trang trại của gia đình ở Ba Vì, từ việc sửa lại ngôi nhà có sẵn, dựng thêm nhà sàn, rồi chăm chút từng cái cây, ngọn cỏ. Anh cũng tạo dựng một cộng đồng các gia đình đoàn kết, cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Vì thế, khi anh mất đi, Quỳnh vẫn có chỗ nương nhờ, hai con của Quỳnh vẫn có những người bố, mẹ trong cộng đồng yêu thương, dạy dỗ. Bố mẹ chồng của Quỳnh vẫn có những người con trai, con gái mới chăm sóc, đỡ đần. Điều đó khiến Quỳnh vững vàng và thấy mình cần phải sống một cách tự tin, lạc quan, mạnh mẽ để xứng đáng với tâm sức của chồng. Thay vì chìm trong bi lụy, Quỳnh luôn nói rằng, sự ra đi của chồng đã trao lại cho cô bài học về thái độ sống vì mọi người. 

“Mình thấy rằng, nếu chỉ tập trung vào nỗi đau của bản thân thì mình sẽ rất đau khổ, tuyệt vọng. Nhưng nếu mở lòng mình ra, sống vì mọi người, mình sẽ thấy vẫn còn nhiều người khác khổ hơn cần được giúp đỡ. Mình cho đi yêu thương thì lại được nhận về yêu thương”- Quỳnh nói.

Hiện nay 3 mẹ con Quỳnh đang có cuộc sống khá bình yên, lạc quan trong một trang trại rộng 2,2ha. Ở nơi đó, Quỳnh còn đón nhiều người tới ăn, ở miễn phí và cùng làm nông nghiệp và sản xuất ra các sản phẩm từ nông nghiệp. Đó có thể là một người có hôn nhân không hạnh phúc muốn tìm nơi ở mới, là một người không có gia đình đang cần nơi nương tựa. Quỳnh chia sẻ, cô tin rằng, ở nơi nào đó, một người tốt như chồng cô sẽ tìm được nơi an lạc. Ba mẹ con sẽ cố gắng sống vui vẻ, hạnh phúc để chồng cô được yên lòng.  
Đối diện với hiện thực để chủ động cuộc sống mới
Bạn trẻ Thủy Vy, Hà Nội cũng không may mắn có hôn nhân tới đầu bạc răng long khi chồng Vy qua đời 2 năm trước. Một nách hai con nhỏ, nhà riêng chưa có, nhiều người ái ngại không biết Vy sẽ phải sống như thế nào cho những tháng ngày phía trước. Thậm chí, sợ Vy đau khổ, mọi người còn không dám nhắc đến hai từ “vợ chồng”, “gia đình” trước mặt Vy.

Cũng mất khoảng 1 năm, Vy rơi vào trạng thái chống chếnh. Mỗi khi nhìn hai con thơ nằm ngủ, Vy hoảng hốt lo cho tương lai của con. Cô nghẹn lòng nghĩ các con của mình còn quá nhỏ, chưa kịp nhớ mặt bố. Cô thương vì bọn trẻ còn phải vào lớp 1, rồi tốt nghiệp cấp 2, vào đại học, khi có người yêu, lúc kết hôn, rồi sinh con đẻ cái... Bao nhiêu mốc thời gian quan trọng trong đời mà không thể có bố đồng hành, chứng kiến.

Nhưng rồi một lần, Vy kể, cô trở về thấy ngôi nhà của mình thật là u ám, đồ đạc thì lộn xộn đúng kiểu “thiếu vắng bàn tay người đàn ông”. Cô hỏi mình, liệu cứ buồn tủi, tạm bợ thì chồng cô có trở về với ba mẹ con được không? Tại sao cô cứ phải trở nên đáng thương trước mặt mọi người. Sau đó Vy đã thay đổi. 

Cô nhận ra, ngôi nhà ấm cúng bắt đầu từ gian bếp. Vy đã bắt tay vào sơn sửa gian bếp thật đẹp. Cô tự chà cánh tủ bếp rồi sơn lại màu, tự dán giấy làm mới tường... Mỗi ngày, Vy vẫn dành nhiều thời gian nấu món nọ, món kia rồi bày biện đẹp mắt, khác hẳn với suy nghĩ trước đây “chồng mất rồi thì nấu nướng để làm gì vì có ai nữa mà sum họp”.

Đến nay Vy và các con đã chuyển qua mấy ngôi nhà thuê. Nhưng, ở đâu, cô cũng sẽ cải tạo không gian ở, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, sáng sủa. Hai con cô đã cười nhiều, tinh thần sảng khoái hơn.

Vy tâm sự, sau biến cố, cô đã chọn cách sống lạc quan, chủ động. Một khi cô có thể tự tay sơn lại cái tủ bếp cũ trở nên đẹp lung linh (việc mà trước đây khi chồng còn sống, Vy chưa từng phải làm) nghĩa là cô cũng có thể làm được các việc khó hơn một mình. Cô có thể thay chồng đi làm nuôi con, đưa con đi khai giảng, dự lễ tốt nghiệp đại học của con, đứng ra xem mặt người yêu và sau này là dựng vợ, gả chồng cho con. 

Vy cũng không còn tủi thân khi mọi người biết hoàn cảnh của cô mới gần 30 tuổi mà đã phải chịu cảnh mất chồng. Từ lâu, Vy đã đối diện với sự thật để lạc quan cùng con sống tiếp.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỳ cuối: Hiến kế giữ gìn đạo hiếu

Kỳ cuối: Hiến kế giữ gìn đạo hiếu

(PNTĐ) - Suốt chiều dài văn hoá, đạo hiếu vẫn luôn được người dân Việt Nam xem là nền tảng đạo đức quan trọng trong mỗi gia đình. Mỗi cá nhân có ý thức vun đắp và thường xuyên cho tròn chữ hiếu chính là nền tảng đạo đức để mỗi gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại

Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại

(PNTĐ) - Ở không ít gia đình hiện nay, nhiều người con từ chối, lẩn trốn trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ. Thậm chí, có người vì tranh giành tài sản, sẵn sàng mang cha mẹ của mình làm “công cụ” để lợi dụng. Cuốn theo vòng xoáy tiền bạc, tài sản, họ quên mất rằng, những tranh chấp như thế chỉ làm “nồi da xáo thịt”, thiên hạ chê cười, khiến cha mẹ đau lòng ở tuổi xế chiều…
Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

(PNTĐ) - Buồn bã, cô đơn, tự thu mình, lo ngại mình không còn có ích cho cộng đồng xã hội... Đó là tâm trạng của không ít người, trong đó có phụ nữ cao tuổi khi về hưu. Gia đình đóng vai trò như thế nào để giúp người thân của mình có đời sống tinh thần khỏe mạnh ở tuổi xế chiều... Trao đổi của Báo Phụ nữ Thủ đô với Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Nguyễn Hải Vân (ảnh bên) tại Trung tâm Tâm lý Mindcare.
Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

(PNTĐ) - Từ xa xưa, người Việt luôn coi trọng đức tính hiếu thảo trong gia đình. Lòng hiếu thảo là bài học đầu tiên để làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội. Song, ngày nay, đạo hiếu đang đứng trước những nguy cơ, thách thức chưa từng có đến từ những thay đổi cơ bản của xã hội và lối sống của con người trong xã hội hiện đại, đòi hỏi phải có sự quan tâm, gìn giữ.
Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

(PNTĐ) - Việc học ngôn ngữ thứ 2 không chỉ giúp trẻ giao tiếp tốt hơn mà còn kích thích sự phát triển toàn diện của não bộ và các kỹ năng quan trọng khác. Dưới đây là cách mà não bộ và cơ thể phản ứng khi trẻ học thêm một ngoại ngữ, cùng với những lợi ích phát triển.