Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Những tấm gương đồng bào dân tộc thực hiện bình đẳng giới
(PNTĐ) -Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em là một trong các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. thời gian qua, tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã xuất hiện nhiều tấm gương dân tộc thiểu số thực hiện tốt bình đẳng giới như thế.
Thời gian này, những ngày giáp hạt tranh thủ về nhà giúp vợ làm nương, phát rẫy. Tối tối, vợ và con gái ngồi thêu thùa vừa cười vừa nói, thỉnh thoảng Dếnh thấy vợ nhìn mình cười tủm. Dếnh chợt nhận ra một điều: “Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc”.
Dếnh thức dậy từ sớm, khi con gà trống chuồng mới cất tiếng gáy đầu tiên. Dếnh nổi lửa nấu chút cơm sáng để chuẩn bị đi nương. Chờ cho cơm chín là gọi Sua con gái dậy ăn cho ấm bụng còn đến trường. Trường cấp hai cách nhà Dếnh gần 3km. Những ngày ở nhà Dếnh bảo con để anh chở đi, nhưng con bé nhất định không nghe. Nó muốn tự đạp chiếc xe mà Tết Quý Mão vừa rồi nhà trường tặng cho nó sau thành tích vượt trội. Sua là học sinh người Mông duy nhất đạt danh hiệu học sinh tiên tiến kỳ I của trường năm học 2022-2023.
Vợ chồng Dếnh thuộc diện hộ nghèo của xã. Tuy nhiên, đó là việc của ngày trước, cái ngày mà vợ chồng Dếnh mới lấy nhau. Khi đó Dếnh cũng đã 18 tuổi, còn Sông mới bước vào tuổi 16. Vợ Dếnh cố gắng lắm mới theo nổi cái chữ để có cái bằng THCS. Gần như trong bản của Dếnh con gái đã theo một cái lệ: “ Không cần học nhiều, chỉ biết cái chữ là được rồi, ở nhà lấy chồng sinh con, chăm lo cho gia đình nhà chồng”. Đó là những bài học truyền bao đời các gia đình người Mông bản Dếnh sinh sống.
Ngày mới lấy vợ, Dếnh cũng không khác trai bản là mấy. Hở ra là uống rượu, mọi việc từ nương rẫy đến tăng gia sản xuất của gia đình đều một tay Sông đảm nhận. Song cũng như nhiều phụ nữ của bản suốt ngày lầm lũi làm việc nhà giống như những con trâu trong chuồng bao năm quần quật làm việc cho chủ.
Nếp nhà trong gia đình người Mông vẫn theo lối mòn của kiểu mẫu gia đình phụ hệ. Thế rồi vợ Dếnh sinh liền hai đứa con cho Dếnh. Ngặt nỗi, vì Sông sức khỏe yếu, hai lần cô mang thai thì cả hai lần cô đều phải làm việc đến tận ngày sinh. Hậu quả, hai đứa con của Sông đều bị sinh non. Đứa đầu do Sông chưa có kinh nghiệm mang thai. Lại mang thai ở cái tuổi tảo hôn trong cơ thể một người mẹ yếu ớt. Đứa con đầu của vợ chồng Dếnh mất khi vừa chào đời. Đến khi sinh bé Sua cũng là sinh non, và con bé còn bị bệnh tim bẩm sinh. Khó khăn cứ nối tiếp, chồng chất trong gia đình Dếnh. Cũng từ ngày vợ sinh, nuôi con nhỏ, thể trạng ốm yếu con bé cứ quấy khóc. Dếnh thương con, thương vợ, ít la cà nhậu nhẹt với đám trai bản. Thời gian rảnh Dếnh chăm chỉ đi làm thuê ở huyện kiếm thêm thu nhập.
Khi bé Sua 4 tuổi trưởng bản thông báo Dếnh thực hiện đi lính nghĩa vụ hai năm bởi trước đó Dếnh từng xin tạm hoãn vì hoàn cảnh gia đình. Khoảng thời gian xa nhà, chấp hành nghĩa vụ quân sự của Dếnh đã cho anh thật nhiều trải nghiệm. Dếnh học tập được rất nhiều từ môi trường quân ngũ. Dếnh có suy nghĩ trưởng thành và chín chắn hơn hẳn. Đặc biệt là suy nghĩ về hôn nhân gia đình. Dếnh thấy mình thật nhiều thiếu sót.
Ngày trước, anh gần như không bao giờ quan tâm cảm xúc, suy nghĩ của vợ. Anh tự cho mình cái quyền coi vợ là người hầu hạ, chăm lo cho chồng, con, gia đình. Dếnh chưa một lần cho vợ quyết định việc gì trong nhà. Càng nghĩ, Dếnh càng thương vợ, thương con.
Và rồi cái ngày Dếnh về cũng đã đến. Dếnh như một người khác. Những ngày mùa anh cùng vợ lên nương làm rẫy. Bao việc nặng trong nhà anh dành với vợ tự mình gánh vác. Ngày bé Sua đi học lớp 1 rảnh việc anh đều thay vợ đưa con tới trường. Bạn bè rủ đi uống rượu, Dếnh có đi nhưng không bao giờ về muộn. Đám bạn chế giễu, châm chọc Dếnh là sợ vợ. Nếu là trước kia Dếnh vì tự ái, sĩ diện sẽ ở lại. Nhưng giờ anh không bận tâm nhiều những lời khích bác ấy, quan trọng là những lần anh về sớm dù không nói ra nhưng Dếnh thấy vợ rất vui. Dếnh thấy mình thật hạnh phúc, cho dù kinh tế gia đình anh vẫn còn khó khăn. Nhưng chỉ cần cùng vợ “ chung lưng đấu cật” thì mọi khó khăn kia sẽ chẳng là gì.
Sua mỗi ngày một lớn. Con bé ham học và thích cái chữ nên theo lời cô giáo vợ chồng anh sẽ cố gắng cho con đi học, ít nhất là hết cấp III. Không bắt con nghe theo cái tư tưởng lạc hậu: “Con gái không phải học nhiều” kia nữa. Vợ chồng Dếnh cũng tính khi con lớn hơn theo chỉ định của bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cho con. Rồi vợ chồng Dếnh còn muốn sinh thêm con cho Sua có chị có em. Chính vì lẽ đó, mà hơn hai năm nay Dếnh đã xuống Hà Nội làm công ty như nhiều trai bản khác ở quê anh với mức thu nhập ổn định hơn rất nhiều so với quê nhà. Sông ở nhà chăm lo việc nương rẫy, đồng áng vun vén gia đình.
Hóa ra hạnh phúc đến với mỗi người nó thường bắt đầu từ những điều rất nhỏ đó chính là sự quan tâm qua lời nói, ánh mắt, cử chỉ, sự sẻ chia và quan trọng hơn là sự thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau. Dếnh muốn duy trì và cùng Sông ngày một xây chắc cái nếp nhà mà trước kia Dếnh cứ hay ngộ nhận: Đàn ông mà nghe lời vợ, lo lắng gia đình nhiều quá sẽ mất đi cái uy. Sẽ bị xã hội cười chê, mất thể diện. Dếnh sẽ cùng Sông nắm tay nhau trên con đường dựng xây hạnh phúc gia đình. Và quan trọng hơn nữa Dếnh luôn biết sau lưng có người đợi, phía trước luôn có người dõi theo từng bước chân của Dếnh thì anh sẽ không đơn độc để cùng vợ tạo nên một mái ấm chỉ luôn có tiếng cười, niềm vui cho dù cuộc sống sẽ còn rất nhiều thử thách.