Phận mẹ kế

Chia sẻ

PNTĐ-Bà là mẹ kế 3 con riêng của chồng. Khi tình cảm không còn, bà ly hôn với ông, mong được chia đôi tài sản nhưng ông và các con riêng nhất quyết không đồng ý...

 
Bà là mẹ kế 3 con riêng của chồng. Khi tình cảm không còn, bà ly hôn với ông, mong được chia đôi tài sản nhưng ông và các con riêng nhất quyết không đồng ý. Trước tòa, người con trưởng tuyên bố: "Là vợ lẽ, bước vào nhà thế nào thì ra đi thế ấy, bà không có quyền đòi hỏi gì hết!".
 
Phận mẹ kế - ảnh 1
Minh họa st
 
Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn giữa bà Nguyễn Thị Điệp (57 tuổi) và ông Phan Văn Dũng (60 tuổi) vừa diễn ra tại TAND TP Hà Nội. Trong phiên tòa sơ thẩm tại Tòa án quận, trước đó bà Điệp đứng đơn xin ly hôn, với lí do chồng quá đam mê sở thích chơi chim cảnh mà không quan tâm, chăm sóc, để ý tới tâm tư, tình cảm của vợ. Mâu thuẫn vợ chồng theo đó nảy sinh không thể hàn gắn nổi, cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa. Dù đã được tòa sơ thẩm đồng ý cho ly hôn nhưng bà Điệp lại có đơn kháng cáo lên phúc thẩm về vấn đề chia tài sản.
 
Bà Điệp trình bày, hai vợ chồng có một ngôi nhà 3 tầng. Khi ly hôn, bà yêu cầu tòa án giải quyết mỗi người được nhận ½ giá trị tài sản chung đó.
 
Ông Dũng xác nhận vợ chồng có một ngôi nhà như bà Điệp trình bày. Tuy nhiên, ông cho biết bà Điệp không hề có công sức trong khối tài sản này vì nguồn tiền để mua thửa đất trên là do ông và các con trai riêng của ông bỏ ra cùng với tiền phúng viếng vợ cũ, tiền vay mượn từ họ hàng mà có. Trước đó, bà Điệp cũng có thế chấp nhà riêng của mình cho ngân hàng để vay tiền góp với ông Dũng mua đất, nhưng khi việc mua bán xong xuôi, ông Dũng đã vay anh trai để trả lại số tiền đó cho bà. Khi xây dựng ngôi nhà trên thửa đất, ông và ba con trai cũng bỏ tiền ra. Khi ly hôn, ông đề nghị trả cho bà Điệp 30% giá trị khối tài sản trong khi ông Dũng là 70%.
 
Phiên tòa trở nên đặc biệt khi ba người con trai của ông Dũng nhất quyết không bằng lòng với quyết định của bố và cũng làm đơn kháng cáo. Không phải vì họ đứng về phía mẹ kế, đòi lại công bằng cho bà Điệp, mà cái lí họ đưa ra là, bà Điệp không đáng được hưởng một thứ tài sản gì vì bà chỉ là… vợ lẽ!
 
Bà Điệp kể, ông bà lấy nhau năm 2003, sau khi người vợ đầu của ông mất được 2 năm. Bà vẫn nhớ như in ngày đầu tiên mình bước chân vào ngôi nhà và nhìn thấy vẻ mặt 3 đứa con trai của ông Dũng. Lúc ấy, cả 3 đều mới chỉ là những cậu bé 15, 11 và 10 tuổi, không hề chào đón bà Điệp. 15 năm qua, ba đứa trẻ lớn lên, lập gia đình, sinh con đẻ cái, tất cả đều có bàn tay chăm lo của bà Điệp. Tuy nhiên, tâm lý “mẹ ghẻ, con chồng” vẫn cứ đè nặng, như một định kiến bám chặt trong suy nghĩ, khiến họ không thiện cảm với mẹ kế. Khi lớn lên, họ phó mặc mọi việc chăm sóc bố cho mẹ kế. Thỉnh thoảng, họ mới ghé qua vừa để thăm bố vừa để kiểm tra, giao nhiệm vụ cho mẹ kế phải trông nom bố mình. Bà Điệp cảm nhận trong mắt các con ông Dũng, bà không được nhìn nhận như một người vợ của ông mà chỉ như người giúp việc.
 
“Chưa một lần chúng nó gọi tôi bằng mẹ”, bà tâm sự. Chỉ cần ông Dũng có bị cảm cúm hay đau mình, nhức chân một chút là các con ông lại kéo đến trách móc, kết tội bà không chăm sóc bố chúng tử tế. Đến cả ngày giỗ người vợ trước của ông Dũng, các con cũng giao hết trách nhiệm cho bà Điệp. Đến giờ ăn, con trai con dâu mới đủng đỉnh về.
 
Anh con trưởng nhìn thấy bàn thờ có chút bụi mà hôm trước bà Điệp chưa kịp lau, chẳng nể mặt bố, quát om sòm: “Đến cả ngày giỗ mẹ tôi, dì cũng không buồn lau lấy một lần, để bụi phủ kín thế này hả”. Lúc ấy, bà Điệp chỉ biết khóc thầm. “Ngày xưa, bố chúng nó cũng tìm hiểu, theo đuổi mãi tôi mới đồng ý. Tôi cũng là người ăn học tử tế, nghĩ thương mấy bố con nên chấp nhận về làm vợ kế, đâu có nghĩ mình bị đối xử như thế này”.
 
Tòa hỏi vì sao ông Dũng không đứng ra giải thích, lấy lại công bằng cho bà? Bà Điệp trả lời ông mải chơi chim cảnh tới mức đầu tư hẳn một gian nhà để nuôi chim. Cũng vì ham quá nên ông có phần thờ ơ với vợ.
Bao năm qua, bà đã hi sinh cho chồng và con chồng, nhưng hôm nay, bà cay đắng nghe ông tố trước tòa rằng, bà không làm tròn bổn phận làm vợ, làm mẹ kế trong gia đình ông.
 
Cuối cùng, tòa chấp nhận kháng cáo của bà Điệp bởi bố con ông Dũng không có đủ chứng cứ phủ nhận vai trò đóng góp của bà Điệp trong khối tài sản chung. Phiên tòa kết thúc trong nỗi hằn học của cha con ông Dũng.
 
Quỳnh Anh

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.