Nỗi lòng gái… ế

Chia sẻ

ĐSGĐ-Con gái qua cái tuổi băm, người ta gọi là gái ế. Trong bài viết gần đây, Trang Hạ cũng nói về nỗi lòng gái ế: “Đến Thị Nở cũng có được tình yêu, sao mình không thể có nhỉ?”.

 
Ế thật mà!
 
Khi tất cả đám bạn học từ thời mặc quần thủng đít cắp sách đến trường, bạn học cấp 3, rồi bạn đại học lần lượt lên xe hoa, tôi vẫn một mình. Cô đơn – một mình – không người yêu. Tình yêu của tôi cho đi, chẳng ai nhận, mà muốn nhận của ai đó thì chẳng ai cho. Tôi chờ đợi một tình yêu mà chẳng có điều gì xảy ra.
 
Có người bảo tôi khó tính, có người bảo tôi kén chọn. Có thể lắm, nhưng đó là trước đây. Giống như nhiều cô gái khác, tôi cũng đặt ra vô số tiêu chuẩn cho người đàn ông của mình: nào là phải học rộng hiểu nhiều, tâm lý, biết kiếm tiền, cao ráo đẹp trai, nào là ăn nói có duyên... Nói chung là một người đàn ông hoàn hảo trong mắt tôi và gia đình. Cũng đã có một thời gian, có một người đàn ông như thế đến với tôi. Anh đúng là “bóng sáng” với các tiêu chí: đẹp trai, hát hay, đàn giỏi, kiếm tiền tốt, biết chém gió vi vu… Ở anh hội tụ đủ yếu tố làm bất kỳ người phụ nữ nào mê mẩn, trong đó có tôi. Anh đúng là mẫu người đàn ông tôi chờ đợi trong 10 năm qua.
 
Nỗi lòng gái… ế - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Tuy nhiên, xung quanh anh có rất nhiều vệ tinh: vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang… Và tôi trở thành “một trong những” mối bận tâm của anh. Còn anh thì lắm mối, tối nằm không, nhiều phụ nữ đến rồi lại đi, trong đó có tôi. Cuối cùng không ai tìm được hạnh phúc, thậm chí khổ sở vì những tiêu chuẩn do mình đặt ra.
 
 “Lần gặp gần đây nhất, bạn tôi chua chát, vì sao Thị Nở có người yêu, còn tớ thì không? Tớ có đòi hỏi gì nhiều đâu? Tớ đâu có đòi hỏi phải thật đẹp trai, hoặc lương phải thật cao, hoặc phải cao hơn tớ một cái đầu, hoặc phải dân thành phố... Hoàn toàn không! Vì sao tớ vẫn một mình?”. Sao mà Trang Hạ viết đúng tâm trạng của tôi thế! Để tìm kiếm nửa còn lại của cuộc đời, từ chỗ đặt ra tiêu chuẩn rất cao như thế nhưng giờ tôi chẳng giữ một tiêu chuẩn nào.
 
À, có - một tiêu chuẩn duy nhất: người đó phải yêu thương tôi thật lòng. Hic, nhưng sao khó thế! Còn Trang Hạ thì thẳng thắn: “Đúng thế. Bạn không hề đòi hỏi gì nhiều, nhưng thực ra bạn lại cự tuyệt rất nhiều! Nên làm sao bạn thấy hạnh phúc được? Bạn chỉ cần một người yêu thôi, nên bạn đã từ chối những người đàn ông muốn là bạn tốt, muốn là đồng sự thân thiện. Bạn chỉ cần yêu thôi, nên khi đàn ông mang tới những thứ khác, ước mơ, chia sẻ, tương lai, dự định, khó khăn cần chia sẻ, bạn đã cự tuyệt. Vì bạn phải từ chối nhiều, làm sao biết lần nào từ chối chính là lần từ chối hạnh phúc?”.
 
Tính đi tính lại tôi được làm quen với không ít đàn ông. Nhưng mỗi người một tính, mỗi người một tật khiến tôi chẳng thể ưng nổi ai. Anh tên T hơn 4 tuổi, học hành dở dang nhưng được cái là nhà giàu có, nhất là sau cơn sốt đất ở ngoại thành, rồi khu đó được từ làng lên phố… nên anh ở nhà luôn, sống trông chờ vào tiền lãi ngân hàng do bán đất. Dù có vẻ ngoài lịch lãm, ăn mặc sành điệu nhưng anh T vẫn chưa bỏ được thói quen ngồi sofa là co hai chân lên ghế, rít thuốc lào xòng xọc… trông khó coi. Góp ý mãi, anh T chẳng sửa, thậm chí còn quay lại mắng nên tôi đành bỏ cuộc. Còn anh Q, tuy hơi già nhưng chu đáo, gia đình tôi có bất kỳ việc gì anh cũng không nề hà, ai cũng khen xứng đáng là trụ cột gia đình.
 
Nỗi lòng gái… ế - ảnh 2
Ảnh minh họa
 
Nhưng “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, đọc được tin nhắn hoặc nghe anh nói thì đầy lỗi chính tả, câu cú sai bét ngữ pháp, ngọng líu, ngọng lô, vậy mà anh cứ nói oang oang khắp xóm. Bố mẹ tôi đều là giáo viên, không thể nhắm mắt làm ngơ nên phản đối kịch liệt. Tiếp đến là anh K, lái xe cho sếp ở Bộ Tư pháp, anh trai một người bạn làm cùng cơ quan. Dẹp bỏ môn đăng hộ đối sang bên, anh K có ngoại hình bình thường, đen, nói chuyện không hay nhưng tôi vẫn tặc lưỡi: yêu nhé! Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, anh lộ đúng bản chất: thường xuyên hỏi vay tiền mà quên không trả.
 
Lúc đầu dăm bảy trăm ngàn đồng, sau tăng dần lên một vài triệu đồng. Khoản lương công chức ít ỏi của tôi không đủ chu cấp cho anh vay nữa thì anh ra đi với câu nói nghiệt ngã: “Gái già lại còn ky bo”. Bà chị họ tiếp tục giới thiệu một anh làm công an, có một đời vợ, con gái ở với mẹ. Anh khá chủ động nhưng ngay lần đi chơi đầu tiên đã tìm cách đưa tôi vào nhà nghỉ khiến tôi sợ hãi, bỏ chạy đứt cả quai dép.
 
Kiếm tìm một tình yêu đích thực
 
Đến ngần tuổi này rồi, tôi vẫn phòng không gối chiếc. Mọi người tò mò hỏi, tôi có buồn không? Tôi thẳng thắn: Có buồn chứ! Nhất là vào những ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, gia đình bạn bè vui vẻ, đi chơi này nọ, tôi ngồi ở nhà, một mình gặm nhấm nỗi buồn của mình. Từ trong sâu thẳm trái tim, bất kỳ người phụ nữ nào lại không muốn có gia đình, luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc, tiếng bi bô của trẻ nhỏ. Ngày ngày sau giờ làm việc, được trở về mái ấm gia đình, được chăm sóc chồng con, được nấu bữa cơm đầm ấm. Mỗi khi trái gió trở trời lại có người hỏi han, chăm sóc, an ủi, ôm ấp và nấu cho bát cháo hành… Nhưng hạnh phúc giản đơn đó, tôi không sao có được.
 
Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ so sánh hay tự hỏi mình có thể hơn hẳn những người phụ nữ khác nhưng sao họ lại có chồng giỏi, con ngoan và gia đình đầm ấm còn mình thì không? Tôi cũng chưa bao giờ ganh tị với những đôi uyên ương đang hạnh phúc. Tôi thấy vui và chúc phúc cho họ vì tôi cũng là người khao khát được như thế. Tôi nhớ đến một bài thơ của Nga có câu: Nhìn hai người vui sướng bên nhau/ Tôi cũng muốn vui chung cùng họ/Nhưng con chim không bao giờ ba cánh cả/ Tôi cô đơn lê bước trên đời/ Kéo theo mình một cánh khắp nơi/ Vâng, đau khổ là con chim một cánh. Và tôi có lẽ là con chim một cánh.
 
Nỗi lòng gái… ế - ảnh 3
Ảnh minh họa
 
Thật sự, có ai hiểu được cảm giác của người phụ nữ sống độc thân là thế nào? Nhưng tôi sống không hề bi quan dù chưa tìm thấy tình yêu đích thực của mình. Bản thân tôi không ủng hộ quan điểm sống một mình. Nhưng tôi không đồng ý rằng: gái lớn thì phải lấy chồng, lấy chồng với quan điểm “đến tuổi phải lấy chồng, lấy chồng cho có hay lấy chồng để hàng xóm khỏi gièm pha”. Với tôi, hôn nhân thì phải hạnh phúc. Và, cho dù cô đơn một mình nhưng tôi thấy mình thật hạnh phúc. Chứ không nhất thiết lấy chồng cho có rồi để đau khổ, dằn vặt một mình không ai hay.
 
Trong một số lĩnh vực, phụ nữ tỏ ra có thế mạnh hơn nam giới. Nếu tổ chức một cuộc đua, phụ nữ thường dành lợi thế. Tuy nhiên, sau một thời gian ganh đua, tôi lại bị hụt hơi: “Mình chạy thế này có quá nhanh không nhỉ?”. Tôi chạy chậm lại, gắng sức chạy chậm tiếp… Kết quả: Tôi đã không thấy ai ở phía sau mình. Những người đàn ông họ đã lập gia đình. Tôi càng ít có cơ hội tìm kiếm một nửa yêu thương của mình.
 
Có người khuyên: Sắp bước qua tuổi sinh đẻ nên làm lấy một đứa con để trông cậy lúc tuổi già. Nhưng… thật sự tôi không muốn con mình không có hạnh phúc đủ đầy trong gia đình khuyết thiếu. Tôi sợ con buồn như nghe chúng bạn miệt thị là con hoang, con không có bố… Nước mắt trẻ thơ có chảy ướt má bầu bĩnh nhưng không đau bằng trái tim tôi ngấn lệ khi chứng kiến điều đó. Tôi biết, từ trong sâu thẳm trái tim con vẫn mong một lần được gọi ai đó bằng cha, được công nhận là con của bố. Nhưng tôi không làm được điều đó cho con thì làm sao có thể sinh con ra trong đời. Tôi chọn cách: cô đơn một mình và không làm bà mẹ đơn thân là vì lẽ đó.
 
Có lẽ càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt. Đã cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn. Và cuộc sống hằng ngày tiếp diễn, tôi vẫn lặng lẽ kiếm tìm hạnh phúc lứa đôi, dù có khó khăn và nhọc nhằn hơn người khác. Tôi vẫn tin rằng: Một người đàn ông của tôi ở phương trời xa xôi nào đó - một ngày đẹp trời, anh sẽ xuất hiện và mỉm cười với tôi. Hạnh phúc thật mong manh!
 
    Minh Khuê

Tin cùng chuyên mục

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.
Người vun vén hạnh phúc gia đình

Người vun vén hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Suốt 20 năm qua, bà Hoàng Thanh Mai (SN 1949, tổ trưởng tổ hòa giải số 19, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đã dốc hết lòng cho công tác hoà giải cơ sở, giúp xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện.