Những quyền lợi cần biết của lao động nữ nuôi con nhỏ

Chia sẻ

Những quyền lợi cần biết của lao động nữ nuôi con nhỏ - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Em làm công nhân cho một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử. Hiện nay, em đang trong thời gian nghỉ thai sản sau khi sinh con đầu lòng. Một tháng nữa, em sẽ hết thời gian nghỉ thai sản và đi làm trở lại. Là một người mẹ đang trong thời gian nuôi con nhỏ, vấn đề em quan tâm nhất là làm thế nào để có thể vừa chăm sóc con, mà vẫn đảm bảo được công việc. Em biết, có nhiều người mẹ đã phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con nhỏ vì gặp nhiều khó khăn trong điều kiện vừa làm việc, vừa nuôi con.

Em xin hỏi Quý báo, với những phụ nữ trong thời gian nuôi con nhỏ như em, khi đi làm trở lại thì có chính sách ưu tiên gì không?Nếu có thì đó là những chính sách gì, được quy định trong các văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự tư vấn của Quý báo!

Nguyễn Kiều Nga (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Để đảm bảo bình đẳng giới cũng như bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, trong hệ thống pháp luật đã có những điều khoản, quy định những chế độ đặc biệt dành cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Theo đó, lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi khi đi làm trở lại giống như trường hợp của bạn sẽ có các quyền lợi đặc biệt sau.

Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ tháng 1/2021 quy định: Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được quyền từ chối làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa khi có yêu cầu của người sử dụng lao động (điểm b khoản 1, Điều 137).

Người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 3, Điều 37). Người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 4, Điều 37). Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được: Chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. (khoản 2 Điều 137).

Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích, đã chết. Được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. (khoản 3 Điều 137).

Ngoài ra, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.

Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc đã làm trong thời gian được nghỉ.

Bên cạnh đó, Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định: Lao động nữ đóng BHXH bắt buộc, con bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì được nghỉ tối đa 20 ngày làm việc/năm/mỗi con không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Báo Phụ nữ Thủ đô

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.