“Ông bố chịu chơi” giúp con vận động mùa dịch

Chia sẻ

Nguyễn Mạnh Hùng 33 tuổi, hiện là ông bố của cậu con trai 5 tuổi, tên Hải Phong. Anh Hùng được nhiều cư dân mạng gọi vui là “ông bố quốc dân”. Khi dịch bệnh bùng phát ở Hà Nội, anh đã cùng cộng sự viết một ứng dụng trên điện thoại thông minh để giúp trẻ vừa phòng dịch, vừa phát triển thể lực ngay tại nhà.

Mỗi giờ ở nhà của “ông bố chịu chơi” Nguyễn Mạnh Hùng và con trai luôn thú vị như thế này.Mỗi giờ ở nhà của “ông bố chịu chơi” Nguyễn Mạnh Hùng và con trai luôn thú vị như thế này.
Tốt nghiệp khoa Kinh tế quốc tế, trường đại học Ngoại Thương, đang khá thành công khi khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, anh Hùng đột ngột chuyển hướng sang nghiên cứu lĩnh vực giáo dục. Đó là khi con trai Hải Phong của anh chào đời. Hùng thấy công việc làm bố lúc này trở nên quan trọng nhất.

Sau khi tìm đọc sách nuôi dạy con của các tác giả người Nhật Bản, Mỹ, các phương pháp giáo dục sớm, các loại hình thông minh, anh đã lập chiến lược để giúp con phát triển sớm, toàn diện cả về thể chất, tư duy trí tuệ và nhân cách. Đồng nghĩa với việc, anh sẽ đầu tư thời gian thật chất lượng cho con.

Cách đây hơn 1 năm, khi Hà Nội cùng cả nước cũng căng mình chống dịch Covid-19, anh Hùng đã nảy ra ý tưởng cùng cộng sự viết một ứng dụng cài đặt trên điện thoại để hỗ trợ các cha mẹ rèn luyện thể lực trong mùa dịch tại nhà. Ứng dụng Gymkid ra đời với các bài trắc nghiệm để đánh giá mức độ vận động của trẻ theo lứa tuổi, gợi ý, hướng dẫn về hàng trăm trò chơi, bài tập vận động, video… mà cha mẹ có thể tham khảo để chơi cùng con mỗi ngày. Anh Hùng hy vọng, sản phẩm của mình có thể giúp các cha mẹ và con cái ở nhà tránh dịch bổ ích, lành mạnh như bố con anh luôn vui khi được ở bên nhau.


Anh Hùng tâm sự: Hàng ngày, nếu không vướng dịch và vẫn phải đến công ty, anh sẽ chơi với con mỗi ngày từ 1,5-2 tiếng sau khi đi làm về, với các trò chơi kích thích sự sáng tạo ở trẻ như lego, xếp hình. Trước khi con ngủ, anh vừa đọc sách cùng con, vừa chỉ cho con nhận biết chữ cái, từ… Não bộ của Hải Phong dần dần ghi nhớ mặt chữ nên lên 3 tuổi, bé đã tự đọc được mà không cần qua tiết “học chữ” chính thức nào. Hiện nay 5 tuổi, Hải Phong đã đọc được những cuốn truyện chữ dày.

Những ngày vừa qua, Hà Nội thực hiện giãn cách, tranh thủ thời gian phải tạm dừng công việc bên ngoài, anh Hùng và vợ đã thiết kế thời khóa biểu hàng ngày ở nhà với con. Buổi sáng, anh cho con chơi các hoạt động như vẽ, sáng tạo nghệ thuật từ 35-45 phút. Sau đó, bé chuyển sang lắp ráp mô hình, chơi lego… vừa chơi, vừa tự nghĩ ra các câu chuyện xoay quanh nhân vật được lắp ráp. Trước khi ăn, nghỉ trưa, vợ chồng anh Hùng và con cùng vận động cơ thể đơn giản. Như những đứa trẻ khác, bé Hải Phong cũng thích Ipad, xem Youtube, chơi games, anh Hùng đã thỏa thuận với bé được “vay 30 phút” xem Youtube, nhưng sau đó phải “trả nợ” bằng tham gia các trò chơi vận động liên hoàn. Buổi chiều, bé Hải Phong có 30 phút dùng Ipad, sau đó đọc sách, chơi đồ chơi. Đến 17 giờ, cũng là lúc anh Hùng kết thúc công việc online tại nhà và cùng con chơi các trò chơi liên hoàn để phát triển thể lực như leo trèo, bật nhảy, đu xà, đứng thăng bằng, ném bóng rổ… Buổi tối, anh giúp con gắn bó với các thành viên trong gia đình như gọi điện hỏi thăm ông bà, cùng con trò chuyện, tâm sự…

Tình yêu với con đã giúp anh Hùng không ngừng sáng tạo, biến mọi không gian, đồ vật trong căn hộ chung cư của gia đình thành những phòng học mini mà không phải lệ thuộc vào các thiết bị chuyên dụng, đắt tiền. Chẳng hạn, anh biến ghế sopha, bàn ăn, chiếc tủ nhỏ thành nơi để con leo lên, rồi nhảy xuống. Những chiếc ghế xếp thành hàng cũng hóa thành dụng cụ giúp bé Hải Phong rèn luyện kỹ năng biến tốc, thay đổi trạng thái như khi thì bé nhảy lên mặt chiếc ghế này, sau đó lại chui xuống gầm của chiếc ghế khác. Anh còn lắp thanh xà trên cửa để con hàng ngày tập đu giúp phát triển chiều cao…

Nhờ những hoạt động phong phú ấy mà mỗi ngày ở nhà chống dịch với hai bố con anh Hùng thực sự luôn thú vị. Qua quá trình chơi với con, anh thấy mình thu lại được rất nhiều điều. Bé Hải Phong đã có sự thay đổi tích cực cả về thể chất, tâm sinh lý, trí tuệ qua từng giai đoạn. Với anh, điều tuyệt vời nhất chính là tình cảm của bố con ngày càng gắn bó.

Anh Hùng chia sẻ, mọi người thấy anh hay chơi cùng con nên gọi là "ông bố chịu chơi”. Anh vui vì nick name ấy nhưng cũng mong sẽ có nhiều hơn nữa các ông bố chịu chơi với con. Hiện nay, nhiều ông bố vẫn cho rằng, giáo dục, chăm sóc con là việc của các mẹ, còn mình chỉ lo phát triển sự nghiệp. Với anh Hùng thì bố mẹ nào cũng nên dành thời gian cho con. Ngay cả khi quá bận rộn, thì bố mẹ cũng nên cố gắng mỗi ngày dành vài chục phút nói chuyện với con.

 HOÀNG LAN
 

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.