Nỗ lực vì an toàn và hạnh phúc của cô dâu Việt ở Đài Loan

Chia sẻ

Theo thống kê của phòng xuất nhập cảnh thành phố Tân Bắc, Đài Loan, tính đến năm 2021, Tân Bắc có 110.839 người Đông Nam Á đang sinh sống. Trong số này, chiếm tỷ lệ lớn là các cô dâu người Việt lấy chồng Đài Loan. Những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt Nam - Đài Loan cũng chiếm cao nhất trong số con của những cặp vợ chồng có hai quốc tịch.

Làm thế nào để giúp các cô dâu Việt và con của họ hòa nhập và có cuộc sống ổn định, hạnh phúc tại Đài Loan là vấn đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm.

Tôi lấy chồng và định cư tại Đài Loan cách đây đã 23 năm. Nhớ lại ngày đó, tôi đã gặp phải bao nhiêu khó khăn, bỡ ngỡ vì không biết tiếng Trung và tiếng Đài, cũng chưa hiểu về phong tục tập quán quê chồng. Để có thể tự tin làm chủ hạnh phúc của mình, tôi đã tự học tiếng, tập nói với chồng và gia đình chồng. Sau đó, tôi đăng ký đi học bổ túc tiểu học tại trường tiểu học Bát Lý. Tiếp đó tôi học tiếp lên cấp hai, cấp ba. Đến năm 2011 thì tốt nghiệp cấp ba. Hiện tôi vẫn đang tiếp tục học đại học năm thứ nhất.

Tác giả (người ngồi trong) đang hỗ trợ một cô dâu người Việt mới tới Đài Loan sớm hòa nhập, làm chủ cuộc sốngTác giả (người ngồi trong) đang hỗ trợ một cô dâu người Việt mới tới Đài Loan sớm hòa nhập, làm chủ cuộc sống

Năm 2005, khi đang làm việc ở công xưởng, tôi không may bị máy cắt cắt đứt một phần bàn tay phải khiến tôi trở thành người khuyết tật. Tôi đã phải trải qua ca mổ 8 tiếng và những giờ tập hồi phục chức năng đau đớn đến mức ngất xỉu ở bệnh viện... Sau tai nạn, tôi bị mất việc vì công xưởng không muốn thuê người khuyết tật vào làm nữa. Tôi đã từng rất mệt mỏi, chán nản, cô đơn, nhớ quê nhà, cảm thấy tương lai sụp đổ. Gia đình chồng nói tôi nên ở nhà lo nội trợ, chăm sóc 2 con, còn tôi chồng sẽ nuôi. Nhưng tôi nghĩ, thay vì lệ thuộc vào nhà chồng, tôi phải tự làm chủ cuộc sống của mình. Với phần bàn tay còn lại, tôi đã học cách làm kết cườm hình thú để bán lấy tiền. Tôi còn nhận đưa đón học sinh mẫu giáo theo xe ô tô từ thứ hai đến thứ sáu, ngày thứ bảy và Chủ nhật bán hàng cho những quán bán lạp xưởng nướng ở bến đò Bát Lý... Các công việc thực sự đều rất vất vả nhưng nhờ đó, tôi không chỉ tự lo được cho bản thân mình mà vẫn có tiền phụ giúp gia đình chồng.

Từ trải nghiệm của bản thân, tôi rất thấu hiểu với khó khăn có thể gặp phải của các cô dâu Việt khi lấy chồng xa xứ. Bên cạnh những cuộc hôn nhân hai quốc tịch hạnh phúc, tôi biết có một số trường hợp cô dâu Việt ở Đài Loan đã bị chồng bạo hành, bỏ rơi trong hoàn cảnh họ không biết tiếng, không hiểu pháp luật nên không biết bấu víu vào đâu. Lại có những đứa trẻ con của cặp vợ chồng Việt-Đài do không biết tiếng Việt nên bị lạc lõng, không thể gọi điện về thăm ông bà ngoại ở quê nhà. Nghĩ về họ, tôi rất muốn giúp đỡ để họ vượt qua những khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán; Giảm thiểu các rủi ro, nguy cơ mất an toàn xảy ra đối với môi trường sống của họ.

Vào tháng 12/2017, Hiệp hội chăm sóc cư dân mới Bát Lý đã được thành lập. Tôi trở thành Chủ tịch của Hiệp hội, đồng thời làm phiên dịch ở Trạm y tế Bát Lý cho các cô dâu nước ngoài đến khám sức khỏe. Vào tháng 8/2020, Hiệp hội thành lập thêm Trạm quan tâm và chăm sóc cư dân mới, trong đó đa số là cư dân đến từ các nước Đông Nam Á như Việt Nam (chiếm tỷ lệ đông nhất), Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc… Nhiệm vụ của chúng tôi là triển khai các hoạt động tuyên truyền, trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng xây dựng, gìn giữ hôn nhân hạnh phúc cho các chị em người Việt ở Đài Loan; Động viên, hỗ trợ chị em học tiếng quê chồng; Hỗ trợ chị em tìm việc làm để tự chủ cuộc sống; Kết nối giúp chị em khó khăn được hưởng chế độ phúc lợi của xã hội. Với các trường hợp cô dâu Việt bị bạo hành, tôi hướng dẫn họ dũng cảm báo cáo sự việc cho công an và đến bệnh viện làm giấy chứng thương để có cơ sở pháp lý bảo vệ bản thân.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chúng tôi cũng tích cực đấu tranh để những người gây ra bạo hành, xâm hại phụ nữ Việt bị xử lý đúng người, đúng tội. Vừa rồi, có trường hợp một cô dâu Việt bị bệnh nặng cần mổ gấp mà không có Bảo hiểm y tế, mọi viện phí đều phải tự chi trả nhưng số tiền quá lớn ngoài khả năng của chị, chúng tôi đã đứng ra kêu gọi cộng đồng quyên góp, hỗ trợ chị tiền chữa bệnh. Bên cạnh đó, Hiệp hội còn có những hoạt động tổ chức vào những dịp lễ truyền thống của hai nước Việt-Đài như Ngày của Mẹ, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu; Tết Nguyên đán... Vào tháng 11 hàng năm, chúng tôi tổ chức gặp mặt gia đình các cô dâu Việt để các thành viên trong gia đình chồng hiểu hơn về văn hóa, đất nước của vợ mình, từ đó sẽ tôn trọng, yêu thương, thấu hiểu vợ hơn, hạn chế tỷ lệ bạo hành gia đình.

Nhằm giúp cho con em các cô dâu học tiếng mẹ đẻ, Đài Loan đã đưa ngôn ngữ tiếng Việt vào giảng dạy như môn học bắt buộc trong trường tiểu học, môn tự chọn ở trường THCS và là môn ngoại ngữ thứ hai tại các trường THPT. Vì thế, chúng tôi lại có thêm công việc là làm giáo viên dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho con em người Việt. Nhiều cô dâu Việt tại Đài Loan rất nỗ lực thi chứng chỉ tập huấn về nghiệp vụ sư phạm, kiến thức tiếng Việt do chính phủ cấp để được trở thành các giáo viên dạy tiếng Việt. Còn tôi hiện cũng tham gia dạy tiếng Việt và văn hóa Việt ở trường tiểu học và trung học tại khu vực Bát Lý và Lâm Khẩu của thành phố Tân Bắc. Tôi nhận ra rằng, khi biết tiếng Việt và văn hóa Việt, các trẻ mang hai dòng máu Việt-Đài sẽ tự tin hơn về nguồn gốc, vị thế của mình. Sau này, các em sẽ trở thành những sứ giả giúp gắn kết hai quê hương Việt-Đài.

Kể lại câu chuyện này, tôi muốn nói rằng, phụ nữ ở bất cứ đâu, tại bất kỳ quốc gia nào cũng có nhu cầu và có quyền được bảo vệ và sống an toàn. Ở Đài Loan, các cô dâu Việt chúng tôi vẫn đang từng ngày từng giờ bao bọc nhau, động viên nhau nỗ lực, học hỏi, khẳng định vị thế, tạo dựng cuộc sống hạnh phúc, an toàn trên mảnh đất Đài Loan. Nhiều cô dâu Việt đã trở thành người thành đạt, có công việc ổn định, đóng góp vào sự phát triển của Đài Loan, được gia đình chồng tôn trọng, yêu mến, xóa bỏ định kiến nhiều cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan là vì muốn cải thiện điều kiện kinh tế gia đình.

VÕ THỊ PHƯƠNG HẰNG
Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc cư dân mới khu Bát Lý, đường Trung Sơn, Thành phố Tân Bắc, Đài Loan

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.